Cho đến khi sinh đứa con thứ 2, cô gái ấy mới chỉ 22 tuổi. Cũng lại một mình sinh con rồi một mình nuôi con.
Lần đầu khi đến gặp chúng tôi, cô mới 19 tuổi, đang mang thai, bụng to vượt mặt. Ông bố đi cùng cô than thở: “Cháu dại dột nghe lời dụ dỗ của người ta mang bầu. Bây giờ sắp sinh, không đi làm được, không có tiền (cô là công nhân may), nhà cũng không có tiền lo cho nó sinh nở…”.
Ông nhờ chúng tôi tìm ai đó có lòng hảo tâm giúp cô gái sinh nở mẹ tròn con vuông, rồi cho họ luôn đứa con để cô có cơ hội làm lại cuộc đời.
Cũng may, lúc ấy, một bác mạnh thường quân nhiều năm gắn bó với công tác từ thiện-xã hội của Báo SGGP thấy cô gái còn trẻ, nhẹ dạ lỡ lầm nên hứa giúp cô sinh nở và nuôi con với một điều kiện chính cô nuôi đứa con, không được giao con cho ai để cháu đừng thiếu tình mẫu tử.
Cô gái chấp thuận và từ đó, hàng tháng cô đến cơ quan báo nhận tiền về nuôi con. Bẵng đi một thời gian không thấy cô đến gặp chúng tôi, ai cũng mừng vì nghĩ có lẽ cuộc sống của cô đã tạm ổn, bé gái con cô cũng đã khá lớn rồi.
Thế rồi một hôm, cũng ông bố ấy đến tìm chúng tôi, nhờ tìm người cho giúp một cháu bé trai mới được ba tháng rưỡi tuổi. Chúng tôi hỏi bé trai con của ai, ông ngập ngừng kể: “Cũng con của con P. với thằng đó chớ ai! Nhưng thằng đó lại bỏ nó nữa rồi. Cháu dễ thương lắm nhưng bây giờ gia đình tôi kiệt quệ không làm sao nuôi nổi 2 đứa nhỏ…”.
Cháu bé dễ thương thật, thấy người lạ cứ nhoẻn miệng cười. Con nhà nghèo nhưng nhờ mẹ mát sữa nên cháu trông tròn trịa, bụ bẫm, chỉ có điều ăn mặc nhếch nhác, mình toàn mùi tanh. Cô gái có vẻ ngượng ngùng khi gặp lại chúng tôi.
Cô lí nhí kể: “Con nuôi con bé lớn đến 6 tháng thì ảnh quay về năn nỉ ba má con, xin cho được ở lại để phụ nuôi con. Ba má con nghĩ ảnh biết hối lỗi, lại không muốn con cực khổ nuôi con một mình nên đồng ý cho ảnh ở lại với con. Cả nhà 8 người sống chung trong một phòng trọ chưa đầy 20m².
Khi con có thai đứa thứ hai, ảnh cũng lo làm kiếm tiền chuẩn bị cho con sanh nở, ai dè …”. Cô sanh đứa con trai ở Bệnh viện Từ Dũ được mấy ngày, bệnh viện kêu người nhà đóng tiền để xuất viện, anh chàng này nói về nhà kiếm tiền rồi đi luôn từ đó đến nay, không một lần quay lại thăm con. Không có tiền đóng viện phí, cô liều mạng ẵm con trốn về nhà. Vì không có giấy chứng sinh nên cháu bé cũng chẳng được khai sinh…
Tôi bế cháu bé về nhà với mục đích vừa thử lòng cô gái vừa để có điều kiện chăm sóc cháu bé ít ngày. Tôi mua sữa, sắm quần áo và chăm bẵm bé với một tình cảm càng ngày càng gắn bó như ruột thịt của mình.
Hết một tuần, theo lời hẹn, tôi bế bé đến cơ quan, cô cũng đến thăm con. Vừa thấy con, cô ôm con vào lòng hôn lấy hôn để. Tôi nhìn cảnh ấy mà ứa nước mắt. Tôi thương bé, quấn quít bé, nhưng chắc chắn không thể sâu nặng với bé bằng người rứt ruột đẻ ra bé. Thế là cháu bé lại về với mẹ, sạch sẽ, tinh tươm và có vẻ phổng phao hơn, còn tôi về nhà nhìn cái võng trống trơn lại muốn khóc…
Từ lần ấy, cứ hết tiền mua sữa cô lại gọi điện hoặc bế con đến xin giúp đỡ. Tôi đã giúp cô nộp viện phí để lấy chứng sanh cho con và cô đã đăng ký khai sinh cho cháu. Anh chị em trong cơ quan nhắc nhở: “Chị lo cho cô ấy nhiều quá coi chừng vài tháng cổ lại mang đến đứa con thứ 3 đấy!”. Tôi cũng lo như vậy, lần nào gặp P. tôi cũng hỏi dò: “Thằng đó có quay lại thăm con không? Nếu nó quay lại con có chấp nhận nó không?...”. Người mẹ trẻ nhẹ lắc đầu nhưng ánh mắt rất buồn. Nhiều lần chở mẹ con cô ra trạm xe buýt, tôi bắt gặp ánh mắt cô nhìn theo những gia đình vợ chồng con cái chở nhau đi chơi với đối mắt thèm thuồng. Ai mà chẳng mơ một mái gia đình hạnh phúc. P. có khuôn mặt đẹp, phảng phất nét trẻ thơ với nụ cười hiền. Khuôn mặt ấy, con người ấy lẽ ra đã có thể có một gia đình hạnh phúc, thế mà…
YẾN NHI