Người nộp thuế nên làm gì khi bị nhũng nhiễu?

Một số bạn đọc đề nghị Trang chuyên đề Pháp luật về khiếu nại - tố cáo thông tin tư vấn: Người nộp thuế có thể làm gì để ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu của công chức quản lý thuế?

Một số bạn đọc đề nghị Trang chuyên đề Pháp luật về khiếu nại - tố cáo thông tin tư vấn: Người nộp thuế có thể làm gì để ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu của công chức quản lý thuế?

Theo quy định tại Điều 71 Thông tư 156/2013 của Bộ Tài chính, người nộp thuế có quyền khiếu nại đối với các quyết định hành chính của cơ quan thuế như: quyết định ấn định thuế, thông báo nộp thuế, quyết định miễn giảm thuế, quyết định hoàn thuế, quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật thuế, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, kết luận thanh tra thuế, quyết định giải quyết khiếu nại và các văn bản hành chính khác theo quy định pháp luật của cơ quan thuế được ban hành dưới hình thức công văn, thông báo... nhưng chứa đựng nội dung quyết định của cơ quan thuế áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý thuế. Người nộp thuế, cá nhân, tổ chức còn có quyền khiếu nại đối với các hành vi hành chính của cơ quan thuế, công chức quản lý thuế, người được giao nhiệm vụ trong công tác quản lý thuế khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Theo quy định pháp luật, thủ trưởng cơ quan thuế có trách nhiệm trực tiếp tiếp và tổ chức việc tiếp người đến trình bày các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Việc tiếp người khiếu nại, tố cáo phải được tổ chức thực hiện tại nơi tiếp công dân (tại nơi tiếp công dân phải niêm yết lịch và nội quy tiếp công dân). Căn cứ vào các quy định trên, thì việc khiếu nại của người nộp thuế chỉ có thể diễn ra dưới hình thức khiếu nại trực tiếp tại nơi tiếp công dân của cơ quan thuế.

Kể từ thời điểm ra quyết định giải quyết khiếu nại hoặc từ ngày nhận được quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền, trong thời hạn 15 ngày làm việc, cơ quan thuế phải hoàn trả tiền thuế, số tiền phạt thu không đúng và trả tiền lãi tính trên số tiền nộp thừa của tiền thuế, tiền phạt thu không đúng cho người nộp thuế, bên thứ ba. Tiền lãi được tính theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Trường hợp số thuế phải nộp xác định tại quyết định giải quyết khiếu nại cao hơn so với số thuế phải nộp xác định tại quyết định hành chính bị khiếu nại, thì người nộp thuế phải nộp đầy đủ số thuế còn thiếu trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại.

Như vậy, khi có căn cứ cho rằng các hành vi hoặc quyết định hành chính về quản lý thuế trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người nộp thuế hoàn toàn có thể khiếu nại theo quy định pháp luật. Đây là một trong những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn các hành vi trái pháp luật từ phía cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan thuế nói riêng, từ đó hạn chế được các thiệt hại không đáng có từ các hành vi trái pháp luật này.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)

Tin cùng chuyên mục