Học bổng Nguyễn Văn Hưởng năm 2015 - Báo Sài Gòn Giải Phóng
Hai anh em ruột cùng là sinh viên năm thứ nhất lớp Y2014B Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và năm nay cả hai đều có tên trong danh sách nhận học bổng toàn khóa 6 năm (6 triệu đồng/năm). Đây thực sự là niềm vui bất ngờ, vì đó như món quà quý giúp Ngọc Bảo và Ngọc Bích vơi bớt nỗi lo học phí bấy lâu nay của cả gia đình, để tập trung học và rèn luyện kỹ năng, bền lòng y đức để trở thành bác sĩ tận tâm với bệnh nhân sau này. Ngọc Bảo ước mơ làm bác sĩ ngoại khoa hoặc bác sĩ nội khoa chuyên ngành tai - mũi - họng, còn cô em Ngọc Bích mong trở thành bác sĩ nhi để chữa bệnh cho trẻ em nghèo…
Hai anh em Ngọc Bảo và Ngọc Bích lớn lên trong gia đình thuần nông nghèo tại xã Đức Lân (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi). Ngọc Bảo kể, năm 10 tuổi, chứng kiến bà ngoại mất vì bệnh tim, sau đó ông ngoại cùng dì ruột cũng lần lượt ra đi vì bệnh, nên hai anh em nung nấu quyết tâm học giỏi để thi vào trường y. Những mất mát đó khiến mẹ các em suy sụp tinh thần, những cơn đau dạ dày của mẹ lại tái phát. Ước mơ học nghề y lại bùng cháy, càng thôi thúc Bảo và Bích ra sức học tập… Sau bao nỗ lực, cả hai anh em đều đậu trường y như ý nguyện. Ba mẹ vỡ òa sung sướng, hạnh phúc khi cầm giấy báo trúng tuyển đại học y của các con…
Vì sức khỏe người nghèo và bệnh nhi
Từ năm 3 tuổi, Trần Thị Ngọc Tuyền, sinh viên năm nhất, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) đã sống cùng bà ngoại vì cha mẹ có chuyện không vui. Tuyền đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần bộ sách Hạt giống tâm hồn và chính những bài học kinh nghiệm, những câu châm ngôn sống đã trở thành điểm tựa giúp em dần tự vững vàng hơn trong cuộc sống thường ngày.
Tâm tình về ước mơ học ngành y, trở thành bác sĩ, Ngọc Tuyền cười hiền lành: “Em rất sợ cảm giác mất đi người thân bên cạnh nên muốn trở thành bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ nhi để chữa bệnh các em nhỏ và tất cả mọi người, để không có ai vì bệnh tật, nghèo đói mà xa lìa em. Sau này trở thành bác sĩ và nếu có điều kiện em sẽ mở một nhà bảo trợ cưu mang tất cả người già và trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, để không một ai cảm thấy cô đơn vì thiếu mái ấm gia đình”. Tuyền cho biết thích nhất hoa xương rồng vì tượng trưng sự mạnh mẽ, luôn muốn vươn lên dù ở nơi đất khô cằn, sỏi đá nhất. “Cuộc sống luôn cho bạn cơ hội thứ hai, nó được gọi là ngày mai” - Đó chính là câu châm ngôn nằm lòng của Tuyền.
THU TÂM
BẢNG VÀNG Lễ trao học bổng Nguyễn Văn Hưởng năm 2015 - Báo SGGP diễn ra lúc 15 giờ ngày 20-4 tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Năm 2015, quỹ đã tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các đơn vị và mạnh thường quân sau: Bệnh viện Chợ Rẫy: 10 triệu đồng. Bệnh viện Từ Dũ: 30 triệu đồng. Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM: 2 triệu đồng. ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: 30 triệu đồng. Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn: 240 triệu đồng. Gia đình bác sĩ Tạ Trung Quấc: 240 triệu đồng. Gia đình bác sĩ Nguyễn Khánh Dư: 10 triệu đồng. Gia đình dược sĩ Nguyễn Kim Sâm: 10 triệu đồng. Gia đình bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ: 30 triệu đồng. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Anh (Phòng khám Nancy, quận 5): 3 triệu đồng. Gia đình dược sĩ Phạm Duy Hùng - Phạm Thị Anh Thơ (quận 10): 5 triệu đồng. Bà Lữ Thị Lan (quận 10, TPHCM): 1 triệu đồng. Hội đồng quản lý Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng - Báo SGGP trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ và mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của các đơn vị và mạnh thường quân.
Hội Phụ sản TPHCM: 24 triệu đồng.
Bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn: 50 triệu đồng.
Công ty TNHH Zuellig Pharma VN: 100 triệu đồng.
Công ty cổ phần Hóa Dược phẩm Mekophar: 5 triệu đồng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Khởi: 400 triệu đồng.
Các tin, bài viết khác
- Học bổng Nguyễn Văn Hưởng năm 2015 - Báo Sài Gòn Giải Phóng: Giúp sinh viên ngành y dược vượt khó học giỏi
- Ra mắt Quỹ Hỗ trợ Tài năng Lương Văn Can
- Em Diệp Quốc Thắng được ĐH Harvard và 4 ĐH hàng đầu khác cấp học bổng
- Trao 156 suất học bổng trị giá hơn 37 tỷ đồng
- Lào tăng học bổng cho du học sinh Việt Nam
- Trao 62 suất học bổng Niigata
- Báo SGGP tặng 40 suất học bổng
- Học bổng Nguyễn Đức Cảnh trao 145 tỷ đồng
- Nhật Bản tặng 40 suất học bổng cho sinh viên TPHCM
- Aeon Việt Nam trao 60 suất học bổng cho sinh viên nghèo