Người dân vùng trũng đã an cư

Trước đây, người dân ở các quận 8, 12, Thủ Đức… - nơi có địa hình thấp tại TPHCM - luôn phải canh cánh nỗi lo vỡ bờ bao, ngập nước khi triều cường. Nay, sau khi các công trình trị thủy đưa vào sử dụng, cuộc sống người dân nơi đây đã có nhiều đổi thay, có thể an tâm trước những đợt triều lớn.
Người dân vùng trũng đã an cư

Trước đây, người dân ở các quận 8, 12, Thủ Đức… - nơi có địa hình thấp tại TPHCM - luôn phải canh cánh nỗi lo vỡ bờ bao, ngập nước khi triều cường. Nay, sau khi các công trình trị thủy đưa vào sử dụng, cuộc sống người dân nơi đây đã có nhiều đổi thay, có thể an tâm trước những đợt triều lớn.

Dự án rạch Lò Than làm xong, con đường cặp theo rạch trước đây rộng 4m, nay bị thu hẹp chỉ còn chưa được 2m.

Thoát cảnh ngập lụt

Từ khi cống ngăn triều rạch Gò Dưa đưa vào sử dụng, các khu dân cư ở các phường Linh Trung, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước và Tam Phú (quận Thủ Đức) đã thoát cảnh ngập lụt do triều cường. Khi nước triều lên cao, van ngăn triều đóng lại, chặn không cho nước từ sông Sài Gòn đổ vào khu dân cư. Sau khi đọ sức với những đợt triều lớn vào cuối năm 2014, cống ngăn triều đã cho thấy phát huy tác dụng tốt. Anh Thái Văn Đoàn (nhà sát con rạch, ở đường 24, phường Linh Đông, quận Thủ Đức) vui vẻ kể: Mặt bờ bao đã cao hơn nền nhà chừng 1m. Mấy năm trước, mỗi khi triều lớn, nước lấp xấp mặt bờ bao, mọi người đều nơm nớp lo vỡ bờ. Với mực nước đó, nếu vỡ là nhấn chìm cả khu dân cư này trong biển nước. Còn bây giờ, cả khi ngoài sông nước triều lớn, ở trong khu dân cư này, các con đường vẫn khô ráo, nước mới đến chân bờ bao. Nhờ có cống ngăn triều, người dân không còn phải vất vả đôn nền, nâng đường để chống ngập.

Đầu mùa mưa, các vườn hoa mai ở khu phố 8 phường Hiệp Bình Chánh đang kỳ ra lá mới. Nhiều chủ vườn phấn chấn trồng thêm gốc, mở rộng vườn. Bà con ở đây cho biết, trước đây mùa này ai cũng sống trong cảnh lo lắng sợ vỡ bờ bao, hư hại vườn mai. Hồi cuối năm 2013, có lần vỡ bờ, chỉ trong một thời gian ngắn, triều cao đã cuốn phăng 20m bờ bao, làm chìm cả khu vực trong biển nước nhiều ngày, đường sá hư hỏng, toàn bộ vườn mai, ao cá gần như mất trắng.

Theo đê bao bờ hữu sông Sài Gòn đi dọc lên phường An Phú Đông, Thạnh Lộc (quận 12), cũng thấy nỗi lo ngập lụt đã qua, dưới chân đê là vườn rau, cây ăn trái xanh tốt. Những con đường trải bê tông hoặc trải nhựa từ trong khu phố đã thẳng nối ra chân đê. Ông Nguyễn Văn Quê (ở 1151/3D khu phố 3, phường An Phú Đông) cho biết, từ khi có hệ thống đê bao, nạn ngập nước mỗi khi triều lớn đã chấm dứt. Cuộc sống người dân vùng ven đỡ cực, hệ thống đường sá, cầu cống được đầu tư, làm cho bộ mặt phố phường khang trang, sạch đẹp.

Người dân ở vùng trũng quận 8 - các phường 7 và 16 - cũng rất phấn khởi vì hệ thống chống ngập trên rạch Nhảy - Ruột Ngựa được đưa vào sử dụng. Bà con ở đây cho biết, tuy công trình chưa có dịp đọ sức với những đợt triều lớn, nhưng nhìn quy mô công trình, mọi người đều an tâm về khả năng chống ngập.  

Vẫn còn nhiều việc phải tính

Thực tế cho thấy cuộc sống của hàng vạn gia đình ở các vùng trũng TPHCM đã được cải thiện nhờ những công trình trị thủy đã phát huy tác dụng. Dù nguồn ngân sách còn eo hẹp, nhưng chính quyền vẫn ưu tiên dành hàng trăm tỷ đồng đầu tư chống ngập cho người dân vùng trũng. Trong số đó, nổi bật là các dự án: đê bao bờ hữu sông Sài Gòn đoạn qua quận Gò Vấp, quận 12 và huyện Hóc Môn được đầu tư gần 500 tỷ đồng; hệ thống đường giao thông - ngăn triều ở phường 7 quận 8 được đầu tư 182 tỷ đồng; cống kiểm soát triều rạch Nhảy - Ruột Ngựa ở phường 16 quận 8 được đầu tư 220 tỷ đồng và 5 cống kiểm soát triều tại quận Thủ Đức (xây dựng tại rạch Gò Dưa, Ông Dầu, Thủ Đức, Cầu Đá, Cầu Đúc Nhỏ). Những dự án đầu tư chống ngập đã phát huy tác dụng. Sau khi dự án 5 cống ngăn triều tại quận Thủ Đức xây dựng xong, hầu như toàn bộ các nhánh rạch từ cầu Bình Phước đến rạch Thủ Đức đã ổn. Cả khu vực rộng hơn 2.100ha thuộc địa bàn dân cư các phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Đông, Tam Phú đã không còn ngập nước.

Sau khi các cống ngăn triều, đê bao đưa vào sử dụng, mức triều ở các rạch trong vùng trũng đã được khống chế. Mực nước trong rạch luôn ở mức thấp, áp lực đối với các bờ bao bằng bê tông không lớn, nên những bờ bao hiện hữu có thể làm tốt chức năng ngăn nước trong thời gian dài nữa. Thế nhưng, hàng loạt dự án thay bờ bao bê tông bằng nhựa PVC, với độ cao vượt quá bờ bao hiện hữu vẫn được đồng loạt triển khai. Tình trạng dự án chồng dự án sẽ gây lãng phí lớn cho xã hội, trong khi ở nhiều nơi chưa có cống ngăn triều, đang cần kinh phí để làm bờ bao. Ông Nguyễn Văn Thúc (ở 1109/3A khu phố 3, phường An Phú Đông, quận 12) cho biết: Nhà nước đầu tư làm đê bao thì mọi người vui, nhưng có bờ bao bằng nhựa PVC thì quá lãng phí. Khi có công trình đê bao và cống ngăn triều, rạch Lò Than chỉ còn chức năng thoát nước mưa. Thế mà nhà nước lại đầu tư hàng tỷ đồng, dùng cừ nhựa quây con rạch thành ao tù giữa khu dân cư. Trước đây, con đường cặp theo rạch rộng 4m, xe hơi lưu thông thuận tiện nay bị thu hẹp còn chưa được 2m. Nhà nước tốn nhiều tiền mà bờ bao không ngăn nước, còn dân lại mất đường đi.

Để niềm vui người dân vùng trũng được trọn vẹn, cơ quan chức năng cần xem xét để việc đầu tư mang lại hiệu quả, không lãng phí.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục