Nhà báo Nguyễn Tường Lộc: Cây bút “lãng tử” của vùng Tây Nam bộ

Có một cây bút mà chỉ cần nghe đến tên người ta liên tưởng ngay đến những bài báo với lối viết như kể chuyện, đậm chất dân dã về những vui buồn của ruộng đồng, sông nước miệt vườn.  
Một nhà báo mà nơi anh đến có tiếng cười và nơi anh đi để lại nỗi nhớ. Một nhà báo mà chỉ riêng những chuyện vui buồn trên đường tác nghiệp của anh đã có thể viết thành truyện đăng nhiều kỳ…
Hàng chục năm trời làm cùng cơ quan với nhà báo Nguyễn Tường Lộc, cùng nhau xuôi ngược khắp mọi miền đất nước, chúng tôi có hẳn một bộ sưu tập chuyện kể về anh.
Nhà báo Nguyễn Tường Lộc: Cây bút “lãng tử” của vùng Tây Nam bộ ảnh 1 Nhà báo Nguyễn Tường Lộc tại chợ Tình Khau Vai tỉnh Hà Giang
Mười mấy năm trước, khi đang làm phóng viên Báo SGGP, anh đề xuất viết bài xích lô đêm. Để có kinh nghiệm thực tế, anh thuê một chiếc xích lô và đạp xe khắp các ngả đường TPHCM kiếm khách. Tối hôm ấy, anh vừa đạp xe ra đã có khách. Đó là hai người phụ nữ trẻ, xinh xắn mà anh cũng thấy… tự hào khi được phục vụ. Vậy mà khi ôm cua qua một góc đường, anh lúng túng thế nào làm chiếc xe lật ngang và hai người phụ nữ lăn cù xuống đường. Nhìn bộ dạng lúng túng của anh, hai cô gái cũng phì cười. Rồi, để chuộc lỗi với hai người khách dễ thương, anh mời họ ghé vào quán bên đường ăn hủ tiếu. Đến lúc trả tiền, anh moi hết túi nọ đến túi kia chỉ lôi ra được mấy đồng tiền lẻ, chợt nhớ ra đây là cuốc xe đầu tiên trong ngày. Hai cô gái lại cười vì bộ dạng lúng túng thật… dễ thương của anh.
Đến lúc ấy anh đành phải nói thật anh không phải dân đạp xích lô chuyên nghiệp. Anh chỉ thuê xe đạp thử để có kinh nghiệm… viết báo. Một trong hai cô gái nói đùa “em cho anh mượn tiền trả và coi như anh nợ em 31.000 đồng nhé!”. Họ chia tay nhau mà quên cả cho nhau số điện thoại, chỉ có cô gái còn kịp hỏi tên anh, còn anh mừng vì thoát nạn nên vội vàng đạp xe đi mất.
Bẵng đi hơn mười năm, một hôm anh nhận được một cú điện thoại mà đầu dây bên kia là một giọng nữ vừa lạ, vừa quen. “Anh chắc không nhớ em phải không? Nợ người ta 31.000 đồng sao không thấy trả?”. Trời ơi, trái tim anh đập loạn xạ. Chẳng lẽ đây là người phụ nữ mà mười mấy năm trời thỉnh thoảng anh cũng thấy ngẩn ngơ nhớ? Và, họ gặp lại nhau…
Dường như anh cũng chưa kịp hỏi, bằng cách nào cô gái tìm lại được anh vì anh lại mải miết với những chuyến công tác đường dài… Một lần trên đường đi công tác cùng anh, thấy anh nói chuyện điện thoại mà giọng buồn buồn. Cô gái đầu dây bên kia trách nhẹ: “Em để dành chai rượu mà chờ mãi không thấy anh tới khui…”. Anh lại lúng túng giải thích: “Tại anh đi công tác nhiều quá!”. Vài năm sau nữa, có lần anh đưa tôi xem một tin nhắn trong điện thoại: “Anh sẽ ân hận suốt đời vì đã từ chối em…”.
Lần khác, sau chuyến công tác ở các tỉnh Tây Bắc, chúng tôi ngồi ăn phở với nhau và chia tay, tôi bay chuyến tối về TPHCM, còn anh quay ngược lại Bắc Thái công tác tiếp. Tôi xuống máy bay về đến nhà đã gần 12 giờ đêm. Đang ngồi nhấm nháp ly rượu với ông xã, tự nhiên tôi thấy điện thoại chồng có chuông báo tin nhắn. Mở ra xem ông xã tôi cười ngất: Trời ơi, ông Tường Lộc nhắn tin cho ai mà nhắn lộn vô máy tui vậy trời?!”. Tôi giật máy đọc tin nhắn: “Đi công tác ở Hà Nội mà sao thấy nhớ Sa Đéc quá Sa Đéc ơi!”. Vậy đó, nhà báo Nguyễn Tường Lộc là người mà có lần tôi trêu đùa, chắc tòa án phải xử anh về tội “Cố ý gây thương…nhớ”.
Có những giai thoại về anh mà có khi là chuyện thật, có khi anh em thêm thắt hoặc chế thêm chút đỉnh cho vui. Anh em đồng nghiệp kể, lần đó anh đi công tác tận Yên Bái đúng vào dịp rét đậm. Nửa đêm, đang nghỉ đêm ở một xã vùng sâu, không biết ăn phải thứ gì anh đau bụng oằn oại. Anh em đi cùng phải đưa anh đến trạm xá xã. Trực trạm xá đêm đó lại là một cô y tá… sản khoa. Thấy bệnh nhân bụng to, khuôn mặt bầu bĩnh lại trùm khăn sùm sụp, mắt nhắm, mắt mở, cô mời bệnh nhân nằm lên bàn để…thăm khám. Bỗng anh em chờ bên ngoài nghe cô kêu lên: “Trời ơi sao đến trễ quá vậy?”. Anh hoảng quá nhảy khỏi giường và… hết đau bụng luôn…
Hơn hai chục năm làm báo anh không nhớ mình đã viết bao nhiêu bài, nhưng mỗi bài viết đều kéo theo một vài kỷ niệm vui buồn vậy đó. Bài viết của anh không sắc sảo nhưng ở mỗi bài, người ta có thể đọc thấy bàng bạc cái tình của người viết. Anh cũng không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu miền, nhưng mỗi nơi anh đến đều để lại cho người ta một chút tình, một chút nhớ. Tiếng cười hào sảng và giọng ca cổ mùi mẫn của anh cũng làm người ta khó quên. Tôi xin phép được gọi người đồng nghiệp dễ thương là “Chàng lãng tử miệt vườn”.

Tin cùng chuyên mục