Người viết “bản hòa âm”

“Công đoàn (CĐ) vừa trao học bổng Nguyễn Đức Cảnh cho con em công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Dù mỗi phần học bổng không cao nhưng đây là hoạt động được tổ chức hàng năm, nhằm khuyến khích con em công nhân, người lao động được đến trường”, anh Liêu Ngọc Sơn, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH thêu Vĩnh Dương (quận Tân Phú, TPHCM), chia sẻ.
 Anh Liêu Ngọc Sơn (bìa phải), Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH thêu Vĩnh Dương (quận Tân Phú, TPHCM) trao giấy khen cho đoàn viên có thành tích tốt trong sản xuất
Anh Liêu Ngọc Sơn (bìa phải), Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH thêu Vĩnh Dương (quận Tân Phú, TPHCM) trao giấy khen cho đoàn viên có thành tích tốt trong sản xuất

Thuyết phục lãnh đạo, vận động công nhân

Trước khi trở thành một cán bộ CĐ, anh Liêu Ngọc Sơn là công nhân. Với vẻ ngoài nhanh nhẹn, hoạt bát, anh được ban giám đốc công ty phân công phụ trách tổ công nhân trong thời gian chuẩn bị thành lập CĐ cơ sở. Trong những ngày đầu thành lập, CĐ công ty luôn được CĐ cấp trên và các tổ chức tạo điều kiện hỗ trợ, luôn bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ doanh nghiệp và người lao động.

Thời điểm này, Đảng bộ Công ty Pouyuen (quận Bình Tân) cũng vận động công ty thành lập tổ chức Đảng. Khi tìm hiểu về việc thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, anh nhận thấy nếu doanh nghiệp kết nối chặt chẽ với tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan nhà nước thì việc sản xuất được bảo đảm, công nhân, người lao động được tiếp cận chính sách pháp luật sẽ an tâm làm việc hơn. Ý nghĩ đó thôi thúc anh vận động ban giám đốc thành lập tổ chức Đảng trong công ty. Tuy nhiên, do lãnh đạo là người nước ngoài nên việc thuyết phục thành lập tổ chức Đảng tại công ty gặp nhiều khó khăn.

Anh kể, khi nhận được đề nghị, giám đốc hỏi: “Nếu thành lập tổ chức Đảng trong công ty thì chúng ta được lợi gì?”. Anh giải thích, thành lập tổ chức Đảng trong công ty sẽ giúp kết nối với cơ quan Nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tốt hơn và qua đó cũng khẳng định vị thế công ty. Trong khi đó, quyền lợi của người lao động được đảm bảo hơn. Thông qua tổ chức Đảng, công ty cũng có thể vận động các đơn vị tạo điều kiện, hỗ trợ khi gặp khó khăn.

Thuyết phục được ban giám đốc, anh Liêu Ngọc Sơn tiếp tục vận động công nhân, người lao động phấn đấu đứng vào hàng ngũ Đảng. Thực tế vận động khó hơn anh nghĩ. Bởi lẽ, người lao động sáng đi làm, hết ca thì về, đến ngày thì lãnh lương. Họ không có thời gian, không có nhiều quan tâm tìm hiểu về Đảng, vai trò của tổ chức Đảng… Anh quyết định thuyết phục bằng những hoạt động, chính sách hỗ trợ công nhân cụ thể, thiết thực như vận động ban giám đốc tăng lương, tăng các phúc lợi, khẩu phần ăn cho công nhân; kết nối công nhân thông qua các hoạt động văn nghệ, sinh nhật tập thể, thành lập chi đoàn, vận động các công nhân trẻ tham gia. Người lao động thấy mình được quan tâm chăm sóc nhiều hơn bắt đầu tin tưởng, dần ủng hộ.

Về phía ban giám đốc cũng nhận thấy rõ vai trò và tầm quan trọng của tổ chức Đảng góp sức vào sự phát triển của công ty, mối quan hệ lao động của công nhân và doanh nghiệp luôn hài hòa, ổn định, đời sống và thu nhập của công nhân, người lao động ngày càng được nâng lên. Do đó, ban giám đốc ngày càng ủng hộ, tạo điều kiện cho hoạt động của chi bộ.

Theo anh Liêu Ngọc Sơn, Chi bộ Đảng Công ty thêu Vĩnh Dương được thành lập vào tháng 4-2014 với 5 đảng viên. Qua thời gian xây dựng và trưởng thành, hiện chi bộ đã có 7 đảng viên và kiện toàn được cấp ủy. Hàng năm, chi ủy công ty luôn chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, bổ sung các đoàn viên, công nhân ưu tú để kết nạp vào Đảng với quy trình sàng lọc, xác minh hồ sơ đúng theo quy định.

Quan tâm đời sống người lao động

Để tổ chức hiệu quả các hoạt động CĐ ở công ty, anh Sơn thường xuyên đến từng chuyền, từng bộ phận thăm hỏi, động viên chia sẻ, tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình và tâm tư nguyện vọng của từng công nhân. Anh vận động người lao động tránh xa các nạn “tín dụng đen”, chơi hụi, lô đề, lừa đảo qua mạng xã hội. Mặt khác, anh cũng đề xuất và hỗ trợ những công nhân có hoàn cảnh khó khăn được vay Quỹ hỗ trợ vay vốn cho người lao động nghèo (của Liên đoàn Lao động TPHCM) để tránh tình trạng công nhân vướng vào “tín dụng đen”.

Đặc thù của công ty với trên 90% là lao động nữ, anh Liêu Ngọc Sơn lại đề xuất ban giám đốc hỗ trợ kinh phí xây phòng vắt sữa, tủ lạnh trữ sữa cho chị em công nhân đang trong giai đoạn nuôi con nhỏ với kinh phí hơn 40 triệu đồng. Đặc biệt, lúc cao điểm dịch Covid-19, việc làm tại công ty bị ảnh hưởng, đơn hàng sản xuất giảm. Ban giám đốc và Ban chấp hành CĐ như ngồi trên lửa, tính toán làm sao để không phải cho công nhân nghỉ việc. “Một mặt công ty tuyên truyền, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, một mặt, thông tin cụ thể về tình hình sản xuất tại công ty cho công nhân yên tâm làm việc. Cũng may, dịch được chủ động kiểm soát, công việc của công nhân chỉ ảnh hưởng trong 10 ngày”, anh Liêu Ngọc Sơn kể.

Trăn trở làm thế nào để đoàn viên và người lao động được vui vẻ mỗi ngày đến làm việc tại công ty, anh còn liên hệ với một số đơn vị như Vissan, Ba Huân, Saigon Co.op, Honda… tổ chức bán hàng giảm giá. Đồng thời, anh thường xuyên vận động công nhân, người lao động hỗ trợ người dân các vùng bị ảnh hưởng bởi bão lụt, hạn mặn. Còn với bản thân, sau giờ tan ca, anh tranh thủ chạy Grab để kiếm thêm thu nhập.

Có lẽ chính vì cùng làm, cùng trao đổi để thấu hiểu nhau nên mỗi hoạt động của CĐ mà anh tổ chức đều nhận được sự hưởng ứng tham gia của hầu hết đoàn viên và người lao độn. Công việc của anh Liêu Ngọc Sơn được nhiều người ví là viết “bản hòa âm"  giữa tổ chức Đảng và doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục