Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương, trong đó có TPHCM, đã áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15, rồi sau đó là theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Tuân thủ các biện pháp nghiêm ngặt về phòng chống dịch, người dân luôn giữ 5K, hạn chế ra đường hoặc chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết.
Có nhiều người, nhiều gia đình hầu như không ra khỏi nhà trong suốt thời gian giãn cách. Những người được phép ra đường cũng tự giới hạn mình trong sinh hoạt, giao tiếp, như luôn đeo khẩu trang, đeo kính chống giọt bắn, diệt khuẩn đồ dùng, vật dụng khi trao tay… Chính sự tuân thủ nghiêm ngặt này đã làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Khi các địa phương áp dụng giãn cách nghiêm ngặt, nhu cầu về an sinh xã hội tăng cao, chính người dân là lực lượng nòng cốt. Nhiều người không ngại khó, ngại khổ, tìm cách trợ giúp cộng đồng, bằng việc chia sẻ từng ổ bánh mì, từng hộp cơm, hộp bún, từng cọng rau, con cá đến lực lượng phòng chống dịch tuyến đầu và những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Đồng bào trên khắp các vùng miền đã góp lương thực, thực phẩm kịp thời gửi đồng bào TPHCM. Thật xúc động với hình ảnh các thầy cô giáo ở các tỉnh miền Trung cặm cụi thức đêm làm từng lọ muối sả, từng hộp đậu phộng rang, từng hũ mắm ngon...để gửi vào TPHCM tiếp sức bà con trong những ngày “ai ở đâu thì ở đó” để phòng chống dịch. Tất cả đều chứa đựng tinh thần tương thân tương ái - truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam.
Không chỉ có vậy, người dân còn nâng cao tính giám sát trong thời gian giãn cách. Đó là thường xuyên nhắc nhở nhau trong cộng đồng giữ nghiêm 5K, giữ gìn vệ sinh môi trường. Ở trong khu phố, chung cư, nếu có người mắc bệnh, bà con thường xuyên cập nhật thông tin, trao đổi với tổ trưởng.
Mỗi người dân là một “camera giám sát”, kịp thời thông tin cho Tổ Covid cộng đồng, các cơ quan chức năng để phản ánh tình hình khi phát hiện trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh. Chủ động, tích cực phối hợp, hỗ trợ lực lượng chức năng luân phiên canh gác, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chốt kiểm soát lối vào - ra khu vực sinh sống, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, cảnh giác, giữ an toàn cho nhau, bảo đảm an ninh trật tự nơi sinh sống.
Với vai trò là chủ thể, thời gian qua, người dân đã hy sinh nhiều thứ, đóng góp công sức rất lớn trong công cuộc phòng chống dịch bệnh. Chỉ thị của Ban Bí thư và Nghị quyết của Chính phủ đã nêu: Thực hiện xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”.
Trong đó, lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng chống dịch. Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Và để chăm lo cho chủ thể, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách quan trọng.
Đó là tập trung nguồn lực chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng cho nhân dân, ưu tiên cho công tác khám, chữa bệnh, nhất là các bệnh nhân nặng, giảm thiểu số ca tử vong, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho an sinh xã hội, bảo đảm cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm, lương thực thiết yếu và các hỗ trợ cần thiết cho người dân khi thực hiện cách ly, giãn cách; khẩn trương tập trung triển khai chiến lược vaccine, nhất là việc cung ứng, tổ chức tiêm vaccine nhằm sớm thực hiện tiêm vaccine diện rộng để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Người dân là chủ thể trong phòng chống dịch, chính là góp phần khơi dậy, phát huy sức mạnh ý chí niềm tin, nguồn lực vật chất và tinh thần to lớn của nhân dân trong cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình đặc biệt nguy hiểm này. Thực hiện tốt vấn đề này chính là quán triệt, cụ thể hóa cơ chế vận hành “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.