Lễ hội dân gian Smithsonian Hoa Kỳ

Người Mỹ đã hiểu thêm về văn hóa Việt Nam

Người Mỹ đã hiểu thêm về văn hóa Việt Nam

Đoàn nghệ nhân Việt Nam gồm 39 người thuộc 11 loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã đến thủ đô Washington D.C (Hoa Kỳ) tham gia lễ hội đời sống dân gian Smithsonian lần thứ 41 chủ đề “Mekong - dòng sông kết nối các nền văn hóa”, diễn ra từ ngày 27-6 đến 8-7-2007. Nhóm nghệ nhân đầu tiên vừa về đến TPHCM đã kịp đến dự họp báo tại Hội trường Thống Nhất vào chiều qua 11-7 do Bộ VHTT tổ chức.

Người Mỹ đã hiểu thêm về văn hóa Việt Nam ảnh 1

Bà Lê Thị Minh Lý (bìa phải), Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT), Trưởng đoàn nghệ thuật, đang trao bằng khen của Bộ VHTT cho các nghệ nhân. Ảnh: AN DUNG

Kết quả chuyến đi đã gây tiếng vang lớn và ấn tượng tốt đẹp trong dư luận công chúng Mỹ và cộng đồng người Việt. Lễ hội là nơi gặp gỡ, tôn vinh các truyền thống văn hóa dân gian đặc sắc đến từ các nước thuộc lưu vực sông Mekong (cùng với Bắc Ai Len và Virginia). Truyền thống văn hóa của 5 quốc gia: Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc (tỉnh Vân Nam) và Việt Nam hội tụ thành một bức tranh sống động, đa dạng và đầy ý nghĩa.

Riêng Việt Nam trình bày 11 loại hình độc đáo: sử thi và cồng chiêng (người Rơ Ngao-Kon Tum), đờn ca tài tử (người Kinh-Bạc Liêu), hát bội (người Kinh-Vĩnh Long), múa Rô-băm (người Khmer-Sóc Trăng), múa lân (người Hoa-Bạc Liêu), nghề đan gùi và đẽo thuyền độc mộc (người Rơ Ngao-Kon Tum), nghề dệt (người Chăm-An Giang), đan dụng cụ đánh bắt cá (người Thái-Điện Biên), làm bánh xèo (người Kinh-Cần Thơ).

Qua đây, nhiều người nước ngoài đã hiểu dân tộc Việt Nam chẳng những có tinh thần yêu nước nồng nàn, dũng cảm chiến đấu bảo vệ đất nước, mà còn rất tài hoa, tinh tế trong nghệ thuật dân gian. Trung bình mỗi ngày, lễ hội đón trên 100.000 lượt khách tham quan và những ngày nghỉ số lượng khách lên đến 200.000.

Công chúng Mỹ tỏ ra thú vị khi thưởng thức các loại hình văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Họ bày tỏ tình cảm quý mến, thân thiện và ngưỡng mộ các nghệ nhân của chúng ta. Ngoài chương trình tham gia lễ hội, đoàn nghệ nhân Việt Nam còn tham gia hai cuộc trình diễn gây quỹ từ thiện cùng với ban nhạc của cộng đồng người Việt tại Mỹ - một sự phối hợp đẹp hiếm có.

Chia tay đoàn Việt Nam, TS Richard Kurin, Giám đốc Viện Smithsonian, phát biểu: “Chúng tôi cảm ơn các bạn rất nhiều. Các bạn thực sự là những đại sứ văn hóa và đã giúp nhân dân Mỹ hiểu thêm về con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam”.

Nhân dịp đoàn nghệ nhân dân gian từ Mỹ về đến TPHCM, Trưởng đoàn Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT), đã trao đổi với PV Báo SGGP:

* Bà có thể cho biết ấn tượng sâu sắc nhất qua chuyến đi và thành quả mà đoàn đã đạt được?

* Qua hoạt động này, chúng tôi nhận thấy khoảng cách giữa những cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã được xích lại gần nhau hơn. Có sự chia sẻ, gần gũi và cảm thông. Ví dụ tôi nhớ nhất một kỷ niệm và cũng là một câu chuyện cảm động. Có một người đàn ông Việt Nam quê tỉnh Kiên Giang sang Mỹ từ hơn 30 năm qua hiện đang làm nhân viên cho một khách sạn. Anh ta chưa một lần về thăm quê hương nhưng đã chào đón chúng tôi rất thịnh tình. Ngày nào cũng vậy, hễ hết giờ làm việc là anh ta lại đến xem các hoạt động trình diễn văn hóa của đoàn Việt Nam, trò chuyện, bày tỏ cảm tình sâu nặng với các nghệ nhân.

Khi đoàn 1 về anh thức từ 3 giờ sáng tiễn chân, lúc đoàn 2 về anh cũng đi tiễn lúc 5 giờ 30, và đoàn thứ 3 về nước chắc chắn anh ta cũng lại có mặt lưu luyến tạm biệt. Cả 11 loại hình đều được công chúng Mỹ và Việt kiều nhận xét là rất độc đáo. Anh John Nguyen, Việt kiều Canada, nói: “Tôi nghe bà chị họ giới thiệu, nên sang Mỹ xem show dân tộc Bana ở Tây Nguyên biểu diễn. Tôi rất vui khi lại được xem rất nhiều buổi trình diễn hay, lạ, thú vị, nhưng tiếc là chỉ trưng bày mà không bán sản phẩm”. Riêng chiếc thuyền độc mộc đã được tặng cho một viện bảo tàng ở Mỹ để tuyên truyền về loại ngành nghề độc đáo ở Tây Nguyên của Việt Nam.

* Kết quả chuyến đi so với yêu cầu đặt ra?

Người Mỹ đã hiểu thêm về văn hóa Việt Nam ảnh 2

Biểu diễn múa cồng chiêng của dân tộc Bana.

* Chúng ta làm nhiệm vụ giao lưu văn hóa, làm cho công chúng Mỹ hiểu văn hóa Việt Nam. Khi chúng tôi tiếp xúc với họ trước đây, họ thắc mắc không biết vùng dân tộc Bana có điện không? Nay chính những người Bana trả lời với dư luận Mỹ rằng Tây Nguyên có thủy điện rất lớn, dân Bana còn xài cả điện thoại di động nữa. Họ biết Việt Nam nổi tiếng xuất khẩu cà phê, gạo, tiêu và nay là truyền thống văn hóa. Họ đánh giá chúng ta dũng cảm trong chiến tranh bảo vệ đất nước, nay lại giỏi làm kinh tế và có tiền chi cho nghệ nhân dân gian đi trình diễn ở Mỹ (Chính phủ chi bằng ngân sách).

Họ hiểu chúng ta có cố gắng chăm sóc, bảo vệ, giữ gìn những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với trình độ chuyên nghiệp. Viện Smithsonian gọi đoàn chúng ta là đại sứ văn hóa, còn đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Tâm Chiến đánh giá cao và ví chúng tôi như những người làm ngoại giao Việt Nam. Ngoài lễ hội, chúng tôi tổ chức thêm hai hoạt động biểu diễn gây quỹ từ thiện. Số tiền thu được 1.000 USD tuy không nhiều nhưng nặng tình nặng nghĩa. Về mặt nghề nghiệp, chúng tôi rút được bài học quý giá về việc tổ chức lễ hội dân gian đích thực.

* Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có nhiệt tình tham gia giới thiệu truyền thống văn hóa Việt?

* Có nhiều hoạt động của cộng đồng người Việt tham gia khá hiệu quả. Một nhà hàng Việt Nam ở Washington D.C làm nhiệm vụ bán hàng phục vụ nhu cầu ăn uống với các món ăn đặc trưng của Việt Nam. Nhiều người Việt Nam làm tình nguyện viên, thông dịch viên hướng dẫn khách tham quan văn hóa Việt Nam tại lễ hội. Lần này Viện Smithsonian thông báo có tới 1,6 triệu lượt người tham quan và khoản thu từ ăn uống đạt 1,2 triệu USD, thu bán sản phẩm lưu niệm là 400.000 USD.

Đây là lễ hội có số người tham quan đông đảo nhất. Những năm trước đây, trung bình lễ hội này thu hút từ 1,2 đến 1,5 triệu lượt người. Có thể khẳng định sự hấp dẫn chính là chủ đề “Mekong - dòng sông kết nối các nền văn hóa”, mà Việt Nam đã tạo được điểm nhấn quan trọng, gây ấn tượng khó phai trong ký ức khách tham quan. Nghệ nhân dân gian của chúng ta từ làng quê đi ra, mộc mạc, chân tình, đơn sơ và hết sức cởi mở, nên đã thu phục cảm tình đông đảo khách tham quan và dư luận quốc tế.

* Trong buổi họp báo chiều 11-7 tại Hội trường Thống Nhất TPHCM để giới thiệu và công bố kết quả đoàn Việt Nam tham gia lễ hội đời sống dân gian Smithsonian 2007 ở Hoa Kỳ, Bộ VHTT đã tạêng thưởng bằng khen cho các Sở VHTT: Điện Biên, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Kon Tum, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và 11 đoàn nghệ nhân tham gia lễ hội.

* Viện Smithsonian là một đơn vị nghiên cứu có mục tiêu phát triển sự hiểu biết và tính liên tục của các nền văn hóa đương đại bản địa ở Mỹ và trên thế giới. Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian được tổ chức mỗi năm một lần, kể từ 1967 tại quảng trường Mall, thủ đô Washington D.C (Hoa Kỳ).

XUÂN THÁI

* Nghệ nhân đờn ca tài tử Huỳnh Hoa Gương (tỉnh Bạc Liêu): Tôi cảm thấy rất phấn khởi, vui mừng khi được chọn tham gia chương trình Mê Kông: Dòng sông kết nối các nền văn hóa tại Lễ hội Đời sống dân gian Smithsonian 2007. Với 20 suất diễn, chúng tôi phục vụ hàng trăm lượt khán giả nước ngoài và Việt kiều. Đặc biệt, khán giả nước ngoài rất “mê” các loại dụng cụ âm nhạc Việt Nam như đờn cò, đờn kìm, đờn tranh… Nhiều người đã bước lên sân khấu để hỏi thăm, tìm hiểu về các loại đờn, cách thức sử dụng để tiếng đờn có thể bay bổng. Họ còn thích tìm hiểu về cách hát tài tử, về nguồn gốc xuất xứ của loại hình nghệ thuật dân gian này. Bà con người Việt mình ở hải ngoại đã lâu, nay khi được nghe lại những bài bản như Trường tương tư, Văn thiên tường, Dạ cổ hoài lang… đã bật khóc vì thương nhớ quê nhà vì trái tim họ vẫn luôn hướng về quê hương xứ sở.

* Nghệ nhân hát bội Huỳnh Thị Yến Linh (tỉnh Vĩnh Long): Tôi sinh ra và lớn lên trong Đoàn nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long với 3 thế hệ theo nghề hát bội. Đây là lần đầu tiên được ra nước ngoài biểu diễn, giới thiệu văn hóa truyền thống đến khán giả nước ngoài và bà con Việt kiều, tôi thật sự hồi hộp và lo lắng. Khi đặt chân đến nước Mỹ tôi được kiều bào chia sẻ, thăm hỏi, động viên, nhưng mãi đến cả tuần lễ tôi mới thấy an tâm và quen dần với múi thời gian cùng thời tiết ở thủ đô Washington. Mỗi ngày chúng tôi diễn 2 suất, có rất đông khán giả đến xem, trong đó có rất nhiều khán giả người Việt. Mỗi khi hết một màn diễn, khán giả lại vỗ tay rất lớn để cỗ vũ tinh thần các diễn viên chúng tôi. Đó thật sự là niềm hạnh phúc lớn.

* Nghệ nhân dệt vải dân tộc Chăm Mah Riem (tỉnh An Giang): Khi tôi ngồi dệt những tấm vải theo phương pháp thủ công truyền thống, nhiều khán giả người nước ngoài cứ trầm trồ, khen đẹp và rất thích thú với những đường nét hoa văn sắc sảo được dệt theo lối thủ công, họ thán phục tính tỉ mỉ, sự khéo léo và cần cù của người thợ dệt vải vì tấm vải được làm bằng chính công sức và đôi tay người thợ chứ không phải bằng nền công nghiệp hiện đại. Nhiều khán giả đã ngồi xem tôi hoàn thành cả một tác phẩm, họ quan sát và tìm hiểu khá chi tiết cách thức dệt vải truyền thống của dân tộc Chăm.

* Nghệ nhân múa cồng chiêng Y Gyãi (tỉnh Kon Tum): Em sinh năm 1987, từ nhỏ đến nay em chưa ra khỏi tỉnh Kon Tum bao giờ, chuyến đi này là lần đầu tiên em xa nhà nên rất sợ. Khi đến nước Mỹ, em gặp nhiều người Việt mình đang sinh sống, họ hỏi thăm em rất nhiều, em cũng cảm thấy an ủi, yên tâm hơn. Được tham gia chương trình lớn như vậy em thấy vui lắm. Chuyến đi này cho em hiểu biết nhiều hơn về thế giới xung quanh. Trong tương lai, em hy vọng sẽ tiếp tục theo nghề múa truyền thống để được biểu diễn phục vụ khán giả.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục