Câu chuyện về một nhóm bạn trẻ ở Hà Nội chung tay biến một góc phố đầy rác tồn đọng lâu dài thành một vườn hoa tươi mát đã và đang lan truyền khắp nơi trong những ngày qua.
Đoàn viên thanh niên các đơn vị sở, ngành TPHCM cùng vận chuyển hóa chất làm sạch dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào chiều 18-5.
1. Một bãi rác “10 năm dọn không sạch” ở ngõ 58, phố Trần Bình (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) bỗng biến mất, thay vào đó là vườn cây kiểng nho nhỏ được làm từ những vật liệu thân thiện với môi trường.
Mà mọi chuyện đúng ra không phải “bỗng” mà đều do chủ ý của một nhóm bạn trẻ, dẫn đầu bởi Đàm Thành Tùng (sinh viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền). Tham gia một cuộc thi do đài truyền hình tổ chức, việc xây dựng vườn hoa trên bãi rác là một trong những thử thách mà Tùng cần phải trải qua. Tùng và nhóm bạn của mình gồm hơn 20 bạn trẻ khác bắt tay vào thực hiện kế hoạch. Đầu tiên, nhóm khảo sát thật kỹ địa điểm, rồi tâm sự rỉ rả với bà con trong khu phố để nắm tình hình, đả thông tư tưởng xem sao. Qua tâm sự, bà con ai cũng muốn giải tỏa bãi rác thải sinh hoạt để có không gian tạo sân chơi cho bọn trẻ trong ngõ. Rồi vấn đề chi phí cũng đáng lưu tâm, phải tận dụng hỗ trợ từ bên ngoài cũng như các hoạt động tự gây quỹ của nhóm để kiếm đủ chi phí. Sang ngày thứ hai, nhóm nhờ kiến trúc sư thiết kế vườn hoa. Ngày thứ ba, cả nhóm bắt tay vào thi công, tốp dọn rác, tốp chuẩn bị kỹ khoảng không gian để làm vườn hoa. Vật liệu làm nên khu vườn chủ yếu là gạch sinh học thân thiện với môi trường. Những cây hoa được trồng trong chai, lọ nhựa để tiết kiệm chi phí. Ngày thứ tư, nhóm trao đổi với tổ dân phố và phường để tìm cách bảo quản vườn hoa được chăm sóc đúng cách. Và đến ngày thứ năm, vườn hoa thay cho bãi rác “10 năm dọn không sạch” đã chính thức hoàn thành, trong sự vui mừng của nhóm bạn trẻ tình nguyện và bà con chòm xóm. Công trình hoàn thành không chỉ từ sự kiên trì, mà còn cả sự tâm huyết của nhóm thực hiện.
Đàm Thanh Tùng tâm sự, ý tưởng của Tùng và nhóm bạn không chỉ là một vườn hoa cho bà con trong xóm nhỏ có không gian xanh, dẹp được đống rác sinh hoạt gây ô nhiễm, mà hơn tất cả là tuyên truyền về một môi trường sống không rác thải, lành mạnh và hữu ích.
Giờ đây, không chỉ bà con trong con ngõ nhỏ ở phố Trần Bình hân hoan vì không gian xanh sạch ngay đầu ngõ mà nhiều bạn trẻ Hà Nội khác cũng biết đến không gian thiết kế đặc biệt kiểu vườn treo thẳng đứng này. Nhiều bạn tìm đến tham quan mô hình và tìm cách nhân rộng. UBND phường Mai Dịch còn ấp ủ đưa mô hình này áp dụng trong toàn phường. Người trẻ đã làm được những việc hữu ích như thế đó!
2. Cách đây hơn một tuần, thông tin hàng chục tấn cá tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TPHCM) chết trắng mặt kênh gây sự chú ý của nhiều người. Cả hai ngày trời, hàng chục ca nô của anh em ngành môi trường đô thị ra vào thu vớt những tấn cá chết bốc mùi hôi thối.
Một quyết định được đưa ra là rải silic dioxide và nuzeo xuống dòng kênh để cải thiện tình trạng cá chết trên kênh. Đây là hai loại hóa chất được dùng trong xử lý nước, có tác dụng lắng bùn đỏ cho nước trong, đồng thời khử khí NH3, cải tạo nước, tăng lượng ôxy giúp cá khỏe... Và các bạn trẻ đoàn viên thanh niên thuộc Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã mạnh dạn nhận phần việc rải hóa chất để kịp tiến độ. Việc này phải được làm gấp rút, bởi nếu nước lớn, thuốc sẽ tan nhanh hơn, hiệu quả đạt được không cao. Do ít đoàn viên nên đoàn viên của chi cục đã báo với Đoàn Sở NN-PTNT và Đoàn sở vận động đoàn viên thuộc các đơn vị thành viên cùng tham gia thực hiện. Không ngoài cuộc, nhiều đoàn viên các cơ sở Đoàn khác cùng ra ngay hiện trường chuyển từng bao thuốc về điểm tập kết.
Ngay chiều ngày 18-5, dù trời mưa rất lớn, đoàn viên thanh niên các đơn vị Sở NN-PTNT, Sở TN-MT, Chi cục Thú y TPHCM đã phối hợp vận chuyển và rải số chế phẩm này suốt tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (hơn 20km). Các bạn ướt đẫm nước mưa vì chiếc áo mưa cá nhân mỏng tang không che nổi, tay đeo bao tay, miệng đeo khẩu trang y tế nhưng vẫn liên tục vận chuyển bao lên xuống xe, xuống ca nô và đem rải trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dọc hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa. Ai cũng mệt, cũng ướt nhưng 7 tấn chế phẩm đã được rải xuống kênh kịp tiến độ.
Anh Lê Việt Bảo, Bí thư Đoàn Sở NN-PTNT, chia sẻ: “Anh em đoàn viên lúc đầu có có bạn lo lắng nhưng rồi khi đã xông vào việc thì ai cũng như ai, chỉ mong khẩn trương hoàn thành công việc đúng tiến độ. Bởi nếu chậm thì tiền của và công sức của mọi người đổ biển hết. Vui nhất là chỉ hôm sau, khi trở lại tuyến kênh này, môi trường nước kênh đã được cải thiện rõ rệt, cá chết giảm nhiều, mùi hôi thối nồng nặc hôm trước đã bay hết 7-8 phần. Đó là điều mà chúng tôi mong muốn, góp một chút sức trẻ của mình vào việc xây dựng TP”.
Người trẻ có thể làm được nhiều điều, không chỉ là sự nhiệt huyết, là sức khỏe, là hô hào suông mà còn là những phần việc thiết thực, thấy ngay được hiệu quả trước mắt.
VƯƠNG KHANG