Đồng thời, UBND TP cũng chỉ đạo các quận huyện phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, đơn vị liên quan... đẩy nhanh tiến độ thực hiện đấu thầu hoạt động này trên toàn địa bàn thành phố trong năm 2018.
Tái ký hợp đồng 70% lao động
Theo UBND TPHCM, để triển khai hiệu quả công tác đấu thầu trong lĩnh vực quét dọn, thu gom và vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn thành phố, trước hết về phía quận huyện phải xác định rõ thời gian, hình thức triển khai đấu thầu. Các tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm, trang thiết bị phương tiện và phương án sử dụng lao động… phải được công khai, minh bạch đến từng đơn vị tham gia đấu thầu. Về cơ sở để định lượng giá làm cơ sở mời thầu cũng đòi hỏi các quận huyện phải tính đúng, tính đủ khối lượng chất thải rắn trên địa bàn, lộ trình thu gom và vận chuyển… Điều đặc biệt, trong quy định liên quan đến hoạt động tổ chức đấu thầu quét dọn, thu gom và vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu UBND các quận huyện phải tính đến yếu tố ưu tiên cho những đơn vị tham gia đấu thầu có khả năng tiếp nhận lại lực lượng lao động đang làm việc tại các công ty dịch vụ công ích quận huyện. Đơn vị trúng thầu tiếp nhận lại lao động hiện hữu phải đảm bảo các điều kiện thời gian cho người lao động được tiếp nhận lại là ít nhất 1 năm, với mức lương cơ sở theo đúng quy định. Ngoài ra, các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động cũng phải được đơn vị trúng thầu đảm bảo theo đúng quy định. Tùy theo tỷ lệ tiếp nhận lại lao động ở mức 70% trở xuống mà thứ tự ưu tiên chọn thầu cũng sẽ tương ứng.
Lý giải vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho rằng, lĩnh vực vệ sinh môi trường là loại hình lao động đặc thù, đòi hỏi người lao động phải có kinh nghiệm, thông thuộc địa bàn. Do đó, việc đưa yêu cầu và đánh giá ưu tiên nhà thầu nhận lại lực lượng lao động hiện hữu của các công ty dịch vụ công ích quận huyện hiện nay nhằm ổn định an sinh xã hội. Mặt khác, sự tiếp nhận chuyển giao lao động sẽ tránh được sự xáo trộn đột ngột lực lượng nhân công, giúp ổn định chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố.
Không dừng lại ở đó, để khuyến khích đầu tư phương tiện vận chuyển mới nhằm nâng cao chất lượng vệ sinh trên địa bàn thành phố, đồng thời cân nhắc yếu tố hỗ trợ thiệt hại cho các công ty dịch vụ công ích quận huyện khi các đơn vị này không thể đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ phương tiện mới quá cao so với điều kiện cơ sở đang sở hữu, thành phố cũng đề nghị UBND quận huyện nghiên cứu đưa vào hồ sơ mời thầu và đánh giá theo thứ tự ưu tiên; trong đó, có yêu cầu đối với phương tiện vận chuyển và tỷ lệ % phương tiện mới trong hồ sơ mời thầu. Nhà thầu phải đảm bảo năng lực vận chuyển với phương tiện mới, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng vệ sinh môi trường theo quy định của các cơ quan chuyên ngành. Các phương tiện này phù hợp với công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố, đáp ứng chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn. Cụ thể ưu tiên các nhà thầu đáp ứng yêu cầu theo thứ tự 30% phương tiện vận chuyển đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng vệ sinh môi trường, có năm sản xuất cách thời điểm tổ chức đấu thầu dưới hoặc bằng 5 năm; 20% phương tiện vận chuyển đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng vệ sinh môi trường có năm sản xuất cách thời điểm tổ chức đấu thầu 7 năm. Ngoài ra, các nhà thầu cũng cần có giải pháp kết nối hiệu quả giữa đơn vị thu gom tại nguồn hoặc hoán đổi đường dây thu gom tại nguồn để đồng bộ với công tác vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; ưu tiên nhà thầu có thể thuê lại trang thiết bị và phương tiện vận chuyển đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng vệ sinh môi trường của các đơn vị đang thực hiện trên địa bàn quận huyện hiện hữu.
Khó từ phía trúng thầu
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, đến nay mới chỉ 5 quận thực hiện đấu thầu thành công đề án thu gom, quét rác, đó là các quận 4, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, một số đơn vị trúng thầu là các công ty dịch vụ công ích đang gặp khó khăn đối với các tiêu chí thầu mà UBND TP đưa ra. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quốc Bảo, Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích quận Thủ Đức, cho biết công ty trúng thầu nhưng còn nhiều nỗi lo. Đối với tiêu chí ký hợp đồng 70% lao động cũ, do công ty trước đây cũng là đơn vị thu gom quét rác của quận Thủ Đức nên tiêu chí này không có thay đổi gì. Tuy nhiên, đơn giá công ty trúng thầu rất thấp, thấp hơn 30% - 40% so với đơn giá trước đây, đã ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh và thu nhập của công nhân. Để đảm bảo khối lượng thu gom, quét rác và thu nhập cho công nhân lao động, công ty đã lên kế hoạch tinh giản lao động để phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, theo đơn giá đấu thầu đưa ra đối với kinh phí mua xe ép rác đạt chuẩn khoảng 817 triệu đồng/xe (10 tấn), trong khi giá thị trường mà Thaco Trường Hải đưa ra lúc này lên tới 2 - 3 tỷ đồng/xe, gây khó khăn rất nhiều cho công ty.
Ngoài ra, với việc điều chỉnh giá hợp đồng chỉ được thực hiện từ năm thứ 2 trở đi (theo thời hạn của hợp đồng) và điều chỉnh trong các trường hợp giá nhiên liệu bình quân của năm tăng hoặc giảm hơn 20% hay nhà nước thay đổi chính sách về thuế, tiền lương, định mức… cũng thực sự gây khó khăn cho các đơn vị trúng thầu. Ông Vũ Quốc Bảo kiến nghị thành phố nên có những điều chỉnh phù hợp hơn để tạo điều kiện cho các đơn vị trúng thầu đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ.