Theo bà Lê Thị Kim Chi, quận 9 có diện tích khá lớn (gần 11.400ha) và có tốc độ đô thị hóa mạnh. Tính đến cuối năm 2018, quận có khoảng 382.000 người, ước tính lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 400 tấn/ngày. Hiện có gần 200 người trực tiếp thực hiện công việc thu gom rác với trên 100 phương tiện thu gom các loại, trong đó chỉ có 15 xe ép rác.
Địa bàn rộng nhưng ở một số nơi, dân cư không tập trung, phương tiện thu gom rác hạn chế, trong khi 3 trạm trung chuyển rác ở quận cũng luôn trong tình trạng quá tải… gây ra các khó khăn cho việc thu gom rác. Song lực lượng thu gom rác thải sinh hoạt làm việc có trách nhiệm, đã thu gom rác đúng tần suất, thời gian và đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường ở quận. Tuy vậy, việc duy trì chất lượng thu gom rác có lúc, có nơi vẫn chưa được tốt, gây bức xúc cho dư luận. Do đó, lực lượng thu gom rác tại nguồn cần củng cố, sắp xếp lại để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu gom.
Phó Chủ tịch UBND quận 9 Lê Thị Kim Chi khẳng định, TPHCM đang rất quan tâm đến công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, thể hiện bằng nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, trong đó có cuộc vận động không xả rác ra đường, xuống kênh rạch. Quận cũng có các chương trình, kế hoạch chấn chỉnh công tác vệ sinh môi trường, trong đó tập trung vào việc thu gom rác, phân loại rác tại nguồn. Nhưng để các chủ trương, chính sách trên đi vào cuộc sống còn cần sự tham gia, đồng hành của lực lượng thu gom rác dân lập.
“Chính các anh chị giữ vai trò quan trọng. Bởi vì khi rác sinh hoạt được thu gom tại nguồn triệt để, kịp thời, đúng quy định sẽ góp phần quyết định, khắc phục được tình trạng xả rác bừa bãi”, bà Lê Thị Kim Chi nhấn mạnh.
Đặc biệt, những người thu gom rác thải cũng sẽ là lực lượng giám sát hiệu quả và nhắc nhở người dân phân loại rác tại nguồn, bỏ rác đúng nơi đúng chỗ. Việc thu gom riêng các loại rác sau phân loại cũng có tác động mạnh mẽ đến ý thức phân loại rác tại nguồn đến người dân. Do đó, Phó Chủ tịch UBND quận 9 Lê Thị Kim Chi mong muốn những người làm công tác thu gom rác thải ở quận cần tham gia tích cực, đồng hành với chính quyền trong công tác vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng môi trường sống của quận 9 ngày càng “xanh, sạch, đẹp”.
Dịp này, lãnh đạo quận cũng trao tặng nhiều phần quà có giá trị cho những người thu gom rác dân lập ở quận có hoàn cảnh khó khăn.
* UBND TPHCM vừa yêu cầu các sở - ngành, UBND quận - huyện có kế hoạch tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, chủ nguồn rác thải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đồng thời, kết hợp với việc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Các sở - ngành, UBND quận - huyện và tổ chức chính trị - xã hội phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở trụ sở làm việc, điểm sinh hoạt công cộng (khu phố, tổ dân phố, công viên)… Các cơ quan, đơn vị này phải bố trí các thùng rác với nhãn nhận biết phân loại, bỏ rác vào thùng đúng quy định. Cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị phải gương mẫu thực hiện và vận động người thân tham gia phân loại rác tại nguồn.
UBND TP cũng giao UBND các quận - huyện mở rộng phạm vi thực hiện phân loại rác tại nguồn. Trong năm 2019, các địa phương phải đẩy mạnh việc tổ chức, sắp xếp lực lượng thu gom rác dân lập theo mô hình hợp tác xã vệ sinh môi trường hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Đồng thời, hoàn thành việc chuyển đổi các phương tiện thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt theo đúng quy định. Chậm nhất, đến quý 2-2019 phải tổ chức thu gom, vận chuyển riêng chất thải sau khi được phân loại.