
Năm nay, tuy gặp khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng số lượng Việt kiều về quê ăn tết lại đông hơn những năm trước. Những ngày đón xuân Kỷ Sửu 2009 trên đất mẹ đã để lại nhiều ấn tượng khó quên đối với bà con xa xứ. Báo SGGP đã phỏng vấn nhanh, ghi lại cảm nhận của họ trước khi lên máy bay trở về xứ người.
- Bà NGUYỄN THỊ OANH (Việt kiều Mỹ): Cảnh thanh bình thật đáng nhớ

Giờ phút chia tay đầy lưu luyến ở sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: TR.Y.
Đúng 3 tuần lưu lại Việt Nam, kể từ lúc đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất và nay chuẩn bị làm thủ tục lên máy bay trở về Mỹ, điều để lại trong tôi là hình ảnh cuộc sống người dân Việt Nam nói chung đã khá lên. Tôi đã nhìn thấy niềm vui, nụ cười lạc quan thường nở trên khuôn mặt của họ.
Riêng bộ mặt TPHCM thay đổi ấn tượng với nhiều tòa nhà cao tầng, khu phố hiện đại mọc lên, xe hơi cũng nhiều hơn… Tuy nhiên, đường sá thì chật chội, giao thông còn lộn xộn, chưa sạch lắm.
Dịp Tết Kỷ Sửu, các đường ở trung tâm như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi... được trang hoàng quá đẹp, quá hấp dẫn. Nhìn cảnh mọi người đều hân hoan du xuân, nhất là các bạn trẻ tay trong tay ngắm hoa, thưởng thức các công trình nghệ thuật trong sự trật tự, thanh bình, tôi nghĩ rằng khó có nơi nào có được.
Tuy bóng đen suy thoái kinh tế toàn cầu đang lan rộng nhưng tôi nghĩ nền kinh tế nước nhà vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao. Vì thế, người dân vẫn sống lạc quan, tràn đầy niềm vui. Nói thật là người dân mình có được niềm vui này là quá hạnh phúc, bởi bên ấy – nơi tôi ở, từ trước tết nhiều người đã tất tưởi đi kiếm việc làm mới, âu lo vì kinh tế suy thoái…
- Ông VÕ THÀNH HIỆP (Việt kiều Canada): Tệ nạn nhũng nhiễu, đòi hối lộ đã giảm nhiều
Tôi rời đất nước đã hơn 30 năm. Lần về quê gần đây nhất cũng cách đây 7 năm. Đây là cái tết mà cả vợ chồng tôi và con gái cùng về thăm quê. Ở bên đó, qua các phương tiện truyền thông tôi đã nắm được tình hình kinh tế, xã hội ở trong nước. Ai cũng vui khi đất nước phát triển hơn, đời sống kinh tế khá hơn và ngày càng có nhiều người giàu lên.
Ngoài cảm nhận những cái mới này thì tôi cũng nhận thấy nạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh hối lộ đã giảm. Tôi thực sự ngạc nhiên vì từ lúc làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất đến việc đi lại, ăn ở sinh hoạt trong gần 1 tháng ở quê nhà, đi đến đâu cũng bắt gặp nụ cười thân thiện. Nhìn chung các loại thủ tục kiểm tra, làm giấy tờ đều được giải quyết nhanh chóng.
Không như lần về trước, trong ví lúc nào cũng phải để sẵn ít tiền để “lót tay” cho cán bộ, nhân viên hải quan, kể cả khi ở khách sạn. Tôi nghĩ rằng, khi nạn nhũng nhiễu, đòi hối lộ giảm bớt và mọi giao dịch đều minh bạch hơn thì chắc chắn Việt Nam sẽ thu hút được đầu tư nước ngoài nhiều hơn, kể cả Việt kiều về quê đầu tư nhiều hơn. Tôi tin chắc rằng đất nước mình sẽ phát triển với tốc độ nhanh và lớp người giàu có sẽ nhiều hơn trong thời gian tới.
- Ông LÊ ĐÌNH VY (Việt kiều Mỹ): Nông thôn có nhiều chuyển biến quá
Tôi sang Mỹ mấy chục năm rồi. Nay đã lớn tuổi, lại không vướng bận công việc nên cứ đến tết lại về quê đón xuân và đi thăm thú cảnh đẹp quê hương. Tôi thấy, không chỉ ở các TP lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội mà ở miền Trung - quê tôi - kinh tế nông thôn cũng được đầu tư và phát triển khá mạnh. Nhiều gia đình đã xây dựng nhà lầu, còn đời sống vật chất, sinh hoạt văn hóa tinh thần cũng được cải thiện, nâng cao hơn trước đây.
Thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh), quê của tôi nằm cạnh đường Hồ Chí Minh giờ thay đổi, hiện đại chẳng khác gì TP. Hệ thống đường sá phẳng lì, gia đình nào cũng có phương tiện sinh hoạt đắt tiền như xe máy, tủ lạnh, máy giặt…. Cuộc sống người dân đi lên nhưng vẫn gìn giữ được nét gia phong và giữ được truyền thống đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn.
Tôi thấy việc trọng chữ nghĩa ở ta rất đáng tôn vinh. Ngày tết, gia đình nào cũng tụ tập, đón con cái người thân ở xa về tề tựu vui vẻ, hạnh phúc. Nét đẹp truyền thống ấm cúng, thân thiện này ở nước ngoài không thể tìm thấy được.
Trần Yên (thực hiện)