Nguy cơ thiếu đói bủa vây làng Giang

Hạn hán kéo dài khiến đồng ruộng của gần 400 người dân tộc Bana ở làng Giang (thôn Kon Giang, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, Bình Định) khô khốc. Lúa giữa đồng đang độ chín bị cháy rũ hạt, chết từng đám. Năm nay, làng Giang lại mất mùa, nguy cơ thiếu đói đang bủa vây buôn làng.
Lúa mùa vụ hè thu của đồng bào làng Giang gần như mất trắng. Ảnh: NGỌC OAI
Lúa mùa vụ hè thu của đồng bào làng Giang gần như mất trắng. Ảnh: NGỌC OAI

Chỉ tay ra giữa cánh đồng chừng 11ha đang khô khốc, chết rũ, ông Đinh Gờ, Trưởng thôn Kon Giang, lắc đầu chua chát: “Hạn hán kéo dài từ tháng 6 đến nay, trời không cho một trận mưa nên ruộng đồng khát. Người dân tìm mọi cách để cứu vụ mùa nhưng cũng chẳng vớt vát được gì. Lúa vừa làm đòng đã cháy từng đám, bông lép, rũ hết ngọn. Chúng tôi đã báo cáo nạn mất mùa lên các cấp, mong được Nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ bà con vượt khó, chờ đến vụ đông xuân”.

Ông Đinh Meo (82 tuổi, làng Giang) chỉ tay sang bao lúa nhỏ đặt ở góc nhà, rầu rĩ: “Nhà có 6 người, làm 4 sào ruộng, thu về chỉ có 1 bao lúa, quá thảm! Nếu vụ đông xuân “no” nước, thì với 4 sào ruộng gia đình thu được 15 - 20 bao lúa, dư ăn. Nhưng vụ hè thu thì thua trời thôi, bó tay rồi! Không phải chúng tôi lười biếng bỏ quên ruộng đồng, mà vì trời không cho nước thì chịu thua thôi”.

Theo trưởng thôn Đinh Gờ, gần 400 người dân ở làng Giang chỉ có 10,5ha lúa nằm dọc 2 bên suối Nước Dú. Tuy diện tích ruộng đồng ít ỏi, nhưng là nguồn sống của buôn làng này. Nạn mất mùa vụ hè thu tại làng Giang đã tiếp diễn từ nhiều năm qua. Nguyên nhân là do thiếu nước, mặc dù buôn làng có đập thủy lợi. “Mỗi khi tiếp xúc cử tri, dân làng đều cử người đại diện trình bày nguyện vọng lên các cấp, mong dẫn nước về cho bản, nhưng đến giờ vẫn phải đợi”, trưởng thôn Đinh Gờ bức xúc. 

Ông Đinh Hoang Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, lý giải: “Do địa hình, vùng ruộng làng Giang nằm cao nên không thể dẫn nước đập thủy lợi lên được. Trước mắt, UBND xã An Vĩnh đã có văn bản báo cáo với UBND huyện Tây Sơn về tình trạng mất mùa ở làng Giang. Qua đó, đề xuất UBND huyện có kế sách hỗ trợ bà con, không để xảy ra tình trạng thiếu đói. Về lâu dài, rất cần có kinh phí xây dựng trạm bơm, để người dân yên tâm làm lúa nước, ổn định đời sống, thoát nghèo”. Theo ông Bình, đã có phương án đầu tư, xây dựng riêng 1 trạm bơm cho làng Giang làm lúa nước. Theo đó, huyện Tây Sơn sẽ hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, còn xã chịu chi phí điện bơm. Nhưng làng Giang có đến 90% hộ nghèo, nhiều năm trở lại đây tỷ lệ giảm nghèo rất thấp. “Dân làng làm lụng chỉ đủ ăn và mua gạo, lấy đâu ra tiền trả tiền điện trạm bơm. Tương tự, 4 bản còn lại ở xã Vĩnh An cũng chẳng khấm khá hơn, nên địa phương cũng đành gác lại việc lập trạm bơm”, ông Đinh Hoang Bình trăn trở.

Làng Giang gồm 111 hộ dân (gần 400 nhân khẩu), 90% là người dân tộc Bana, nằm sâu trong dãy núi Hoành Sơn (cách trung tâm huyện Tây Sơn chừng 15km). Làng Giang được hình thành từ năm 1975, được Đảng, Nhà nước hết mực chăm lo đời sống, xây dựng nhà ở, công trình giao thông, điện, đường, trường, trạm… Dù vậy, công cuộc hội nhập, đổi mới kinh tế của buôn làng vẫn còn dang dở. Trong đó, điều kiện khó khăn nhất là cứ đến mùa khô lại thiếu nước. Năm nào hạn hán diễn ra gay gắt, vụ lúa hè thu của đồng bào làng Giang xem như mất trắng, cuộc sống rơi vào khốn khó, thiếu trước hụt sau.

Tin cùng chuyên mục