Nguyễn Hữu Thái - Thách thức và lựa chọn

Khởi thảo từ năm 1990 tại Canada, bổ sung tại Mỹ, Pháp, Trung Quốc rồi hoàn tất tại Việt Nam, 10 năm bản thảo lưu lạc qua các nhà xuất bản từ TPHCM ra Đà Nẵng, Hà Nội rồi mới được duyệt in. Đó là số phận của cuốn sách Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình *.

Quen biết kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái đã lâu, gặp gỡ ông qua những cuộc hội thảo về kiến trúc, quy hoạch, giao lưu văn hóa rồi biên tập các bài viết của ông gửi đăng báo, tôi luôn ấn tượng với lối nói, cách viết nhẹ nhàng, nhiều dẫn chứng cuốn hút của ông. Đọc một lèo hết cuốn sách dày 495 trang này tôi cũng có cảm giác ấy. Một cậu thiếu niên con gia đình trung lưu thành thị, sống yên bình và nhàn tản, học xong trung học Pháp sẽ du học, khi về nước bảo đảm có một chỗ đứng ăn trên ngồi trước trong xã hội, cuộc đời Nguyễn Hữu Thái đột ngột rẽ sang một hướng mới.

Ngọn lửa tự thiêu của thượng tọa Thích Quảng Đức vào sáng 11-6-1963 chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đã làm “nước mắt tôi trào ra theo bước chân đoàn người rước nhục thể cháy đen bọc trong tấm áo vàng, chầm chậm hướng về chùa Xá Lợi”, gây chấn động tâm can và cậu sinh viên kiến trúc Nguyễn Hữu Thái “tay không một tấc sắt, cũng chưa học được kỹ thuật đấu tranh, chỉ có một trái tim chân thật, một tấm lòng biết phân biệt phải trái” xuống đường đấu tranh. Từ đấy, trên 10 năm, lãnh đạo phong trào sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái bỏ bê giảng đường, từ chối học bổng ở các trường đại học Mỹ để mang cả nhiệt huyết và lòng yêu nước đi đấu tranh với chính quyền Việt Nam Cộng hòa và quan thầy Mỹ để rồi lặp đi lặp lại chu trình xuống đường – vào tù – xuống đường.

Chủ đề xuyên suốt của câu chuyện là những thách thức và lựa chọn, diễn ra rất gay go giữa cái sống và cái chết, có thể là tự nguyện hoặc bị bó buộc. Thông qua chính hình ảnh của mình và anh em đồng chí cùng thế hệ, tác giả nêu bật tinh thần chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Ngày 30-4-1975, Nguyễn Hữu Thái là một trong những người xuất hiện trong khoảnh khắc lịch sử, thuyết phục và chứng kiến Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, rồi góp phần đắc lực làm chương trình phát thanh đầu tiên phát đi tiếng nói của cách mạng trên Đài phát thanh Sài Gòn… Ấy thế rồi sau đó ông lại chịu bao nghi kỵ về lý lịch, mãi đến năm 2000 mới được “giải oan”… Đã sang Canada định cư được 5 năm nhưng rồi từ bỏ tất cả, Nguyễn Hữu Thái về nước cống hiến bằng nghề kiến trúc sư, nghiên cứu, viết sách và dạy học.

Cuốn sách ghi lại chân thực, sinh động hành trình nửa thế kỷ hoạt động sôi nổi của một người trong cuộc, từ chiến tranh và cách mạng đến hòa bình và cả giai đoạn đất nước đổi mới, hội nhập trong một thế giới đang toàn cầu hóa nhanh chóng. Dù ở giai đoạn, cương vị nào, con người nhỏ nhắn nhưng nghị lực phi thường, Nguyễn Hữu Thái vẫn bình tâm sống, kiên định lập trường để góp phần nhỏ bé công sức và trí tuệ của mình vì mọi người, vì đất nước.

Tôi hỏi có phải đây là cuốn sách trả nợ ký ức không. Ông nhỏ nhẹ bảo: “Tôi viết cuốn sách này dành cho các bạn trẻ. Mỗi thế hệ chúng ta đều phải đối mặt với những vấn đề của thời đại mình và có cách ứng xử cùng lời giải đáp phù hợp. Điều mong ước của tôi là các bạn, trên con đường tiến lên phía trước, phải trang bị cho mình một tâm thức luôn rộng mở, sẵn sàng học hỏi và nhận trách nhiệm”.

* Công ty sách Alpha và Nhà xuất bản Lao động ấn hành, quý 4 năm 2013.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục