Trước việc dịch bệnh rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS) ở heo bùng phát dữ dội tại miền Trung, ngày 24-7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với phóng viên báo chí xung quanh các biện pháp đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này.
- Nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh PRRS trên toàn quốc là có thể xảy ra không, thưa Bộ trưởng?
Hiện nay, bệnh PRRS còn gọi là bệnh “tai xanh” do virus gây ra ở heo đang diễn ra rất phức tạp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng. Nguy cơ bệnh này còn tiếp tục lây lan đến các địa phương khác là rất lớn và cũng hoàn toàn có thể xảy ra trên diện rộng ở cả nước. Trước tình hình nguy cấp trên, tôi đã cử ngay Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng và Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh tức tốc vào miền Trung chỉ đạo chống dịch.
Ngày 24-7, thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng đã đến kiểm tra, làm việc tại TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam về tình hình phòng chống dịch bệnh ở heo. Tính đến ngày 24-7, đã có trên 27.100 con heo bị bệnh và chết. Tại Đà Nẵng, ngoài hàng trăm con heo bị bệnh đã được tiêu hủy, hiện đang còn 81 con bị bệnh nặng... N.Hùng |
- Bộ NN-PTNT phản ứng chậm, hay do địa phương không kiểm soát được tình hình nên đã dẫn tới tình trạng trên?
Việc kiểm soát buôn bán, vận chuyển heo gặp nhiều khó khăn, trong khi bệnh tai xanh có tốc độ lay lan rất nhanh và là bệnh mới ở heo nên nhiều người chăn nuôi chưa có hiểu biết về biện pháp phòng chống. Bộ NN-PTNT và các địa phương cũng làm rất tích cực, nhưng do là bệnh mới nên cũng có những nơi, những lúc làm còn lúng túng. Trong khi đó, tư thương mua bán và vận chuyển trái phép gia súc mắc bệnh diễn ra khá phổ biến; một số người dân thiếu ý thức vứt xác heo bệnh xuống sông hồ… làm mầm bệnh phát tán rộng.
- Theo Bộ trưởng, hướng xử lý loại dịch bệnh này ra sao?
Với Đà Nẵng và Quảng Ngãi còn ít heo mắc bệnh nên phải tiêu hủy toàn bộ những con mới phát hiện có triệu chứng dịch bệnh. Quảng Nam có quá nhiều con bị bệnh, phải tiêu hủy những con bệnh nặng không chữa được. Những con mới chớm bệnh, có khả năng cứu chữa phải tiêm kháng sinh, đây cũng là biện pháp bất đắc dĩ nên phải tiến hành bao vây, phong tỏa toàn bộ những khu có heo mắc bệnh.
Tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân và người chăn nuôi về triệu chứng bệnh tai xanh ở heo để người chăn nuôi biết phát hiện bệnh và khai báo với chính quyền địa phương; phổ biến để người chăn nuôi thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng, trại chăn nuôi, tiêm vaccine phòng các bệnh phổ biến trên heo như: bệnh tụ huyết trùng, bệnh dịch tả, bệnh phó thương hàn.
- Bộ NN-PTNT có đề xuất chính sách hỗ trợ như thế nào để người dân tự nguyện tiêu hủy và báo cáo tình hình dịch bệnh với chính quyền địa phương?
Chúng tôi thống nhất hỗ trợ 10.000 đồng/kg đối với những con bị tiêu hủy. Tôi cũng đã có công văn khẩn trình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem xét hỗ trợ khẩn cấp các địa phương miền Trung 10 tỷ đồng chống dịch bệnh ở gia súc.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Văn Nghĩa
Quảng Nam: Cán bộ thú y xã chữa được bệnh heo “tai xanh” Trong khi dịch bệnh “tai xanh” hoành hành tại tỉnh Quảng Nam và lan rộng ra các tỉnh thành Quảng Ngãi và Đà Nẵng thì tại xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam có một cán bộ thú y xã tuyên bố đã chữa khỏi bệnh tai xanh ở heo chỉ với chi phí từ 30.000 đến 120.000 đồng/con trong vòng từ 4 đến 7 ngày. Đó là ông Doãn Quốc Thạnh – cán bộ Thú y xã Bình Triều, huyện Thăng Bình (ảnh). N.Khôi - H.Phước
Với thâm niên hơn 30 năm, hiện là Trạm trưởng Trạm Thú y xã Bình Triều nhưng ông Thạnh cũng “ớn lạnh” cái ngày mà dịch bệnh ập đến địa phương “hạ gục” hàng trăm con heo chỉ trong vòng một ngày. Cho đến khi bệnh tai xanh đến “gõ cửa” đàn heo nhà ông (1 heo con và 2 heo nái). Chẳng lẽ bó tay? Trong “cái khó, ló cái khôn”, qua quan sát những triệu chứng trên heo như sốt cao, bỏ ăn, nhất là qua quan sát phân của heo có dịch nhầy, ông nghi ngay chính là bệnh dịch tả khô nên quyết định dùng thuốc tiêm ODC Tylo D và các thuốc trợ lực như Anagin C, Vitamin C2000… Sau vài ngày chữa bệnh theo kiểu “làm liều”, đàn heo nhà ông giảm sốt, phân bình thường, nhất là đã bắt đầu ăn trở lại nhưng diễn tiến chậm. Một lần nữa, ông quyết định làm liều khi chuyển hướng điều trị: Tăng cường thuốc trị bệnh đường ruột, chủ yếu là Lincoseytin, kèm theo Glucoza… Vài ngày sau đó, đàn heo nhà ông ăn mạnh trở lại.
Sau khi chữa bệnh thành công cho đàn heo của mình, hàng ngày, từ sáng đến tối, ông xách giỏ đi hết thôn này sang xóm khác để chữa bệnh cho heo giúp bà con. Trong cơn đại dịch, ông trở thành một người hùng trong chữa bệnh cho heo ở xã Bình Triều. Một tuần sau đó, một mình ông nhận điều trị cho 200 con heo trên địa bàn xã Bình Triều. Trong số ấy, ông đã chữa khỏi được trên 180 con, khoảng 20 con còn lại do nhiễm bệnh lâu quá nên không thể chữa khỏi.
Đúng lúc này, các chuyên gia thuộc tổ chức FAO và đoàn công tác của Bộ NN-PTNT về Bình Triều kiểm tra tình hình dịch bệnh, nhân dịp này, ông đã lên phác đồ điều trị bệnh tai xanh trên heo và đứng ra chứng minh cụ thể. Các chuyên gia FAO cho biết, bệnh tai xanh xuất hiện trên heo ở Trung Quốc vào những năm 70. Với phát đồ điều trị như của ông Thạnh là có thể chấp nhận được…
Những ngày sau đó, ông Thạnh cùng 6 người đồng sự của mình đi khắp thôn xóm chữa khỏi bệnh tai xanh cho 483 con. Ông Thạnh cho biết, với phát đồ điều trị hỗn hợp Lincoseptryl, Tylo DC, Genta- Tylodex, ND.Quino, O.D.C… sẽ mang lại hiệu quả cao, chi phí ít (từ 30.000 đến 120.000 đồng/con).
Huế: Một trong hai bệnh nhân nhiễm bệnh liên cầu heo đã qua đời Tin từ Bệnh viện TƯ Huế chiều 24-7 cho biết, bệnh nhân T.V.T nghi bị nhiễm bệnh liên cầu heo (kế phát của hội chứng dịch tai xanh ở heo, như Báo SGGP vừa thông tin) cấp cứu tại Khoa cấp cứu hồi sức nhiều ngày qua đã qua đời, sau khi được thân nhân đưa từ bệnh viện về nhà khoảng 2 giờ đồng hồ, với tiên lượng không thể qua khỏi, do bệnh tình quá trầm trọng. Hiện vẫn còn bệnh nhân H.V.T, với triệu chứng bệnh lý tương tự ông T.V.T, đang cấp cứu tại Bệnh viện TƯ Huế, tuy nhiên sức khỏe ngày càng sa sút, bệnh tình chưa có dấu hiệu thuyên giảm, lúc mê, lúc tỉnh. N.Quân TPHCM: Chưa phát hiện trường hợp heo tai xanh Theo Chi cục Thú y TPHCM cả tuần qua, anh em thú y cơ sở tất bật chuyện TP khuyến cáo các địa phương và người nuôi, đặc biệt là bà con nhập cư (từ các tỉnh miền Trung thuê đất làm trại nuôi heo) không tăng đàn, Chi cục Thú y sẽ xử lý triệt để và tiêu hủy hết đàn heo nhập đàn chưa qua kiểm dịch. Hiện nay, tổng đàn heo của TPHCM khoảng 448.000 con, tập trung nhiều nhất ở huyện Củ Chi (192.000 con), Hóc Môn (54.000 con), Bình Chánh (45.000 con)… Chiều 24-7, Chi cục Phó Chi cục Thú y TPHCM Phan Xuân Thảo cho biết, TP chưa phát hiện trường hợp nào về dịch bệnh heo tai xanh từ các tỉnh miền Bắc hoặc miền Trung đưa vào TPHCM tiêu thụ. C.Phiên Thủy hải sản tăng giá do thông tin heo bệnh Thông tin heo bị bệnh “tai xanh” ở các tỉnh miền Trung đã có tác động mạnh đến thị trường thực phẩm TPHCM. Do ảnh hưởng thông tin trên, cộng với lượng hàng về ít, sức mua thủy hải sản đã tăng lên. Ngày 24-7, giá bán buôn các loại cá đồng, cá biển, thủy hải sản tươi sống tại chợ đầu mối Bình Điền đã tăng mạnh từ 1.000đ đến 30.000đ/kg so với tuần trước. Giá bán lẻ tại các chợ, cá kèo 125.000đ-130.000đ/kg (tăng 20.000đ-30.000đ/kg), cá lóc 36.000đ-40.000đ/kg (tăng 5.000đ/kg), tôm sú loại 2 bán 110.000đ/kg (tăng 10.000đ/kg), cá ngừ, cá nục, cá bạc má tăng 2.000đ-5.000đ/kg… L.M.TH |