Cách nay tròn 1 năm, tháng 4-2015, người dân xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) hân hoan đón dòng điện lưới quốc gia từ công trình kéo cáp ngầm vượt biển. Nhưng người dân ở ấp đảo Thiềng Liềng (thuộc xã Thạnh An) vẫn phải sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời. Và rồi, đúng vào dịp kỷ niệm 30-4 năm nay, Thiềng Liềng cũng có điện lưới, niềm vui vỡ òa...
Ăn mừng có điện
Đang loay hoay với mớ rau củ vừa đi chợ mua về, nhưng chị Nguyễn Thị Vui (ở tổ 41 ấp Thiềng Liềng) vẫn vui vẻ nghỉ tay để tiếp chuyện với chúng tôi khi nghe hỏi chuyện Thiềng Liềng có điện, chị nói: “Mừng, mừng lắm! Ở đảo này có ai dám mơ sẽ có ngày được kéo điện đến đâu, vậy mà có thiệt!”.
Chị dẫn chúng tôi vào tham quan căn nhà chị mới xây, tường gạch, sơn nước, mặt tiền ốp gạch men; đèn, quạt, ti vi… đều đã trang bị đầy đủ; rồi chỉ tay về chiếc điện kế mới tinh, khoe: “Mới gắn 2 ngày nay, miễn phí toàn bộ. Căn nhà được xây hồi đầu năm nay. Hôm xây nhà, nghe nói sẽ có điện nên gia đình tui quyết định mua đèn, quạt gắn sẵn luôn. Giờ có điện, sáng trưng. Mới có điện thì ngày 30-4-2016 là ngày bỏ bông (đám hỏi) cho con gái, mừng ghê! Cả nhà đang bận rộn chuẩn bị làm vài bàn đón đàng trai sang dạm hỏi, coi như cũng là ăn mừng ngày lễ lớn và ăn mừng ngày có điện luôn”.
Chúng tôi ghé vào nhà ông Bùi Văn Bé cùng ở tổ 40. Ông đi vắng, chỉ còn cô con gái Bùi Thị Ngọc Hồng trông nhà. Chỉ chiếc tủ cấp đông còn nguyên thùng vừa mua về ngày hôm trước, cô Hồng kể: “Biết có điện lưới, nên gia đình đã đặt mua và mới được giao hôm qua, ngày mai mới khui thùng, tính để bán kem”.
Vợ chồng ông Phan Văn Bí ở ấp Thiềng Liềng trong niềm vui có điện
Điện về, nhà khá mua tủ lạnh, nhà nghèo cũng sang Cần Thạnh tìm mua cho được vài chiếc quạt máy để xài. Ông Phan Văn Bí ở tổ 41 đã gần 60 tuổi, bệnh liên miên, kể: “Mấy đứa nhỏ đi làm có tiền phụ nên vừa sang bên Cần Thạnh mua chiếc quạt máy giá 280.000 đồng”. Đang nói chuyện, bà Sương - vợ ông - khệ nệ bê về thùng quà vừa được TPHCM tặng hộ nghèo nhân ngày đóng điện. Hai ông bà quyết định “khui thùng” ngay và vui mừng khi thấy đó là một nồi cơm điện mới tinh. “Ngày mai nấu cơm bằng nồi điện mới nghe ông, quyết vậy đi!” - bà Sương nói với chồng, rồi cả hai cùng cười. Còn anh Mới, nhà ở tổ 40 đang bơm nước từ ghe lên cũng chia sẻ: “Ngày 30-4 năm nay cả ấp này vừa mừng lễ, vừa mừng có điện”.
Không tiếc công sức để dân vui
Trong hội trường Nhà văn hóa ấp Thiềng Liềng ngày 29-4 rất ngột ngạt, do thời tiết nóng và cũng do bà con trong ấp tụ họp về khá đông để dự lễ khánh thành đường dây 22kV băng rừng cấp điện cho ấp. Nóng bức vậy nhưng không ai ra về. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa vui với niềm vui của người dân Thiềng Liềng: “Bà con nói mấy chục năm rồi, ở đất này toàn xài đèn dầu, rồi năng lượng mặt trời, không dám mơ có điện lưới, giờ có, nên ai cũng mừng lắm. Thấy bà con mừng, tôi cũng vui lây…”.
Để mang niềm vui đến ấp nghèo xa xôi, tháng 1-2016 TPHCM đã quyết định đầu tư công trình kéo điện về Thiềng Liềng. Cái khó là không có mặt bằng thi công. Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM, người trực tiếp điều hành công trình này, cho biết: “Muốn đưa điện từ Thạnh An về Thiềng Liềng, phải kéo dây băng qua sông Thêu, băng qua rừng phòng hộ, qua nhiều ruộng muối. Ban đầu, phương án đưa ra là kéo dây nổi, nhưng rồi sau quyết định kéo cáp ngầm, dù khó hơn nhưng an toàn và không ảnh hưởng môi trường rừng”.
Ông Trịnh Nguyễn Viết Tâm, Phó giám đốc Công ty Điện lực Duyên Hải, kể: “Mỗi cuộn cáp 5 tấn, mà phải kéo hơn 10 cuộn như vậy, nên phải huy động cả trăm công nhân làm thủ công. Rừng không có lối đi, muốn đưa cáp vào phải canh con nước, vô cùng vất vả”. Việc kéo cáp ngầm vượt sông Thêu bằng robot cũng gian nan không kém. Không có mặt bằng, robot phải đặt trên sà lan, canh thủy triều mà làm, có hôm 19 giờ tối, có hôm 4 giờ sáng công nhân phải dậy sớm để làm. Rồi cáp vượt qua ruộng muối trong cái nóng và nắng chói chang.
Gần 2 tháng vất vả thi công và chạy đua với thời gian, ngày 27-4 việc đấu nối cáp hoàn tất, đóng điện thử nghiệm và ngày 29-4 đã chính thức lấy tải. Lên nhận khen thưởng của TPHCM và huyện Cần Giờ, nhiều công nhân vẫn còn lốm đốm vệt mồ hôi trên vai áo xanh, nước da đen sạm, nhưng ai cũng vui vì đã góp sức cho nơi xa nhất của TPHCM phủ kín điện lưới quốc gia.
THƯ LÊ