Người ra đi - thắng lợi, người ở lại - quang vinh

Người ra đi - thắng lợi, người ở lại - quang vinh

Kỷ niệm 60 năm ngày thực hiện Hiệp định Genève về tập kết chuyển quân ở Cao Lãnh (30-10-1954 - 30-10-2014)

Trước khi Hiệp định Genève được ký kết, ngày 15-7-1954, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 6 (khóa II) xác định: đế quốc Mỹ đang trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Đông Dương và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là, trên cơ sở mục tiêu không thay đổi, nhân dân ta cần phải chuyển hướng phương châm, chính sách và sách lược đấu tranh cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới.

Ngay ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước: “Để thực hiện hòa bình, bước đầu tiên là quân đội hai bên phải ngừng bắn. Để ngừng bắn, thì cần phải tách quân đội hai bên ra hai vùng khác nhau: tức là điều chỉnh khu vực. Điều chỉnh khu vực là việc tạm thời, là bước quá độ để thực hiện đình chiến, lập lại hòa bình và tiến đến thống nhất nước nhà bằng cách tổng tuyển cử… Đó là một việc cần thiết. Nhưng Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”.

Tại Nam bộ, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phân liên khu miền Đông, miền Tây và đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn vừa tổ chức học tập quán triệt nhiệm vụ chuyển hướng đấu tranh vừa gấp rút triển khai thực hiện các điều khoản của hiệp định. Từ đầu tháng 8-1954, hoạt động tác chiến trên chiến trường Nam bộ giảm hẳn. Khắp nơi, nhân dân, các cơ quan kháng chiến và đơn vị vũ trang tổ chức hội nghị mừng công, mít tinh chào mừng thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ và học tập nội dung Hiệp định Genève.

Tiễn đưa bộ đội miền Nam ra Bắc tập kết. Ảnh: TƯ LIỆU

Địa điểm tập kết ở Nam bộ được chọn tại 3 khu vực: Hàm Tân - Xuyên Mộc, Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười và Cà Mau. Theo quy định, tính từ ngày 21-7-1954, 35 ngày sau, đến 6 giờ ngày 26-8-1954, lực lượng chuyển quân tập kết xong tại 3 địa điểm nêu trên. Cũng tính từ ngày 21-7-1954, thời gian tập kết tại Hàm Tân - Xuyên Mộc là 80 ngày (đến 6 giờ ngày 11-10-1954); thời gian tập kết tại Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười là 100 ngày (đến 6 giờ ngày 30-10-1954) và thời gian tập kết tại Cà Mau là 200 ngày (đến 6 giờ ngày 10-2-1955).

Sau khi tổ chức mít tinh mừng chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève, các địa phương, cơ quan kháng chiến và lực lượng vũ trang các cấp tiến hành lập danh sách, phân loại, cử người tiếp tục ở lại và người ra đi tập kết. Trong vòng 1 tháng, lực lượng tập kết chuyển quân đã hành quân an toàn về các khu vực tập kết theo quy định trong sự tiễn đưa lưu luyến của nhân dân địa phương. Tại đây, các đơn vị vũ trang cùng với cán bộ các ngành dân - chính - đảng được sắp xếp lại, tổ chức thành các trung đoàn hành quân.

Tại Phân liên khu miền Đông (bao gồm cả đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn), lực lượng tập kích chuyển quân có tổng cộng 14.635 người, gồm: 19 tiểu đoàn và 8 đại đội vũ trang chiến đấu; 2 tiểu đoàn quân tình nguyện Việt Nam tại Đông Campuchia; bộ phận phân liên khu bộ và các cơ quan phân liên khu, trung đoàn bộ, tỉnh đội bộ; bộ phận đặc khu bộ và các cơ quan đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Tại Phân liên khu miền Tây, lực lượng tập kết chuyển quân được tổ chức thành 4 trung đoàn, quân số tổng cộng có 13.327 người, gồm 4 trung đoàn: Trung đoàn 1 (Tiểu đoàn chủ lực 307, bộ đội địa phương và du kích các tỉnh Vĩnh Trà, Bến Tre); Trung đoàn 2 (Tiểu đoàn 410, bộ đội địa phương và du kích các tỉnh Cần Thơ, Long Châu Sa); Trung đoàn 3 (Tiểu đoàn 308, bộ đội địa phương và du kích các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Trà); Trung đoàn 4 (các cơ quan tham mưu, chính trị, cung cấp, quân nhu, các đơn vị binh chủng).

Lực lượng tập kết chuyển quân thuộc các cơ quan dân - chính - đảng được bố trí chung trong các trung đoàn chuyển quân và chịu sự chỉ huy chung của ban chỉ huy chuyển quân từng khu vực do Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ chỉ định. Về tổ chức Đảng, Trung ương Cục miền Nam ra nghị quyết về tổ chức Đảng ủy chuyển quân và tổ chức Đảng trong khối dân - chính - đảng; theo đó, Đảng ủy chuyển quân gồm có các trung đoàn ủy và một số đồng chí trong lực lượng dân - chính - đảng tập kết theo các trung đoàn.

Từ ngày 26-8-1954, các con tàu vận tải mang tên Áckhăngghen, Xtazerôpôn (của Liên Xô), Kilinky (của Ba Lan) bắt đầu đưa những đoàn cán bộ chiến sĩ tập kết của Nam bộ ra miền Bắc. Ngày 25-9-1954, đoàn chuyển quân đầu tiên ở khu vực Hàm Tân - Xuyên Mộc cập bến Sầm Sơn (Thanh Hóa). Đến cuối tháng 10-1954, toàn bộ lực lượng tập kết ở hai khu vực Hàm Tâm - Xuyên Mộc và Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười ra đến miền Bắc an toàn. Ngày 8-2-1955, chuyến tàu cuối cùng chuyển quân ở Nam bộ ra đến Cà Mau ra miền Bắc. Đến đây, việc tập kết chuyển quân ở chiến trường Nam bộ được hoàn tất.

Hoạt động của quân và dân Nam bộ thực hiện Hiệp định Genève về tập kết chuyển quân diễn ra trong bối cảnh đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ra sức phá hoại hiệp định. Mặc nhiên, đồng thời với việc thực hiện lệnh ngừng bắn, tập kết lực lượng ra miền Bắc, quân và dân Nam bộ dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam (từ tháng 10-1954 là Xứ ủy Nam bộ) đã khẩn trương sắp xếp lại bộ máy các cấp, bố trí cán bộ ở lại, tổ chức mạng lưới giao liên, chôn giấu vũ khí phòng khi cần đến.

Trong những ngày tập trung ở vị trí tập kết chờ chuyển quân, những người ra đi và những người ở lại được tổ chức học các lớp chính trị nhằm quán triệt một lần nữa tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong thời gian tới, xác định trách nhiệm: Người ra đi - thắng lợi! Người ở lại - quang vinh! Trong thời khắc chia tay, cả người ra đi và người ở lại đều đưa 2 ngón tay biểu thị cho sự chiến thắng và lời thề hẹn: 2 năm nữa sẽ trở về. Và trong số họ, đã không ai nghĩ rằng ngày trở về phải gấp mười lần như thế, đến ngày 30-4-1975.

HỒ SƠN ĐÀI


Ký ức không thể nào quên

Ngày 28 và 29-10-2014, tỉnh Đồng Tháp tổ chức họp mặt, giao lưu “Giữ trọn niềm tin”, nhân kỷ niệm 60 năm sự kiện tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh (1954 - 2014). Buổi họp mặt nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tôn vinh và tri ân những hy sinh, đóng góp to lớn của của thế hệ đi trước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt là sự kiện lịch sử 100 ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh năm 1954.

Nhân sự kiện này, tỉnh Đồng Tháp phát hành hồi ký Đi vinh quang - Ở anh dũng, với cách thể hiện giản dị, giàu cảm xúc. Mỗi bài viết là những dòng hồi ức người thật, việc thật vô cùng quý giá, đầy ắp tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân và thấm đẫm tính nhân văn, khắc họa tương đối bức tranh sôi động, hào hùng trong những ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh.

Các đại biểu tại buổi họp mặt, giao lưu “Giữ trọn niềm tin”.

Hồi ký được bố cục gồm ba phần: Phần thứ nhất tập hợp những tư liệu, bài viết về “Cao Lãnh, Long Châu Sa những ngày thi hành Hiệp định Genève”, phản ánh không khí hân hoan của tất cả những người yêu nước khi hòa bình lập lại và công tác tổ chức, sắp xếp, bố trí địa điểm đóng quân, cũng như những hoạt động tiêu biểu trong 100 ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh năm 1954, giúp chúng ta có cái nhìn tổng quát về sự kiện cách đây 60 năm về trước. Phần thứ hai “Đi vinh quang”, ghi lại kỷ niệm sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ, con em miền Nam tập kết ra Bắc, với nỗi niềm thương nhớ quê hương, cũng như những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ hậu phương miền Bắc và ngày trở về của “Cán bộ mùa thu”. Qua đó, nói lên nghĩa cử cao đẹp của bà con Long Châu Sa, nhân dân Thanh Hóa (địa điểm đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, con em miền Nam tập kết ra Bắc) và nhân dân trên khắp mọi miền đất nước nói chung với người tập kết. Phần thứ ba: “Ở anh dũng”, nói về quá trình bám trụ kiên cường của những con người kiên trung trên vùng đất “Thành đồng Tổ quốc”, với những hoạt động gian khổ trong lòng địch, cũng như sự khốc liệt của chiến trường miền Nam.

Dịp này, cũng đã diễn ra lễ động thổ xây dựng Tượng đài tưởng niệm sự kiện tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh. Tượng đài do nhà điêu khắc Ngô Liêm - Phan Phúc thiết kế, được xây dựng trên diện tích 12.000m² đất, với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng. Giai đoạn 1 gồm các hạng mục: đường, cầu, san lắp mặt bằng, xây dựng tượng đài, đường đi nội bộ, sân lễ, hoa viên… dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Giai đoạn tiếp theo sẽ xây dựng bờ kè, bến đậu tàu, mở rộng và hoàn chỉnh hoa viên. Tổng thể bố cục là hình tượng đóa hoa sen mạnh mẽ vươn lên, tỏa sáng. Trong đó, tượng đài là hình tượng người mẹ gạt nước mắt, khoác lên vai người con thân yêu chiếc khăn rằn Nam bộ để tiễn con lên đường tập kết ra Bắc với lời nhắn nhủ: “Ra đi vinh quang”.

HỒNG NGỰ

Tin cùng chuyên mục