Người thầy luôn xông pha, sáng tạo

Thầy Đàm Lê Hà Giang, 30 tuổi, công tác ở vị trí trợ lý thanh niên của phòng Giáo dục quận 9, TPHCM luôn tự nhận mình là người bình thường, làm một công việc bình thường. 
Thầy Đàm Lê Hà Giang (x) và các học sinh trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa (ảnh do nhân vật cung cấp)
Thầy Đàm Lê Hà Giang (x) và các học sinh trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa (ảnh do nhân vật cung cấp)
Ấy vậy nhưng khi nhắc tới học trò, thầy Giang lại say sưa kể với bao dự định dành cho thế hệ trẻ tương lai. 
Vườn rau sạch giúp bạn
Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Giang xin về công tác tại Trường Tiểu học (TH) Phú Hữu (quận 9), trong sự ngỡ ngàng của nhiều bạn bè, đồng nghiệp. Bởi thời điểm ấy, Trường TH Phú Hữu vẫn còn nghèo, ít học sinh, trường lớp sập xệ, mùa mưa là nước tràn vào tận phòng học. Nhưng sức trẻ, lửa nghề và sự cảm thông với hoàn cảnh học sinh đã thôi thúc anh cử nhân trẻ Thanh Giang giành lấy phần việc “gian khổ” về mình.
“Thời sinh viên tôi tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, công tác xã hội nên cũng có nhiều mối quan hệ, khi tốt nghiệp tôi chỉ nghĩ rằng tuổi mình còn trẻ, hãy cứ làm những gì mình muốn, đem những thứ mình tích lũy được để giúp học sinh nghèo, vì vậy tôi chọn Trường TH Phú Hữu. Suốt 3 năm công tác tại trường là khoảng thời gian tôi “xách” từng hồ sơ của học sinh đi xin học bổng và tận dụng mối quan hệ của mình để giúp trường, lớp được khang trang hơn. Là những ngày rong ruổi theo chân những học trò quậy phá, để vừa làm bạn, vừa làm thầy làm người anh lớn để chia sẻ, khuyên răn các em”, thầy Giang nhớ lại.
Năm 2012, thầy Giang về công tác tại Phòng Giáo dục quận 9. Đảm nhiệm vai trò trợ lý thanh niên, “tổng quản” của các hoạt động công tác đoàn, đội trường học trên địa bàn quận, công việc bắt buộc thầy Giang không ngừng sáng tạo để phong trào đoàn, đội thu hút được học sinh. Bởi ngoài tri thức, điều học trò cần là hoàn thiện về kỹ năng mềm và các hoạt động vui chơi phù hợp nhằm giúp học trò cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Chính sự sáng tạo đó mà tiết chào cờ luôn là giờ các em học sinh trên địa bàn quận 9 mong đợi. Sau khoảng thời gian sinh hoạt dưới cờ, thầy Giang xây dựng kế hoạch lồng ghép vào đó những kỹ năng nhỏ nhưng là những cần thiết trong đời sống hàng ngày để dạy học trò, từ cách gấp quần áo, mùng mền sao cho đẹp, quét nhà sao cho đúng, nhặt rau, rửa chén… rồi tổ chức các cuộc thi sau mỗi nội dung rèn luyện. 
Nhận thấy quỹ đất ở các trường học trên địa bàn khá rộng, thầy Giang lại triển khai hoạt động trồng rau sạch. Mỗi trường trồng một loại, mỗi lớp được chia một mảnh đất, học trò sẽ tự tay cuốc đất, trồng rau và chăm sóc. Trường TH Nguyễn Văn Bá, Trường TH Lê Văn Việt trồng rau xanh; THCS Phú Hữu trồng thuốc nam, THCS Long Phước trồng đu đủ, Trường TH Long Bình trồng khoai mì… Đến nay, đều đặn 2 tháng 1 lần, thầy Giang lại tổ chức các phiên chợ rau sạch để các em bán sản phẩm của mình gây quỹ để giúp bạn bè. 
Lăn xả với hoạt động cộng đồng
Những lúc rảnh, thầy Giang lại rong ruổi cùng các nhóm thiện nguyện như Người Việt trẻ, Hoa Hướng Dương, Ước Mơ Xanh đi vận động tặng sách giáo khoa, xây dựng hàng chục thư viện ở các tỉnh Tây Ninh, Đắk Nông. Tặng quà và cùng nấu cơm với các cụ già ở Khu điều trị Phong Bến Sắn (Tân Uyên, Bình Dương)...
Với mong muốn tiếp cận được nhiều người ở nhiều hoàn cảnh, dù bận rộn đến mấy, ngay từ thời sinh viên, thầy Giang đã sắp xếp thời gian học ngôn ngữ ký hiệu, học chữ nổi để hỗ trợ thầy cô dạy tiếng Anh cho các bạn khuyết tật. Thầy Giang tâm sự: “Đặt mình vào hoàn cảnh của những người khuyết tật thì mình mới hiểu được họ thiệt thòi như thế nào và có cách để chia sẻ với họ. Ngày ấy chưa có máy làm sách chữ nổi, tôi mày mò đục khuôn rồi tự làm sách chữ nổi tặng các bạn khiếm thị”.
Nhận xét về người cán bộ mẫn cán của mình, Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng Giáo dục quận 9, cho biết: “Là một chuyên viên trẻ, phụ trách công tác đoàn, đội và các phong trào của Phòng Giáo dục, thầy Đàm Lê Hà Giang luôn thể hiện sự nhiệt tình và sáng tạo trong công việc, được đồng nghiệp và học trò quý mến. Là người hoạt bát, có sáng kiến, thầy Giang luôn đề xuất các ý tưởng để xây dựng nội dung hoạt động tại các trường rất thiết thực với việc học tập và rèn luyện của các em học sinh”.
“Nhiều người hỏi tôi làm như vậy thì có thấy lãng phí thời gian không, có ảnh hưởng gì đến hạnh phúc của bản thân không. Mọi người nhìn vào có vẻ thấy tôi làm chuyện “bao đồng” nhưng tôi thấy mình hài lòng với những gì mình làm được, mọi người xung quanh hạnh phúc là tôi vui. Hạnh phúc của tôi chỉ đơn giản như vậy mà thôi”, thầy Giang tâm sự. Nói về ước mơ của mình, thầy Giang chỉ ước ao những sáng tạo của mình sẽ giúp nhiều học sinh được tiếp cận các chương trình học tập và hoạt động vui chơi mới mẻ, hấp dẫn. Mong xây dựng các nhóm thiện nguyện mang tính chuyên nghiệp hơn…

Tin cùng chuyên mục