Hãng AFP ngày 23-6 đưa tin, quân đội Syria tuyên bố đã bắn rơi một máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ ở gần thành phố duyên hải Latakia. Cùng ngày, Bộ Tổng tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một máy bay quân sự của nước này đã biến mất khi đang bay trên Địa Trung Hải sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Malatya-Erhac.
Kiên quyết trả đũa
Ngay sau tuyên bố của quân đội Syria, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp kéo dài 2 giờ với bộ trưởng các bộ ngoại giao, quốc phòng, nội vụ và Tổng tham mưu trưởng quân đội, tướng Necdet Ozel.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ đáp trả kiên quyết khi nào mọi việc được làm rõ. Giới phân tích lo ngại vụ việc này có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Trước đó, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Syria đã xin lỗi về vụ việc trên nhưng ông Erdogan không đả động gì đến lời xin lỗi.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO, có nghĩa là nước này có thể kêu gọi sự trợ giúp của toàn bộ 28 quốc gia thành viên trong liên minh nếu cho rằng mình bị tấn công. Quan hệ giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, từng là đồng minh thân thiết, đã trở nên tồi tệ kể từ cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad bắt đầu hồi tháng 3-2011. Ankara quay lưng lại với ông Asssad. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới để các thành viên lực lượng Quân đội tự do Syria tị nạn.
Tình hình ở Syria hiện nay đang diễn ra rất căng thẳng. Những nỗ lực nhằm dàn xếp một cuộc ngừng bắn giữa lực lượng chống chính phủ và chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad được xem là đã thất bại. Tại thành phố điểm nóng Homs ở miền Trung, giao tranh giữa lực lượng quân đội và các phần tử chống đối đã ngăn cản nỗ lực giải cứu người dân bị kẹt trong những vụ giao tranh của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC). Văn phòng LHQ phụ trách điều phối viện trợ nhân đạo (OCHA) cho biết hiện có khoảng 1,5 triệu người dân Syria cần được viện trợ nhân đạo khẩn cấp, riêng tại thành phố Homs là 250.000 người. OCHA đã đạt được thỏa thuận với chính quyền Syria về việc lập 4 trung tâm viện trợ nhân đạo tại nước này để cung cấp hàng viện trợ thiết yếu cho người dân.
Chạy đua tháo ngòi căng thẳng
Trước những diễn biến phức tạp đang diễn ra tại Syria, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã để ngỏ khả năng sẽ thuyết phục cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đứng ra triệu tập một hội nghị hòa bình để bàn sâu thêm về ý tưởng sẽ miễn truy tố ông Assad nếu ông từ bỏ quyền lực. Trường hợp này từng xảy ra với Tổng thống Yemen Ali Saleh, khi ông này chấp nhận từ bỏ quyền lực đã được hưởng quyền miễn truy tố mặc dù bị cáo buộc liên quan tới việc sát hại dân thường. Anh và Mỹ đều cho rằng đây là một kịch bản “rất khả quan”. Hội nghị thượng đỉnh sẽ có sự tham dự của ông Assad hoặc đại diện của Chính phủ Syria, các nhân vật đối lập, các thành viên của HĐBA LHQ và các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và có thể cả Iran.
Vào ngày 22-6, tại St. Petersburg, sau cuộc gặp với người đồng cấp Syria Walid an-Muallem đang ở thăm Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết chính phủ Syria sẵn sàng rút quân khỏi các thành phố nếu lực lượng đối lập cũng làm như vậy và việc rút quân nên được thực hiện dưới sự giám sát của quốc tế. Trong khi đó, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Arập (AL) Ahmed Ben Helli cho biết hiện không có nghị quyết nào của LHQ về Syria ủng hộ phe đối lập và hành động can thiệp quân sự vào nước này. Ông Ben Helli nêu rõ lời kêu gọi của Saudi Arabia và Qatar về can thiệp quân sự vào Syria và vũ trang cho lực lượng đối lập nước này không phải quan điểm của AL.
THANH HẰNG