Sinh năm 1928, trong một vùng quê thanh bình ở làng Duyên An, Đất Mũi, Cà Mau. Cậu bé Nghị Đoàn lớn lên trong một xóm nhỏ, chừng ba mươi mấy nóc nhà trong đó có rất nhiều gia đình người Hoa cư ngụ lâu đời. Ba cậu có một ghe bán hàng xén, ngang dọc trên các con sông, kênh rạch vùng Đất Mũi cùng với nghề hầm than, một nghề phát đạt, ăn nên làm ra thời bấy giờ nên cuộc sống tương đối đầy đủ, sung túc. Đây là một tiền đề tốt, cho việc thoát ly cách mạng, và cho người thiếu niên Nghị Đoàn tận trung, toàn tâm với cách mạng mà không vướng bận, chi phối chuyện gia đình trong những ngày đầu nuôi dưỡng tư tưởng, lý tưởng cách mạng. 17 tuổi, đồng chí đến với phong trào cách mạng, tham gia phong trào “Thanh niên Tiền phong” tại vùng Đất Mũi.
Tham gia nhiều phong trào cách mạng của thanh thiếu niên, đến 1950, đồng chí bắt đầu được giao thực hiện các nhiệm vụ vận động thanh niên, bà con tham gia các phong trào cách mạng phát động tại địa phương, nuôi giấu cán bộ, hỗ trợ hết mình cho lực lượng chiến đấu trên mặt trận Đất Mũi.
Sau một thời gian hoạt động tại Cà Mau, năm 1955, đồng chí được cấp trên đều động lên thành phố Sài Gòn làm công tác Học vận với nhiệm vụ chính là vận động học sinh trong các trường dạy tiếng Hoa để hưởng ứng phong trào “Thanh niên Tiền phong”. Đó là cái Tết đầu tiên của đồng chí ở Sài Gòn cùng với vợ mình là bà Dương Ngọc Bích. Hai vợ chồng cưới nhau ở Cà Mau, rồi cùng xa quê nhà lên Sài Gòn hoạt động cách mạng, mang theo lòng yêu nước cùng kinh nghiệm, tinh thần và tấm lòng thiết tha đối với công tác Dân vận. Từ những cuộc vận động trong học sinh người Hoa đã trở thành cái duyên đầu tiên đến với phong trào Hoa vận trong căn cứ kháng chiến khu Sài Gòn - Gia Định của đồng chí... Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, năm 1959, Ban Cán sự Công vận người Hoa thành lập. Cuối năm 1967, Đảng ủy kiêm Ban Hoa vận T4 được thành lập, đồng chí được giao giữ chức vụ Thành ủy viên, Bí thư kiêm Trưởng ban Hoa vận Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Trong giai đoạn Ban Cán sự người Hoa được thành lập đến những năm 1966 - 1967, đồng chí đã chỉ đạo việc xây dựng hàng chục Chi bộ tại các xí nghiệp, xóm lao động, trường học có đông người Hoa sinh sống.
Mũi nhọn chính trị của công tác Hoa vận lúc đó là hướng vào công nhân người Hoa trong các xí nghiệp lớn. Trong đó, hoạt động của đồng chí tập trung vào công nhân lao động sản xuất tại hai nhà máy Vinatexco và Vimytex (nhà máy dệt Việt - Mỹ, nay là nhà máy Việt Thắng). Hai nhà máy lớn nhất, với quy mô lên đến 6.000 công nhân, trong đó đa phần là công nhân người Hoa với sự đầu tư của Đài Loan cụ thể là Quốc dân Đảng, một thế lực chính trị có quan hệ thân thuộc với chính quyền ngụy Sài Gòn. Nghệ thuật trong công tác Hoa vận của đồng chí Nghị Đoàn là việc đưa cơ sở cách mạng vào trong các nhà máy này. Đồng chí đã hướng dẫn số người được chọn làm cơ sở cách mạng trải qua những kỳ tuyển công nhân gắt gao của công ty, theo hai tiêu chí là biết tiếng Hoa và có trình độ tiểu học trở lên. Hai nhà máy này chuyên bóc lột sức lao động của công nhân. Có những ngày tăng ca, ép buộc làm 24/24 tiếng, không trả công, chỉ cho ăn qua loa.
Năm 1961, đồng chí và Ban Cán sự người Hoa đã lãnh đạo công nhân nổi dậy đấu tranh đòi tăng lương, cải thiện cuộc sống, phản đối sự bóc lột của chủ nhà máy. Phong trào kéo dài và phát triển mạnh. Tiếp nối là phong trào công nhân người Hoa ở Vinatexco, sau đó lan ra các phong trào đấu tranh trong công nhân người Việt, xây dựng phong trào đấu tranh của công nhân phát triển mạnh mẽ.
Đồng chí huấn luyện cơ sở cách mạng len lỏi vào tổ chức, thông qua các chương trình du lịch, tham quan, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để gặp gỡ, tiếp xúc làm quen được với nhiều người, tìm kiếm và tranh thủ những người có cảm tình với cách mạng, phát triển cơ sở cách mạng, và thực hiện các nhiệm vụ đấu tranh chính trị.
Đồng chí còn tổ chức những lực lượng vũ trang của công nhân và bà con lao động người Hoa đánh địch, diệt ác phá kìm, nổi dậy đánh nhiều trận đánh lớn, tấn công vào chính quyền Sài Gòn. Riêng đồng chí hoạt động bám vào những xóm lao động nghèo của người Hoa ở quận 5, quận 8, quận 6, xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức chi bộ. Quan điểm hoạt động cách mạng đã thấm sâu vào tâm khảm của đồng chí là dựa vào nhân dân lao động nghèo...
Để hoạt động được, đồng chí đã sử dụng nhiều vỏ bọc để có thể che giấu thân phận của mình như: làm công nhân ép keo, dạy học tiếng Hoa, làm cơ khí khắp các cơ sở ở quận 5, quận 6, quận 11 và làm thuê, làm mướn đủ thứ nghề ở một số khu vực khác. Mỗi nhiệm vụ, đồng chí đều tính toán những vỏ bọc khác nhau, phù hợp và thuận tiện nhất trong việc lãnh đạo công tác Hoa vận và phong trào cách mạng của người Hoa.
Một chi tiết thú vị trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nghị Đoàn là có người giao liên bí mật, thực hiện nhiệm vụ nhận thư, tin, lệnh từ chiến khu và cấp ủy chuyển giao. Người giao liên Dương Ngọc Bích ấy chính là người vợ của đồng chí Nghị Đoàn. Cô Dương Ngọc Bích làm y tá trong bệnh viện Phước Kiến và làm việc cho bác sĩ Lương Phán - bác sĩ có tiếng thời bấy giờ. Phòng khám tư của bác sĩ Lương Phán trở thành một nơi để giao nhận thông tin của hai vợ chồng đồng chí Nghị Đoàn. Nhờ người giao liên bí mật này, đồng chí Nghị Đoàn đã có nhiều thông tin liên lạc để hoạt động tốt và giúp đỡ cách mạng trong việc chữa trị những người Hoa bị thương nặng trong các phong trào đấu tranh. |