Nguyễn Thi - một người lính

Xin Mẹ về đi
Nguyễn Thi - một người lính
Nguyễn Thi (năm 1954)

Nguyễn Thi (năm 1954)

Trước khi trở thành nhà văn, Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn) là một người lính, người lính thực sự như bao người lính khác trong cuộc trường chinh chống Pháp và Mỹ xâm lược.

Sắc màu và tố chất lính cách mạng ở Nguyễn Thi đậm nét không phai, suốt cuộc đời anh, từ ngày đầu cầm quả lựu đạn ở tổ du kích xã Tân Thới Tứ, rồi trải qua nhiều đơn vị khác nhau thuộc lực lượng võ trang miền Đông Nam bộ, để rồi ngã xuống trên mảnh đất Sài Gòn khi bắn hết viên đạn cuối cùng trong cuộc tấn công Mậu Thân năm 1968. Cuộc đời anh chỉ có 5 năm ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, những năm còn lại là ở đơn vị chiến đấu, ở chiến trường.

Nguyễn Thi sinh ngày 15-5-1928 và hy sinh ngày 9-5-1968 khi còn vài ngày nữa  anh tròn 40 tuổi. Đến nay hài cốt anh chưa tìm được. Sự trùng khớp về con số tháng năm sinh và ngày tháng anh ngã xuống như cái mốc định mệnh kết thúc tức tưởi một đời tài hoa mệnh bạc đang độ thăng hoa. Anh ra đi để lại cho đời  những tác phẩm bất hủ và những tài liệu văn học dở dang trong sự nuối tiếc, xót thương của người thân, bạn bè, đồng đội.

Từ khi lên ba, lên bốn Nguyễn Thi đã theo mẹ vào tù ở Nam Định, bởi mẹ hoạt động trong phong trào công nhân dệt biểu tình chống áp bức bóc lột của thực dân Pháp ở Nam Định, cùng với đồng chí Tống Văn Trân, vào những năm 30 thế kỷ trước. Tuổi thơ trôi đi trong sự nghèo khó và sự tan nát của gia đình, làm cho Nguyễn Thi bước vào đời sớm, với cái tuổi lên chín đã theo gánh hát rong làm những việc phụ vặt vãnh để tìm miếng ăn.

Anh ra đi để lại những kỷ niệm trèo me bắt bướm ở xã Quần Phương Thượng, huyện Hải Hậu – Nam Định, nơi anh chào đời và lớn lên. Anh gửi lại những kỷ niệm về mái trường Carreau đỏ màu phượng vĩ, nơi anh đã học và chỉ ôm vào lòng những vần thơ và bài hát ru của mẹ mà bà tự biên bên chiếc võng đong đưa.

Cuối năm 1943 Nguyễn Thi theo anh vào Sài Gòn đi làm và học thêm. Thừa hưởng khiếu văn thơ của mẹ, anh sớm tiếp cận với dòng văn thơ lãng mạn cũng như hiện thực thời bấy giờ. Cuộc sống vật lộn với miếng ăn hằng ngày, cộng với tâm hồn đa cảm của người mẹ truyền sang, làm cho gương mặt anh đăm chiêu và đôi mắt sâu thẳm dò xét. Nguyễn Thi có tật khi nói hay che miệng, dường như anh sợ lời nói gió bay.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công mở ra một chân trời mới cho tuổi trẻ và cho đất nước Việt Nam. Nhưng ngày 23-9-1945 thực dân Pháp lần nữa lại xâm lược nước ta. Khí thế sục sôi chiến đấu của hội Diên Hồng thuở trước, tiếng gọi Cương quyết ra đi làm nhiều tầng lớp thanh thiếu niên, đặc biệt là học sinh sinh viên thời ấy, muốn thấy mình như tráng sĩ Kinh Kha thời Chiến quốc:

Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn

(Gió vi vu hề song Dịch lạnh - Tráng sĩ ra đi hề không trở về).

Những điều ấy đã thôi thúc Nguyễn Thi gia nhập trung đội Cảm tử quân Nguyễn Bình, ra đi cho Tổ quốc quyết sinh. Anh làm liên lạc, làm trinh sát đánh nhiều trận ở mặt trận Tây và Tây Bắc Sài Gòn. Cuộc đời lính của Nguyễn Thi bắt đầu từ du kích quân xã Tân Thới Tứ, Hóc Môn, đến Cảm tử quân, về Chi đội 1 Thủ Dầu Một, rồi thành lính Trung đoàn 301. Khi thành lập liên trung đoàn 301-310 của tỉnh Thủ Biên, anh về làm cán bộ chính trị ở tiểu đoàn Trần Quốc Tuấn thuộc liên trung đoàn này.

Năm 1951 các liên trung đoàn giải thể, Nguyễn Thi về Ban Chính trị tiểu đoàn chủ lực Phân liên khu miền Đông Nam bộ, một đơn vị vừa rồi được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Tiểu đoàn 302 có 2.000 quân, thành phần chủ yếu là công nhân cao su, những thanh niên nông thôn Lái Thiêu, Hóc Môn, Bình Mỹ, Củ Chi, Tây Ninh, học sinh, dân lao động Sài Gòn, trong đó danh thủ đội bóng đá Nam kỳ Trương Tấn Bửu khi đó là đại đội trưởng đại đội pháo binh.

Là một cán bộ chính trị cấp đại đội, với năng khiếu văn nghệ của mình anh đi xuống các đại đội, trung đội làm công tác chính trị, động viên làm báo tường, vẽ tranh khẩu hiệu, dạy hát động viên chiến sĩ trước giờ ra trận.

Nguyễn Thi (khung trên) và Nguyên Ngọc (khung dưới) cùng các nhà thơ, nhà văn trong tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nguyễn Thi (khung trên) và Nguyên Ngọc (khung dưới) cùng các nhà thơ, nhà văn trong tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Trong những năm gian khổ, miền Đông kèm theo bão lụt năm 1952, cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn có tiêu chuẩn gạo 3kg/tháng, Nguyễn Thi cũng như mọi người ngày đi làm rẫy, chắt chiu từng cọng rau tàu bay, đào bắt từng con dế. Về đêm họ để chậu nước cạnh đèn cho mối cánh sa vào rồi ngày mai rang hoặc nấu cháo. Gian khổ là thế. Tôi còn nhớ anh vóc dáng lêu khêu, mặt mét xanh nhưng nhiều trận đánh lớn luôn có mặt anh. Ngọc Tấn vừa làm nhiệm vụ hậu cần lo thương binh liệt sĩ, vừa truyền cho chiến sĩ cái chí bất khuất, kiên trung cách mạng. Trong trận bị địch bao vây ở Sở Cao su Chà Dơ, hai đại đội của tiểu đoàn phải chiến đấu từ sáng đến chiều với một trung đoàn lính Âu Phi có không quân, pháo binh trợ chiến, có lúc đánh giáp lá cà. Giặc kêu gọi đầu hàng nhưng các anh nuôi quyết bảo vệ nồi cơm nồi cá vừa nấu chưa kịp cho anh em ăn, giơ cao đòn gánh chửi quân địch. Nguyễn Ngọc Tấn sáng tác ngay trong đêm, sáng ra phổ biến cả tiểu đoàn:

Anh nuôi giữa trận xông pha/Gõ xoong, gõ chảo chửi cha quân thù/Đất trời bom pháo mịt mù/Bỗng đâu đạn xé rách bờ lưng thon/Bị thương vẫn nụ cười dòn/Thúng cơm dấy máu cá còn nồi nguyên/Chà Dơ trăng rụng mờ sương/Mưa hay nước mắt mờ tuôn cánh đồng…

Nhà văn cách mạng xây dựng nên những hình tượng anh hùng, những con người anh hùng và chính những hình tượng đó có sức tác động trở lại những người tạo nên nó ở mức độ cao hơn, dũng mãnh như một cấp số nhân từ đời này qua đời khác.

Ngày hòa bình tập kết ra Bắc, mẹ Nguyễn Ngọc Tấn ra Thanh Hóa thăm con, khi chia tay ở Bến Hàm Rồng bà sáng tác ngay mấy câu thơ:

Mợ nhìn theo đếm bước con đi/Ao ước sao con giữ trọn nghì/ Đạo đức thủy chung can đảm sống/ Cho đời rực rỡ chí nam nhi.

Mấy năm sau bà lại ra Hà Nội để thăm con, khi ấy Nguyễn Ngọc Tấn đi vắng, bà để lại mấy câu thơ:

Mợ nghĩ sau này sống bơ vơ/ Vắng con đời mợ hóa tiêu sơ/ sẽ nhủ thầm trong cát bụi/ Con là con mẹ lúc còn thơ.

Phải chăng những vần thơ là điềm gở về số phận người mẹ  13 năm sau và cho số phận Nguyễn Thi sau này.

Phải nói rằng Nguyễn Thi rất yêu thương mẹ. Năm 1962 vào Nam, Nguyễn Thi mang theo trong lòng tình yêu của mẹ, nỗi thương con, nỗi day dứt về tình yêu đầu đời với bóng hình đứa con gái mà 15 năm trời anh hằng nôn nóng muốn gặp.

Thế rồi như bao tác phẩm và tư liệu dở dang, cuộc đời anh cũng dang dở chấm dứt khi tài năng vừa độ chín. Anh ngã xuống như người anh hùng với tinh thần của những anh nuôi Tiểu đoàn 302, đánh đến viên đạn cuối cùng, còn cái lai quần cũng đánh như nhân vật Út Tịch của anh, người chiến sĩ anh hùng của lực lượng võ trang miền Nam. Anh không còn cơ hội gặp đứa con gái đầu lòng mà anh chưa lần gặp mặt. Gần 10 năm sau, một chiều mưa bay trên đường Minh Phụng, một người mẹ từ miền Bắc vào tìm con. Bà bơ vơ giữa dòng người qua lại, không còn  dấu vết nào của chiến tranh đã đi qua, không có tàn hương nào để lại…

Năm 1982, người em kết nghĩa chuyển về Nam công tác, nghe nhà văn Thanh Giang - bạn chiến đấu gần gũi Nguyễn Thi kể lại, rơi nước mắt xin và thay mặt vong linh Nguyễn Thi, người con hiếu thảo của mẹ, viết mấy dòng thơ an ủi mẹ, xin mẹ hãy về đi.

Nguyễn Thi nhà văn - người lính đã sống và chiến đấu như một người anh hùng.

TS Nguyễn Mộng Hùng
TPHCM ngày 27-7-2010

Xin Mẹ về đi

Mẹ ơi xin hãy về đi
Bởi hoàng hôn sắp tắt
Trời phương Nam mưa thường bất chợt
Phố nhiều xe run rẩy nẻo về
Cứ cho là mẹ tìm được con rồi
Nơi ngã xuống chính nơi nầy mẹ đứng
Con mẹ đây con là thằng Tấn
Chiến đấu bằng trái tim thơ

Và viên đạn cuối cùng
Có nghĩa là đánh đến tận lai quần…
Một chiều con vĩnh biệt mùa xuân

Thương mẹ con về đây từ ánh sáng cội nguồn
Gom vét hết mọi tia tàn nắng ấm
Của trời đất phương Nam phương Bắc
Sưởi khô manh áo mẹ trên người
Một thoáng chiêm bao hai mươi năm rồi
Con không thể nào nhận nổi
Những cánh bướm vào vườn hoa lạc lối
Đường phố xưa ríu rít trẻ thơ cười
Vết máu xưa len lỏi mạch đời vui.

Trời đổ mưa rồi xin mẹ về thôi
Con lạy mẹ như buổi xa lần cuối
Mẹ đừng buồn, về đi mẹ ơi.

Tin cùng chuyên mục