Nhà bếp trên mây

Tại Nhật Bản, dịch Covid-19 đã khiến người dân phải từ bỏ thói quen ăn uống tại nhà hàng, đẩy nhiều đầu bếp nước này rơi vào cảnh thấp nghiệp. Các đầu bếp và thực khách ở nước này tìm mọi cách để có thể duy trì những thói quen cũ trong hoàn cảnh mới.

Theo tờ Mainichi, việc thuê các đầu bếp nấu những món ăn thượng hạng trong chính căn bếp ở gia đình đang thịnh hành ở Nhật Bản. Đây được xem là biện pháp để người dân vẫn được thưởng thức những món ăn đẳng cấp nhà hàng, trong khi vẫn tránh được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Khác với dịch vụ giao thức ăn, thực khách có thể thảo luận với đầu bếp xem muốn ăn món gì, đầu bếp sẽ chuẩn bị các bữa tối, với mức giá trung bình 7.480 yen (72 USD)/bữa, chưa có chi phí thực phẩm.

Nhà bếp trên mây ảnh 1 Đầu bếp Reki Uchiyama được cử đến nấu ăn ở nhà khách hàng
Reki Uchiyama, 47 tuổi, từng là bếp trưởng tại một nhà hàng nổi tiếng, nhưng đã thất nghiệp do đại dịch, nay làm thuê cho Sharedine - một công ty cung cấp dịch vụ mới nói trên, từ tháng 9-2020. Anh kể, ban đầu khá lo lắng khi phải đứng bếp tại một nơi không thân thuộc, nhưng đây cũng là một trải nghiệm rất thú vị. Theo R.Uchiyama, phản hồi từ các khách hàng là nguồn động viên to lớn, đồng thời giờ làm linh hoạt cũng giúp anh thuận tiện hơn khi có thể chăm sóc cho người mẹ đang bệnh của mình. Anh cho biết sẽ nỗ lực đáp ứng các yêu cầu đa dạng của khách hàng, chẳng hạn như chuẩn bị các bữa ăn đặc biệt cho người đang được chăm sóc y tế với các quy định dinh dưỡng nghiêm ngặt.

Căn cứ theo yêu cầu, Sharedine có thể bố trí từng đầu bếp cụ thể cho khách hàng, giúp việc nắm bắt ưu tiên dinh dưỡng trong mỗi gia đình trở nên dễ dàng hơn. Hiện công ty này đang nhận được nhiều đánh giá tích cực, giúp đảm bảo công việc và thu nhập cho những đầu bếp mất việc tại các nhà hàng. Trên thực tế, dịch vụ chuẩn bị bữa ăn đã có từ trước khi xảy ra dịch, song cuộc khủng hoảng y tế này đã khiến xu hướng trên càng trở nên thịnh hành. Sharedine được thành lập từ năm 2017, cung cấp các chương trình hỗ trợ cho những đầu bếp không có việc làm, giúp họ trao đổi thông tin và được đào tạo các biện pháp phòng chống lây nhiễm. Số đầu bếp đăng ký tham gia dịch vụ của công ty hiện đã lên tới khoảng 900 người, trong đó có cả những người đang làm tại các nhà hàng nhưng vẫn muốn trau dồi kinh nghiệm bằng việc nấu ăn tại các căn bếp gia đình. Một số đầu bếp cho rằng, việc mài giũa kỹ năng bên ngoài các nhà hàng truyền thống sẽ là cơ hội quý báu giúp các đầu bếp mới vào nghề hướng tới con đường nấu ăn chuyên nghiệp.

Hơn nữa, các đầu bếp còn có thể hành nghề tại một không gian gọi là “nhà bếp trên mây”, nơi các đầu bếp khác có thể chia sẻ cơ sở vật chất chuẩn bị món ăn để giao hàng. Tại Công ty Shokunomori, khai trương vào mùa thu năm ngoái ở Osaka, miền Tây Nhật Bản, có tới 10 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống sử dụng chung một nhà bếp, mỗi cơ sở cung cấp các dịch vụ tương ứng như gà rán, bánh pizza, cơm và đồ uống cho khách hàng. So với các nhà hàng độc lập, hoạt động của “nhà bếp trên mây” cho phép các nhà điều hành khởi nghiệp tự thành lập với chi phí thấp, không cần nhân viên và vốn đầu tư ban đầu ít hơn đáng kể.

Tin cùng chuyên mục