Trong số những vị khách thường lui tới Căn phòng có “ma”, nơi ở và cũng là nơi làm việc của nhà thơ Trần Đăng Khoa và tôi, có một vị khách khá đặc biệt, đó là một người lính tóc dài, họ tên đầy đủ là NTPT. Sở dĩ tôi gọi PT là khách đặc biệt, bởi nàng đến căn phòng của chúng tôi không phải để đàm đạo văn chương như phần đông các vị khách khác (mặc dù PT có dư khả năng này), mà đến vì một việc chẳng mấy hay ho: đòi nợ! Nàng không đòi nợ tiền mà đòi nợ sách!
Tôi và Trần Đăng Khoa có chung một cái tật: mượn sách của thư viện cơ quan Bộ Tư lệnh Quân chủng, cuốn nào hay thường giữ lại lâu. Trong khi cô thủ thư PT lại quá nghiêm chỉnh trong công việc. Hàng ngày PT mở sổ ra, cứ thấy vị nào mượn sách quá thời hạn không đem trả là nàng thường tìm đến tận “sào huyệt” để đòi. Mỗi lần PT tới phòng chúng tôi đòi sách, nàng lại tỏ một chút khó chịu, nhưng cũng không nỡ nặng lời hoặc tiếng bấc tiếng chì với chúng tôi. Không những thế, hôm nào thấy đồ đạc, sách vở, bản thảo của chúng tôi có vẻ lộn xộn, nàng còn lặng lẽ xếp đặt lại cho gọn gàng, ngay ngắn rồi mới về.
Đến dịp Bộ Tư lệnh chuẩn bị tổ chức hội diễn văn nghệ, Nhà văn hóa làm công văn gửi lên Tổng cục Chính trị xin thêm trang thiết bị, cờ đèn kèn trống, đàn nhị, phông màn. Tổng cục điện về đồng ý. Thủ trưởng cơ quan phân công tôi, Trần Đăng Khoa và PT đi Hà Nội nhận hàng. Ông Ngô Thế Lãng, Chủ nhiệm Nhà văn hóa còn giải thích thêm với tôi và Khoa: “Hai cậu năng nổ, nhiệt tình, nhưng có lúc hơi đoảng. Tôi phải cho PT đi cùng để quản lý hàng cho chắc ăn, vì tính nó cẩn thận hơn các cậu!”. Thế là trời chưa sáng hẳn, ba chúng tôi đã leo lên thùng chiếc xe tải loại nhỏ cùng với anh lính lái xe bon bon trên đường 5 hướng về thủ đô. Nhận hàng xong, xe quay về đến cầu Phú Lương thì Trần Đăng Khoa xem đồng hồ rồi bảo:
- Bây giờ mới gần mười một giờ, tôi mời các bạn ghé thăm nhà tôi.
Nhận thấy đó là một ý kiến thú vị, chúng tôi đều gật. Xe ngoặt về phía huyện Nam Sách rồi đi thẳng về xã Quốc Tuấn, quê Khoa. Hồi ấy bố mẹ Khoa tuy tuổi đã trên dưới thất tuần nhưng vẫn còn khỏe.
Thấy chiếc xe quân đội về đậu gần nhà, cả hai ông bà đều tất tưởi chạy ra đón. Chúng tôi cùng xúm vào mỗi người một việc làm bữa cơm trưa. Khỏi phải dài dòng kể về cái bữa cơm đậm đà tình quê ấy. Nhưng những cử chỉ của bà mẹ Khoa dành cho PT thì không thể không mô tả.
Ngay từ những giây phút đầu tiên nhìn thấy PT bước xuống khỏi thùng xe, mẹ Khoa đã nhìn chăm chắm vào những ngôi sao lấp lánh trên phù hiệu của nàng. Sau đó bà ngắm khuôn mặt xinh đẹp của nàng, tỏ mối thiện cảm không cần giấu giếm. Khi vào đến sân bà dắt PT ra chỗ cái bể xây cầm gáo dừa múc nước mưa cho nàng rửa mặt, rửa chân tay. Trong bữa cơm bà cứ gắp thức ăn bỏ vào bát PT. Xong bữa, bà lại dắt PT ra vườn chọn hái những quả bưởi ngon nhất ấn vào tay nàng, bảo mang về cho anh em trong đơn vị. Tôi nghĩ, giá PT ở đây thêm chiều nay, chắc chắn bà cụ sẽ đun nước bồ kết gội đầu, chải tóc cho nàng. Nhưng đã đến lúc chúng tôi phải chia tay. Bà mẹ cứ vòng tay ôm ngang eo PT tiễn nàng ra xe. Lúc PT leo lên thùng xe rồi, bà kéo riêng tôi ra một chỗ, nói nhỏ:
- Cô gái này xinh đẹp, xem chừng lại có nết na. Nếu thằng Khoa nhà tôi hỏi làm vợ, liệu cô ấy có đồng ý không?
Tôi đáp:
- Con thấy Khoa và PT có vẻ cũng quý nhau đấy ạ.
- Thế thì anh vun vén cho em thật nhiệt tình vào, anh nhé!
Tôi vẫn hứa với bà rằng tôi sẽ cố gắng. Từ hôm ấy về cơ quan, PT có vẻ siêng lui tới căn phòng của chúng tôi hơn. Nhưng tình cảm thực của nàng như thế nào thì tuyệt nhiên không một chút bộc lộ…
Tôi cũng có những kỷ niệm không dễ quên với PT. Hồi ấy, sách văn học rất quý. Có những cuốn phải xin giấy giới thiệu của cơ quan mới mua được. Một trong những cuốn sách như thế là bộ tiểu thuyết Phục sinh (hồi ấy dịch là Sống lại) của Liep Tônxtôi. Tôi mượn bộ ấy đọc xong rồi còn muốn đọc lại nên đi đâu cũng mang theo. Hôm đi công tác, đứng xếp hàng mua vé xe khách ở bến Niệm Nghĩa, tôi bị kẻ trộm xách mất cái túi, trong đó có bộ tiểu thuyết Phục sinh.
Sau chuyến công tác, tôi lên thư viện khai báo, PT tỏ ra rất ái ngại cho tôi. Theo quy định thì trong trường hợp này, tôi phải mua đền, nếu không thì PT phải làm việc đó. Không làm được, họp cơ quan sẽ rất phiền phức. Tôi đi khắp các hiệu sách ở Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, người ta đều trả lời bộ sách ấy ra đã lâu, không còn. Nhưng cuối cùng thì chính PT lại mua được. Nàng mua được ngay cái bộ Phục sinh có đóng dấu thư viện quân chủng mà tôi để mất. Thì ra tên kẻ trộm lấy cái túi của tôi phát hiện trong đó có bộ sách dày cộp, hẳn y cũng biết đó là bộ sách quý nên đã mang bán cho hiệu sách cũ ở gần nhà hát lớn. PT nhận định ra tình huống, nàng đã ra hiệu sách ấy mua lại. Tôi đưa tiền trả thì PT gạt đi, bảo coi như nàng tài trợ cho tôi, miễn là từ nay tôi cẩn thận hơn.
PT sống đầy đặn như thế, tôi muốn làm một việc gì đó để tỏ lòng biết ơn nàng. Một hôm, tôi đến thư viện, thấy mấy chàng sĩ quan trẻ từ ngoài đảo Vạn Hoa về cơ quan Quân chủng họp hành gì đó, họ đứng nói chuyện rất sôi nổi với PT. Mấy chàng kể rằng hòn đảo nơi họ đóng quân có những bãi cát vàng đẹp như mơ. Trên bãi cát ấy có rất nhiều còng gió và ốc hương sinh sống. Trên đảo lại có một ngọn núi cao mọc rất nhiều loài phong lan, hoa nở quanh năm, đẹp như ở cõi thiên thai vân vân và vân vân. Cảnh ấy vô tình đã gợi cho tôi nảy ra một ý tưởng truyện ngắn. Tối hôm ấy, trong Căn phòng có “ma”, tôi bắt tay vào viết truyện ngắn Cát vàng, mô tả tình yêu lãng mạn của một thiếu nữ thành phố Cảng với một người lính ở hòn đảo có nhiều cát vàng. Thoạt đầu tôi đề tên tác giả là tôi. Nhưng sau khi viết xong bản thảo, tôi gạch dòng tên tôi thay bằng tên của PT. Lúc ấy tôi nghĩ, việc làm này là một cách thể hiện lòng biết ơn của tôi với PT, một kiểu biết ơn “có văn hóa”.
Chỉ hai tuần sau, báo Tiền Phong đã đăng truyện ngắn Cát vàng. Ngoài phòng đọc của thư viện thì hàng chục phòng ban trong cơ quan Bộ Tư lệnh có số báo ấy. Thế là người ta kéo nhau đến thư viện chúc mừng nhà văn trẻ PT vừa đăng tác phẩm đầu tay. PT gượng gạo và kiên nhẫn chịu đựng. Ai chúc mừng nàng cũng chỉ nói “cám ơn” mà không giải thích hay thanh minh thanh nga gì. Nhưng hết giờ hành chính, PT cầm tờ báo Tiền Phong chạy đến Căn phòng có “ma” gặp tôi, bảo:
- Anh phù phép cho em thành tác giả truyện ngắn Cát vàng là đẩy em vào một tình thế rất khó xử. Nếu em nói với mọi người rằng anh viết thì chắc chắn họ sẽ cho em và anh có chuyện gì đó! Nếu bảo rằng em viết thì hóa ra em là kẻ nhận vơ, giả dối, điều mà em rất không thích!
Đến lúc này thì tôi mới giật mình nhận ra rằng, tỏ lòng biết ơn PT theo cách này là lợi bất cập hại. Tôi và PT bàn bạc mãi rồi đi đến quyết định: đánh bài lờ và giữ bí mật đến cùng! Nghĩa là ai đến chúc mừng, PT cũng “cám ơn” rồi không giải thích hay thanh minh gì. Họ muốn hiểu thế nào thì hiểu.
Ngoài tôi và PT ra, trong cơ quan còn một người nữa biết chuyện này. Đó là Trần Đăng Khoa. Hai đứa ở chung một phòng, chẳng có chữ nào chúng tôi viết mà qua được mắt nhau. Giờ đây, tôi không thể không nói với Khoa về cách ứng xử mà tôi và PT đã lựa chọn. Nghe xong, Khoa bảo:
- Chọn cách ấy là đúng. PT còn có những việc cần làm hơn là dan díu với cánh văn thơ dớ dẩn như ông với tôi. PT có những tố chất của một người lãnh đạo đấy. Hiện tại thì quân hàm của nàng thấp hơn tôi và ông, nhưng tương lai thì nàng sẽ là người lãnh đạo chúng ta. Đấy, rồi ông xem!
Hơn hai mươi năm sau, một lần tôi có việc ra Hải Phòng. Đến cổng Bộ Tư lệnh Hải quân, tôi đang báo cảnh vệ xin gặp một người đồng đội cũ, thì bỗng nghe có tiếng phụ nữ gọi. Quay lại, tôi nhận ra PT. Thân thể nàng hơi đẫy ra một chút nhưng vẫn xinh đẹp, điệu cười ấm áp khiến vẻ đẹp của nàng đã bớt “băng giá” hơn xưa. Điều làm tôi chú ý nhất là đôi phù hiệu trên vai PT mỗi bên có ba ngôi sao và hai cái gạch, nghĩa là nàng đã mang quân hàm thượng tá. Tôi còn được biết hiện PT đang giữ một cương vị khá quan trọng trong cơ quan Bộ Tư lệnh. Chúng tôi hàn huyên sôi nổi một lát thì phải chia tay, bởi người bạn tôi cần gặp đã ra đón. Sực nhớ tới lời tiên đoán của Trần Đăng Khoa ngày xưa, so với thực tế thì chỉ đúng một nửa. PT bây giờ thuộc hàng bề trên của tôi thì chẳng còn gì phải bàn cãi nữa. Nhưng với ông giám đốc kênh phát thanh có hình VOV Trần Đăng Khoa thì nàng chưa thể là cấp trên được. Cơ hội ấy vẫn còn đang đón đợi nàng ở phía trước.
Hà Nội, hè 2011.
LÊ HOÀI NAM
(Phần 2 bài Căn phòng có “ma” - trang 3 SGGP chủ nhật 8-5-2011)