Nguyên nhân thiếu trang thiết bị vật tư, thiếu thuốc: có tâm lý e ngại, sợ sai

Trước tình trạng một số cơ sở y tế ở các tỉnh phía Nam thiếu máu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến vướng mắc trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị. Bộ Y tế hứa sẽ cùng với các cơ sở y tế, địa phương để hỗ trợ máu cho các tỉnh và đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Y tế thực hiện việc mua sắm đấu thầu, đảm bảo đúng quy định.

Ngày 1-11, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...

Thiếu máu ở cơ sở y tế

Giải trình trước Quốc hội về tình trạng thiếu máu ở các cơ sở y tế ở các tỉnh miền Tây Nam bộ và Đông Nam bộ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, bộ đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trung tâm Máu Quốc gia, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy… đảm bảo hỗ trợ cho TP Cần Thơ và các tỉnh phía Nam. Bộ cũng phối hợp với các đơn vị để huy động nguồn máu hiến đảm bảo nguồn cung. Tuy nhiên, đến ngày 30-10, một số cơ sở y tế vẫn báo cáo thiếu máu mà nguyên nhân chủ yếu liên quan đến vướng mắc trong đấu thầu.

Bộ Y tế hứa sẽ cùng với các cơ sở y tế, địa phương để hỗ trợ máu cho các tỉnh. Đồng thời đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Y tế thực hiện việc mua sắm đấu thầu, đảm bảo đúng quy định.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình trước Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình trước Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

“Rõ ràng cùng một chính sách nhưng có nơi làm tốt, có nơi còn vướng mắc. Rất mong các địa phương quan tâm chỉ đạo để thực hiện việc mua sắm chủ động từ việc xây dựng kế hoạch, nhân lực…”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Vẫn còn tình trạng thiếu thuốc cục bộ

Giải trình về thiếu trang thiết bị vật tư, thiếu thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận, sau đại dịch Covid-19, lĩnh vực y tế của nước ta cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đối mặt nhiều khó khăn, bộc lộ nhiều hạn chế…

Có thể nói đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành y tế với khối lượng công việc tồn đọng sau gần 3 năm tập trung chống dịch. Cùng với đó là vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế.

Cán bộ, nhân viên y tế từ Trung ương xuống địa phương có nhiều người vi phạm pháp luật; làn sóng xin nghỉ việc chuyển ra khỏi khu vực y tế công. Cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện…

Đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận sáng 1-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận sáng 1-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong bối cảnh đó, đội ngũ nhân viên ngành y tế đã nỗ lực, cố gắng đoàn kết vượt qua khó khăn, đổi mới phương pháp, làm việc tập trung cao nhất để giải quyết khó khăn, vướng mắc, bất cập của ngành trước mắt cũng như định hướng lâu dài để ngành phát triển bền vững.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, ngành y tế đã tập trung thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ giao. Cùng với đó, ưu tiên hàng đầu cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chiến lược trong lĩnh vực y tế để tạo hành lang pháp lý đảm bảo cho công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân cũng như thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế của ngành; tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các cấp; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm...

Về việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thiếu thuốc, thiết bị vật y tế là một thách thức dai dẳng. Đây không phải là hiện tượng mới, xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch Covid-19. Tình trạng này ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân ngay ở các quốc gia phát triển có hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại như các quốc gia châu Âu.

Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ ra tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung nguyên liệu hoạt chất trên thế giới khan hiếm, giá cả biến động trên quy mô toàn cầu, xung đột giữa các quốc gia… làm tăng chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm tăng cao, chuỗi cung ứng gián đoạn.

Tại Việt Nam, Bộ trưởng cho biết việc tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc được thực hiện ở 3 cấp. Đấu thầu ở cấp Trung ương chiếm 16,5% đến 18% số lượng thuốc toàn quốc. Cấp địa phương và các cơ sở y tế tự thực hiện việc mua sắm. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan còn nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng chỉ ra đó là do hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn bất cập; việc tổ chức thực hiện đấu thầu còn vướng mắc; công tác phối hợp mua sắm giữa các đơn vị chưa kịp thời, chưa hiệu quả. “Đặc biệt là có tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị và địa phương”, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ ra.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế và bộ ngành trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc có liên quan đến cơ chế mua sắm đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

Về cơ chế, chính sách, Bộ Y tế đã trình Quốc hội ban hành các luật liên quan đến Luật đấu thầu, Luật Giá, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các nghị quyết của Quốc hội, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành để tạo hành lang pháp lý. Đặc biệt, Luật Đấu thầu có hiệu lực từ 1-1-2024 sẽ tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc trong việc đảm bảo nguồn cung và thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.

Về đảm bảo nguồn cung, Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế. Tổng số thuốc đăng ký lưu hành, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại điểm hiện nay khoảng trên 22.000 thuốc các loại và 100.000 chủng loại trang thiết bị còn hiệu lực. Số lượng này đảm bảo nguồn cung trên thị trường cho các cơ sở y tế.

Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, đặc biệt đối với thuốc hiếm; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính, phân cấp toàn diện việc phê duyệt, thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế.

Cùng với đó, Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm thuốc đấu thầu tập trung quốc gia; phối hợp với các cơ sở y tế, địa phương rà soát các vướng mắc liên quan đến đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế… Bộ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá đến nay các giải pháp trên đã triển khai đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực bước đầu. Dù vậy, Bộ trưởng nhìn nhận vẫn còn tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một số cơ sở y tế, địa phương. Đối với các bệnh hiếm gặp, Bộ Y tế đã trình cơ chế để tháo gỡ nguồn cung thuốc hiếm, đặc biệt liên quan đến vấn đề cơ chế tài chính, ngân sách.

Theo báo cáo của 1.078 cơ sở y tế trên toàn quốc, trong tháng 10, có hơn 61% cơ sở y tế báo cáo đã đủ cung ứng thuốc cho hoạt động khám chữa bệnh; khoảng 38,5% đơn vị báo cáo tạm thiếu thuốc cục bộ.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, có những đơn vị trước đây gặp khó khăn nhưng qua đấu thầu đã đảm bảo nguồn cung thuốc, thiết bị vật tư cho hoạt động khám chữa bệnh.

Tin cùng chuyên mục