
Thượng tá Nguyễn Văn Băng, Trưởng phòng Tham mưu, Sở Cảnh sát PCCC TPHCM "khoe" với tôi về một người dân “tự dưng” mang cho sở 4 chiếc đèn lớn, công suất 1.500W. Với những chiếc đèn như thế, CB-CS sẽ có thêm ánh sáng phục vụ cho công tác chữa cháy, nhất là vào ban đêm.

Anh Lý Nhơn Thành.
Khi gặp chủ nhân của những chiếc đèn, anh chia sẻ: Nếu xảy ra hỏa hoạn, toàn bộ khu vực phải cắt điện; nếu cháy ban đêm thì ngoài “giặc lửa”, CB-CS công an còn phải chiến đấu với bóng tối trong khi đó thiết bị chiếu sáng còn quá thiếu thốn. Thấy vậy, anh mua 3 bóng đèn loại lớn (to như cái loa phát thanh), tháo bỏ hết “ruột”, chỉ lấy vỏ. Sau đó, mỗi cái vỏ, anh hì hục lắp 7 cái bóng đèn compact có khả năng tiết kiệm điện và độ bền cao thay cho đèn dây tóc.
Ngoài ra, anh còn tự lắp các bóng đèn compact lại với nhau, đấu nối lại rồi làm một cái hộp hình chữ nhật bọc ngoài để chế ra một kiểu đèn hộp có thể xoay được tứ phía – theo anh nhận định - có khả năng chiếu sáng hơn cả đèn dạng loa trên. Tất cả, anh mang sang “gửi” chỗ anh Nguyễn Văn Băng, hỗ trợ cho CB-CS dùng.
Không những thế, anh còn tự chế 1 chiếc đèn lớn gồm 4 bóng sắp sếp theo hình vuông, có chân đứng để ở góc nhà mình. Có đám cháy nào xảy ra, dù xa hay gần, anh cũng mang đến hiện trường lỉnh kỉnh đủ thứ: kìm, búa, mặt nạ chống độc, nón bảo hiểm, máy phát điện và đèn để… phục vụ CB-CS và tự mình tham gia chữa cháy, cứu hộ - cứu nạn. Anh giải thích rằng có đi thì mới biết đặc điểm, tính chất đám cháy này khác đám cháy kia để tuyên truyền cho người dân biết.
Anh không nhớ mình từng tham gia chữa cháy ở bao nhiêu đám hỏa hoạn nữa nhưng không bao giờ anh quên được sự khủng khiếp trong vụ cháy tòa nhà Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) vào năm 2002. Hôm đó, nhận được tin cháy, anh chạy ra thì lửa đã “liếm” xuống lầu 1. Anh chỉ kịp giúp vợ (bán hàng dưới tầng trệt của tòa nhà) chạy ra ngoài an toàn, còn hầu hết hàng hóa vứt bỏ lại. Liền đó, anh cùng đội ngũ bảo vệ tòa nhà vận hành máy bơm, phun nước làm mát tầng trệt.
Sau vụ cháy, anh nhận ra sự kinh khủng của ngọn lửa, đồng thời cũng thấy công tác PCCC của TP còn thiếu thốn rất nhiều. Anh bỏ tiền mua gần 20 bình chữa cháy xách tay, mặt nạ… tặng cho Công an phường Nguyễn Thái Bình và những hộ dân kinh doanh giày dép trên đường Lê Thị Hồng Gấm. Theo anh, làm tốt công tác PCCC, khống chế được “giặc lửa” thì sẽ hạn chế rất nhiều những cái chết thương tâm.
Ngoài lĩnh vực PCCC, người dân còn biết đến anh như một “khắc tinh” của tội phạm. Đặc biệt, tháng 2-2009, anh còn lập ra đội xe ôm tự quản gồm 60 người (đa phần là những người đi cải tạo về). Trong đó, anh mua xe máy tặng cho 8 người, trang bị đồng phục, số điện thoại nóng cho tất cả 60 người, giúp họ có công ăn việc làm ổn định. Nhiều người có “tì vết” đã đứng lên làm lại cuộc đời, nhờ anh.
Vì đóng góp trên, anh Lý Nhơn Thành, Phó Ban điều hành khu phố 2, phường Nguyễn Thái Bình, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vào cuối năm 2006
ĐƯỜNG LOAN