Trong những năm gần đây, tại Trung Quốc, nhiều vụ sữa có chứa độc tố melamine đã được phát hiện. Nghiêm trọng nhất là vụ việc được phát giác năm 2008, có 6 trẻ em thiệt mạng và khoảng 300.000 em khác mắc bệnh. Trong vụ việc này, 21 người có trách nhiệm phải ra tòa, trong đó có hai người bị kết án tử hình.
Melamine là chất được sử dụng nhiều trong công nghiệp để chế tạo keo dán, nhựa tổng hợp và cả phân bón hóa học. Có thành phần khá giống proteine, chất này được nhiều doanh nghiệp sử dụng để pha lẫn với nước, nhằm tăng hàm lượng proteine trong sữa và nhờ thế giảm được giá thành sản xuất.
Theo China Daily, ngay từ tháng 3-2008, Công ty Tam Lộc đã nhận được phản ảnh của người tiêu dùng tại tỉnh Hà Bắc về hiện tượng trẻ phải nhập viện sau khi dùng sữa của công ty trong vài tháng. Tuy nhiên, công ty này đã lặng lẽ thu hồi sản phẩm mà không báo cho nhà chức trách địa phương.
Dù Công ty Tam Lộc hay các cơ quan chức năng Trung Quốc đã thu hồi tiêu hủy hơn 10.000 tấn sữa bột nhiễm melamine, nhưng trách nhiệm về việc chậm trễ thu hồi sản phẩm của công ty này cũng như việc nhảy vào cuộc của chính quyền các cấp ở Trung Quốc tới mức nào vẫn chưa được giải thích rõ ràng.
Hãng tin Reuters cho biết hiện nay các bậc cha mẹ ở Trung Quốc đổ xô sang Hong Kong để mua sữa bột cho con do lo sợ sữa bột kém chất lượng ở thị trường đại lục. Tuy nhiên ở Hong Kong, chính quyền cũng đang ra lệnh thu hồi hàng loạt sữa nhiễm melamine do Công ty Mãnh Ngưu và Y Lợi bán trên thị trường này.
Mới đây, ngày 26-4-2011, Công an thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) đã bắt giữ 26 tấn sữa có melamine tại Công ty thực phẩm Cát Hỉû Đạt. Đây là vụ bê bối sữa bẩn lớn nhất kể từ sau vụ sữa có melamine do Tập đoàn Tam Lộc sản xuất.
Theo Nhân Dân Nhật Báo, từ cuối tháng 3-2011 cơ quan công an Trùng Khánh đã nhận được tin báo Công ty thực phẩm Cát Hỉ Đạt sử dụng sữa có melamine trong sản xuất bánh ngọt và kem. Tại kho của công ty này, cơ quan chức năng phát hiện hơn 16 tấn sữa nguyên liệu chưa sử dụng và gần 10 tấn sữa sử dụng còn dư lại; kết quả kiểm định cho thấy có chứa hàm lượng melamine cao.
Điều tra ban đầu cho biết Công ty Cát Hỉ Đạt đã mua số sữa trên từ Công ty thương mại Bát Kỳ ở Quảng Tây với giá 22.000 nhân dân tệ/tấn (3.370 USD/tấn), thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Công ty Bát Kỳ mua số sữa này từ Công ty Uy Lực Tư ở khu tự trị Nội Mông.
5 nghi can liên quan đến vụ sữa bẩn này đã bị bắt, trong đó có Châu Cơ Hoa - Tổng Giám đốc Công ty Cát Hỉ Đạt và Chủ tịch hội đồng quản trị Địch Trạch Phương.
Cơ quan công an Trùng Khánh đang tiến hành chiến dịch 100 ngày truy quét tội phạm liên quan đến sản xuất, tiêu thụ dược phẩm và thực phẩm bẩn từ nay đến hết 31-7. Vụ bê bối này đã làm chấn động toàn thế giới và tất cả các quốc gia đã thu hồi, đồng thời cấm nhập khẩu các sản phẩm sữa có nguồn gốc Trung Quốc.
Cùng với việc đưa ra danh sách 17 chất bị cấm, Bộ Y tế nước này cũng công bố tên các chất phụ gia có thể cho vào thực phẩm.
THANH HẢI (tổng hợp)