Nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam và ngày Nam bộ kháng chiến, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM đã giới thiệu đến bạn đọc tác phẩm Người mẹ đất thép, sách do Nhà xuất bản Trẻ phát hành.
Nhân vật chính của tác phẩm là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Rành, sinh năm 1900 tại ấp Trại Đèn, huyện Củ Chi, TPHCM. Bà là vợ của thầy giáo Nguyễn Văn Cầm, gia đình bà có đến bốn đời đánh giặc ngoại xâm, từ thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ.
Qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, bà đã cống hiến cho Tổ quốc 8 người con trai và 2 người cháu. Không những thế, bà còn là một chiến sĩ cách mạng trung kiên, tham gia bám trụ đến cùng tại xã Phước Hiệp, phá chính sách ấp chiến lược của kẻ thù.
Bà còn trực tiếp tham gia đào hầm, nuôi dưỡng cán bộ, dẫn đường cho du kích chiến đấu. Nhiều lần bị địch bắt, tra tấn dã man nhằm ép kêu gọi con, cháu về đầu hàng, ly khai nhưng bà vẫn kiên trung, bất khuất. Ngày 6-1-1978, má Nguyễn Thị Rành được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Ngày 26-1-1979, má Rành mất vì tuổi cao sức yếu và năm 1994, má được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Đã có nhiều tác phẩm, bài báo viết về má Rành, tuy nhiên ở Người mẹ đất thép, những người thực hiện đã có một sự thay đổi quan trọng về cách thể hiện, mang đến cho tác phẩm một cái nhìn mới, gần gũi và chân thực về cuộc đời cùng những cống hiến của má.
Bìa sách Người mẹ đất thép
Tác phẩm được chia làm hai phần, phần đầu là tập hợp tư liệu, trình bày theo dạng niên biểu kể từ lúc má Rành chào đời cho đến năm 2011, khi các công trình tưởng niệm má được hoàn thành sơ bộ. Niên biểu cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng quát về cuộc đời của má Rành với các sự kiện quan trọng như hoàn cảnh gia đình, thời gian sinh và thời gian hy sinh của những người con và cháu, địa điểm diễn ra các biến cố lớn trong cuộc đời má… Song song đó, niên biểu cũng cung cấp các sự kiện lịch sử quan trọng ở từng thời kỳ có ảnh hưởng quan trọng đến cuộc đời má.
Phần hai của tác phẩm dành cho truyện ký viết về cuộc đời của má Rành. Đây là một thể loại văn học lịch sử đang được đánh giá cao hiện nay. Về cơ bản, dạng văn học này bám sát và trung thành với các chi tiết lịch sử, nhưng ngòi bút của nhà văn được văn chương hóa để người đọc dễ hiểu và cảm nhận.
Người thực hiện phần truyện ký là nhà văn Hoàng Đình Quang, xuất thân là một nhà văn quân đội, từng trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Đông Nam bộ. Ông có vốn kiến thức đa dạng về chiến trường nơi mà má Rành đã chiến đấu cả cuộc đời.
Qua ngòi bút của ông, hình ảnh một người mẹ bình dị, những đứa con hiền lành hiếu thuận hiện ra đầy sống động. Lẽ ra đó đã là gia đình trọn vẹn và hạnh phúc nếu không phải là khi đất nước đang lầm than, kẻ thù đang giày xéo. Từng người trong gia đình bước vào cuộc chiến, bước vào cuộc đấu tranh của dân tộc và hy sinh đến giọt máu cuối cùng để mang lại hòa bình, thống nhất cho dân tộc.
Nhận xét về tác phẩm của mình, nhà văn thẳng thắn thừa nhận là chỉ có thể cố gắng tái hiện tốt nhất có thể, nhưng nỗi đau khủng khiếp của người mẹ, của người bà khi lần lượt phải vĩnh biệt những đứa con của mình thì không một bút pháp nào, một tác giả nào có thể tái hiện nổi và người đọc sẽ phải tự hình dung về nỗi đau đó khi khép lại tác phẩm.
Trong lời nói đầu của tác phẩm, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, khi nói về di sản của má Rành có đoạn viết: “…trong tủ kính là 5 cái chén đĩa, 1 cây đèn măng xông, 1 cái cối ăn trầu bé tẹo, một xấp giấy báo tử”. Hy sinh tất cả cho đất nước nhưng những gì má để lại quá nhỏ bé và tác phẩm mà thế hệ sau này viết về má như một nỗ lực để các thế hệ hôm nay và mai sau có thể hiểu hơn, tri ân hơn về những gì mà thế hệ các má, các anh đã hy sinh nhằm mang lại hòa bình cho dân tộc Việt Nam.
XUÂN THÂN