Nguy cơ từ các bến đò ngang

Nguy cơ từ các bến đò ngang

TPHCM ước tính có trên 1.000km đường sông, kênh rạch, trong đó Khu Đường sông TPHCM quản lý 519km. Trên các tuyến sông, rạch do Khu Đường sông quản lý, có 40 bến đò ngang đang hoạt động.

Chuyển biến tích cực

Trên các tuyến sông rạch từ nội thành đến ngoại thành, địa bàn nào cũng có nhiều bến đò ngang, thực tế đã giải quyết rất tốt nhu cầu đi lại của bà con. Nhằm nâng cao hơn nữa độ an toàn cho hành khách khi lưu thông bằng đò ngang, mới đây, hội thi “Bến đò an toàn, tiện nghi” cho 40 bến đò trên toàn TP đã được tổ chức.

Từ khi Ban An toàn giao thông, Sở GTCC và Khu Đường sông phát động phong trào này (vào ngày 21-3-2008) đến nay, tất cả bến đò đều có chuyển biến tích cực hơn. Nếu từ cuối năm 2007 trở về trước, hầu như ở các bến đò ngang sông đều vi phạm luật giao thông đường thủy như người lái đò không hiểu luật, chở quá tải, bến đò không có giấy phép hoạt động, phương tiện không đăng ký đăng kiểm… thì sau đợt 1 của hội thi, các chủ bến đò đã ý thức hơn trong việc tuân thủ các quy định về an toàn và trật tự giao thông đường thủy nội địa. Người lái đò nếu chưa có bằng lái thì cũng đã có chứng chỉ chuyên môn, bến đò có giấy phép hoạt động, có cầu dẫn an toàn, phương tiện được đóng mới hoặc sửa chữa tốt hơn… Ngay tại các bến đợi đò, nhà chờ cho hành khách cũng được xây dựng nhiều hơn trước, trên đò có ghế ngồi, phao cứu sinh và áo phao được trang bị khá đầy đủ. Còn hành khách khi đi đò ngang cũng đã tự giác hơn trong việc mặc áo phao đề phòng tai nạn.

Nguy cơ tai nạn vẫn chưa giảm

Nguy cơ từ các bến đò ngang ảnh 1

Khu vực bến Bạch Đằng là nơi tàu phà qua lại với mật độ lớn nên dễ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

Tuy nhiên, những chuyển biến nói trên không bền vững, trước và sau đợt thi, vẫn còn một số bến không vận động bà con mặc áo phao khi đi đò vì cho rằng không cần thiết khi quãng đường qua sông ngắn. Bên cạnh đó là tâm lý chủ quan của hành khách, không chịu mặc áo phao chỉ vì lý do áo dơ hay nóng nực. Hiện tại, chủ bến đò không thể bắt ép khách mặc áo phao.

“Để các bến đò ngang hoạt động đảm bảo an toàn, cơ quan hữu quan phải luôn quản lý chặt chẽ. Nếu lơ là, tai nạn có thể xảy ra ngay”, ông Nguyễn Toàn Mẫn, Trạm trưởng Trạm đường sông số 1 nhận xét. Như bến đò Bến Đá, nằm gần chợ đầu mối Bình Điền, nhiều lúc đò vẫn chở quá số người quy định, nhất là vào buổi sáng sớm và lúc chập tối, giờ các tiểu thương đi và về đông nhất.

Các nhân viên Trạm quản lý đường sông số 1 (Khu Đường sông), đơn vị phụ trách địa bàn, vẫn phải thường xuyên tuyên truyền, thậm chí túc trực quá giờ làm việc để nhắc nhở. Ngoài 41 bến đò đang hoạt động trong đó 40 bến đều có giấy phép và một bến sắp đóng cửa vì ế khách là bến An Thới Đông (huyện Cần Giờ), các cơ quan hữu quan cho biết, không loại trừ khả năng có các bến “cóc” hoạt động chui. Tại các bến “dù” này, việc quản lý người đưa đò và phương tiện rất khó khăn.

Trong số 40 bến đò ngang hiện hữu của TPHCM, bến An Lợi Đông (quận 2) là bến đò có nguy cơ tai nạn cao nhất vì tuyến đò này băng qua sông Sài Gòn, ngay trên luồng tàu biển tải trọng lớn thường xuyên vào ra. Mới đây, Sở GTCC, Ban ATGT, Khu Đường sông dự định kiến nghị TP xem xét có quy định bắt buộc mặc áo phao đối với hành khách đi trên các chuyến đò xuất phát từ bến này để đảm bảo an toàn. Bến An Lợi Đông nằm trên sông Sài Gòn (quận 2), đò từ bến này muốn về đích của nó trên dòng Kênh Tẻ (giáp ranh giữa quận 7 và quận 4 phải qua hành trình khá dài. Trước tiên, đò phải đi dọc theo mé sông Sài Gòn, quan sát thấy không có tàu lớn đi qua, mới được băng ngang, sau đó lại dọc theo sông Sài Gòn đi ngược xuống quẹo vào dòng Kênh Tẻ. Hành trình dài, băng ngang và chạy dọc đều cặp theo luồng tàu hàng hải nên nguy cơ tai nạn là rất lớn.

Các ngã ba sông cũng là nơi dễ xảy ra tai nạn như ngã ba Kênh Tẻ - sông Ông Lớn, ngã ba sông Sài Gòn - Kênh Tẻ - cầu Tân Thuận, ngã ba sông chợ Đệm - Bến Lức… Tại các ngã ba sông này, vào mùa mưa nước sâu và chảy mạnh, lại thêm các trụ cầu làm hạn chế tầm nhìn nên các tàu dễ va đụng vào trụ cầu hoặc đụng vào nhau. Tại ngã ba sông Sài Gòn - Kênh Tẻ - khu vực Tân Thuận (nơi giao cắt giữa tuyến đường biển (sông Sài Gòn) với tuyến đường sông (dòng Kênh Tẻ)), có bến đò ngang Tân Thuận cũng luôn tấp nập khách. Đây cũng là một bến đò có nguy cơ tai nạn cao.

Nguy cơ từ các bến đò ngang ảnh 2

Người dân tại bến đò An Lợi Đông quận 2 không một ai chịu mặc áo phao khi lưu thông trên sông. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

Theo quy định, CSGT đường thủy không có quyền đơn phương kiểm tra các bến đò, phương tiện mà phải phối hợp với các đơn vị quản lý đường sông, bến bãi. Vì là đoàn kiểm tra liên ngành nên mỗi khi muốn kiểm tra phải đợi thủ tục khá lâu, do vậy, việc kiểm tra các bến thường không làm thường xuyên.

Lợi dụng điều này, nhiều chủ đò vì chủ quan hoặc hám lợi đã cố tình vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn cho hành khách. Trên thực tế, với mạng lưới sông, kênh, rạch chằng chịt, một đơn vị có muốn kiểm tra cũng rất khó vì không đủ lực lượng và phương tiện.

Ngày 22-5 tới đây, Phòng CSGT đường thủy sẽ phối hợp với Ban An toàn giao thông ở các quận huyện TPHCM, trước tiên là huyện Bình Chánh, kiểm tra các bến đò, tiến hành các thủ tục đăng ký đăng kiểm phương tiện tại chỗ cho bà con. Trong đợt kiểm tra này, đoàn cũng sẽ phối hợp tuyên truyền cho chủ bến, người lái đò hiểu và chấp hành tốt luật giao thông đường thủy, nhất là khi mùa mưa bão đến.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bên cạnh các biện pháp chế tài của cơ quan hữu quan, cách tốt nhất là các chủ bến nên ý thức hơn về an toàn tính mạng của chính mình và của hành khách, không nên chở quá tải, nhất là trong mùa mưa, nước sông lớn lại chảy xiết rất nguy hiểm. Hành khách đi đò cũng nên biết tự bảo vệ mình, tự giác mặc áo phao nếu thấy đò đã đông khách. 

Diễm Lệ

Tin cùng chuyên mục