Ở đó, các em không chỉ cùng giao lưu, học hỏi bạn bè quốc tế mà còn có cơ hội thể hiện tài năng nghệ thuật, được vui chơi, khám phá nhiều điều bí ẩn của thiên nhiên kỳ thú. Phóng viên Báo SGGP đã có buổi trò chuyện với nhà báo Đặng Diễm Quỳnh (ảnh) - Trưởng ban Thanh thiếu niên VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam, đồng thời là Trưởng ban tổ chức liên hoan đặc biệt này.
PHÓNG VIÊN: Với liên hoan thiếu nhi quốc tế, hẳn các đoàn phải đặt ra nhiều quy định khắt khe với ban tổ chức?
Nhà báo DIỄM QUỲNH: Đúng vậy, đây là một liên hoan thiếu nhi quốc tế với rất nhiều yêu cầu về lịch trình hoạt động, mức độ bảo vệ, quyền của trẻ em, an toàn về thực phẩm, y tế… Năm nay có một số nước lần đầu tham dự như Nhật Bản, Nga, họ rất quan tâm tới trẻ em nên hỏi kỹ chương trình như thế nào, trẻ em của họ sang Việt Nam liệu có nguy hiểm không?…
Đoàn đại diện Việt Nam lại chỉ duy nhất một trường, điều này liệu có dẫn tới thiệt thòi cho những thiếu nhi tài năng khác?
Mỗi nước chỉ được phép có một đoàn thôi, bởi đây là liên hoan thiếu nhi quốc tế nên dù là nước chủ nhà đăng cai cũng chỉ được phép có một đoàn ngang bằng với các nước khác tham dự. Đi tìm kiếm một đoàn đại diện cho Việt Nam để tương đương với các đoàn quốc tế khác là một việc cực kỳ vất vả, khó khăn. Hiện nay tại Việt Nam cũng có một số đoàn nghệ thuật thiếu nhi như Sido của TPHCM, Son Art Hà Nội hay đoàn nghệ thuật của Học viện Âm nhạc quốc gia.
Nhiều chương trình đặc biệt dành cho thiếu nhi tại Liên hoan Thiếu nhi quốc tế VTV 2018
Với Son Art lại không chỉ có trẻ con mà cả người lớn tham gia, hơn nữa lại khó để tổ chức. Còn với Học viện Âm nhạc quốc gia thì quá chuyên nghiệp. Với Vinschool dễ tổ chức hơn. Thời gian tìm và chọn đoàn chỉ có hơn một tháng nên chúng tôi quyết định chọn đoàn nghệ thuật của trường Vinschool. Tuy nhiên, nếu sang năm có nhiều thời gian hơn thì diện phủ sóng sẽ rộng hơn.
Các bạn thiếu nhi Việt Nam sẽ đưa gì đến liên hoan này?
Tôi đã được chứng kiến một số đoàn quốc tế như Trung Quốc, Indonesia… có các em nhỏ rất giỏi. Các em đoàn Trung Quốc biểu diễn xiếc xuất sắc, đoàn của Indonesia thì múa đẹp, đoàn Hàn Quốc hát opera rất hay… Nếu đoàn Việt Nam quá lệch so với các đoàn bạn sẽ không hay, thậm chí còn làm mất thể diện khi lại là nước chủ nhà. Tôi đã chứng kiến các em nhỏ của đoàn Việt Nam biểu diễn, dù là tiết mục có sẵn nhưng cũng thấy được sự tập luyện bài bản, đồng đều. Với hỗ trợ của nhạc sĩ Huy Tuấn và đạo diễn Việt Tú, đoàn Việt Nam sẽ ra mắt một tiết mục mới.
Liên hoan thiếu nhi quy mô lớn được tổ chức ở Nha Trang, vậy các bạn nhỏ ở đây có được tham dự không khí của trại hè này?
Rất nhiều hoạt động giao lưu với sự tham gia của các bạn nhỏ ở địa phương sẽ được tổ chức trong khuôn khổ của liên hoan. Đặc biệt, buổi gala nghệ thuật “Trái đất xanh” cũng sẽ được tổ chức tại một địa điểm rộng để 200 bạn nhỏ địa phương có thể cùng chung vui trong ngày Tết Thiếu nhi 1-6. Đây cũng là đêm nghệ thuật đặc biệt có sự góp sức của đạo diễn Việt Tú và được truyền hình trực tiếp trên VTV1.
Người lớn thường mong có nhiều chương trình có tính giáo dục…, còn khán giả trẻ lại cần thêm nhiều điều khác. Người làm truyền hình cho thanh thiếu niên có phải gánh chịu áp lực đó?
Làm chương trình mà không có sự nghiên cứu, tìm hiểu cách tiếp cận khán giả trẻ thì sẽ chỉ có chiều đi mà không có chiều ngược lại. Vì thế, đích mà chúng tôi hướng tới là đem lại sự hữu ích, gần gũi. Khi thông tin của mình mang tính hấp dẫn, hữu ích thì các bạn trẻ sẽ quan tâm, lắng nghe và lúc đó các bạn đã được định hướng, được giáo dục. Làm chương trình có sức hút, tạo nên ảnh hưởng đối với thanh, thiếu nhi là không hề đơn giản, song đó là cái đích của chúng tôi.