Nhà bán lẻ thích ứng xu hướng mua sắm đa kênh

Trước xu hướng người tiêu dùng (NTD) thường xuyên mua sắm đa kênh, các nhà bán lẻ trong nước đã và đang có những thay đổi để thích ứng và giữ vững thị phần.
Ngành bán lẻ thích ứng xu hướng mua sắm đa kênh của người dùng
Ngành bán lẻ thích ứng xu hướng mua sắm đa kênh của người dùng

Theo khảo sát được Công ty nghiên cứu thị trường và truyền thông toàn cầu NielsenIQ công bố năm 2022, có 8/10 NTD trong khu vực châu Á Thái Bình Dương tiếp tục lựa chọn xu hướng mua sắm đa kênh. Điều này cho thấy thị trường đang thay đổi và mua sắm đa kênh trở nên phổ biến với 57% NTD Việt thường xuyên mua sắm đa kênh.

Kết quả từ cuộc khảo sát “Người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023” do Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao vừa công bố cũng cho thấy, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế với NTD do hấp lực về chất lượng, giá cả, sự thuận tiện hay sự thân thiện của người bán. Tuy nhiên, vẫn có xu hướng chuyển dịch khách hàng từ chợ truyền thống, tiệm tạp hóa nhỏ lẻ sang các kênh bán lẻ hiện đại.

Khảo sát cho thấy NTD hiện nay lựa chọn mua sắm thông qua sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và kỹ thuật số, NTD tham khảo thông tin sản phẩm trực tuyến nhưng lại muốn trải nghiệm mua sắm trực tiếp tại siêu thị, cửa hàng. Xu hướng mua online không còn bùng nổ mang tính độc tôn như thời điểm dịch Covid 19 bùng phát, nhưng vẫn cho thấy mức độ rất phổ biến, đặc biệt với NTD trẻ. Cùng với điện thoại thông minh, thiết bị di động và dịch vụ internet, sự phát triển của thương mại điện tử, bán hàng online vẫn sẽ là một xu hướng tất yếu.

Bối cảnh đó buộc các nhà bán lẻ của Việt Nam phải có sự thay đổi để đáp ứng xu hướng của NTD. Các doanh nghiệp nội địa phải có sự chuyển mình trong việc ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số giúp gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội so với các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng trên thế giới. Nhiều năm qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại khai thác thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua thương vụ mua bán - sáp nhập và các mô hình hợp tác nhằm khai thác tối đa quy mô thị trường.

Là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, Saigon Co.op cho biết doanh nghiệp này đã và đang chuyển mình qua việc tập trung vào khách hàng dựa trên dữ liệu số. Cụ thể là thay đổi về chiến lược tiếp thị và dịch vụ. Thay vì tập trung vào các chiến lược tiếp thị và dịch vụ đại trà, doanh nghiệp này đi sâu vào tìm hiểu sở thích, nhu cầu của khách hàng từng vùng miền, dựa trên dữ liệu số được thu thập trong quá trình phục vụ hàng triệu khách hàng Việt. Từ đó, Saigon Co.op đa dạng hóa mô hình kinh doanh, chủng loại sản phẩm, tăng tiện ích dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Saigon Co.op cũng chuyển sang trực tuyến hóa - số hóa hoạt động kinh doanh bằng việc kết hợp hài hòa hình thức offline và online. Thể hiện rõ nét là việc vừa mở rộng mạng lưới bán lẻ trực tiếp nhưng vẫn nâng cao trải nghiệm cho khách hàng ở kênh mua sắm online là app Saigon Co.op, kênh HTV Co.op… Khách hàng trải nghiệm mua sắm ở những cửa hàng vật lý sẽ có cơ hội tận hưởng giá trị cộng thêm từ các cửa hàng trực tuyến và ngược lại.

Không chỉ liên kết chặt chẽ với nhà cung cấp để có hàng hóa chất lượng, giá cạnh tranh, nhà bán lẻ này còn liên kết với một số ứng dụng như Grab, MoMo… để nâng cao trải nghiệm, đa dạng hình thức mua sắm cho khách hàng.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, năm 2023, Saigon Co.op sẽ triển khai nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: cải tổ sâu và mạnh mẽ chiến lược hàng hóa - chiến lược giá, nâng cao lợi thế cạnh tranh; số hóa trong hoạt động quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả quản trị; đẩy mạnh, đa dạng hóa thương mại điện tử; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc khách hàng; nâng cao hiệu quả các mô hình bán lẻ; chuẩn bị kế hoạch dài hạn cho hoạt động logictics…

Với những hoạch định kinh doanh rõ ràng, cụ thể, Saigon Co.op kỳ vọng đáp ứng được xu hướng mua sắm đa kênh của người Việt, tiếp tục giữ vững vị thế là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục