
Theo “lệnh” của bà Trưởng phòng TN-MT, hàng chục thanh niên, tay búa, tay xà beng đã ngang nhiên xông vào đập phá, hủy hoại căn nhà ở ấp 2, xã Hướng Thọ Phú, thị xã Tân An (dù căn nhà này không phải của bà). Chưa hết, các vật dụng giấy tờ nhà đất trong nhà đều bị cướp sạch, mặc cho bà Duy Thị Tám, người sống trong căn nhà đang tranh chấp này khóc lóc, can ngăn. Nhưng càng lạ hơn, sự việc xảy ra từ ngày 20-1 đến nay những kẻ chủ mưu, người tham gia đập phá căn nhà vẫn chưa bị xử lý tới nơi tới chốn. Trong khi đó, bà Tám phải sống vất vưởng trong căn liều che tạm.
Lẫn lộn công - tư

Theo giấy chứng tử ký ngày 15-10-2007 của UBND xã Hướng Thọ Phú (thị xã Tân An), chứng nhận: ông Nguyễn Văn Ngọc, sinh năm 1958, cư trú tại số 194, ấp 2, xã Hướng Thọ Phú, thị xã Tân An, đã chết vào ngày 5-10-2007 do tai nạn giao thông. Tài sản của ông Ngọc để lại gồm: một căn nhà cấp 4 tọa lạc trên diện tích 1.097,3m2 và một miếng đất khác có diện tích trên 2.000m2, cũng ở xã Hướng Thọ Phú.
Những người đang ở trong căn nhà và canh tác trên 2 miếng đất này là bà Duy Thị Tám (sống như vợ chồng với ông Ngọc từ năm 2002 đến ngày ông Ngọc mất) và 2 đứa con riêng của ông Ngọc là Nguyễn Kha Luân và Nguyễn Ngọc Quốc Bảo.
Sau khi ông Ngọc mất, Luân, Bảo và bà Đinh Thị Hương (vợ trước của ông Ngọc, mẹ ruột của Bảo, Luân), tranh chấp quyền thừa kế tài sản với bà Tám.
Ngày 10-12-2007, UBND xã Hướng Thọ Phú mời các đương sự có liên quan (trong này có bà Nguyễn Thị Mười-Trưởng phòng TN-MT thị xã Tân An, em ruột ông Ngọc) đến xã để họp bàn “hòa giải về việc chia quyền thừa kế tài sản của người để lại di sản là ông Nguyễn Văn Ngọc”. Thế nhưng buổi hòa giải bất thành. Xã hướng dẫn hai bên nên khiếu nại lên tòa án để được xem xét, giải quyết theo pháp luật.
Ở đây, bà Mười được mời đến họp với tư cách là một thành viên trong gia đình (bên cha mẹ ông Ngọc), chứ không liên quan gì đến số tài sản đang tranh chấp. Nhưng cái lạ là bà lại phát biểu “chỉ đạo” tại cuộc họp: “Nay gia đình chúng tôi thống nhất ngày 11-12-2007 là tháo dỡ căn nhà”.
Thế là căn nhà đang tranh chấp bị đập phá, hủy hoại theo lệnh của bà, dù ngày đập phá có lùi lại đến ngày 20-1-2008. Ngay trong ngày đập phá căn nhà, bà Mười đến gặp ông Nguyễn Ngọc Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Thọ Phú, tại nhà riêng để khẳng định “căn nhà này và đất là do anh Ngọc lấy tiền của gia đình mua thì con ông được quyền dỡ” (!?) (trích báo cáo về quá trình giải quyết vụ đập phá nhà ở tại ấp 2, … của UBND xã Hướng Thọ Phú).
Đất đang tranh chấp… vẫn chuyển nhượng!
Trong ngày đưa linh cữu ông Ngọc đi hỏa táng, bà Mười vẫn ở lại nhà ông Ngọc. Hai cháu gái (Loan và Linh, con của ông Nguyễn Văn Long-anh ruột ông Ngọc) mở tủ trong nhà lấy một số giấy tờ đưa cho bà. Sau lễ tang về, bà Tám mở tủ kiểm tra thì thấy mất: 1 giấy chứng nhận QSDĐ (do ông Ngọc đứng tên), 1 sổ hộ khẩu (do ông Ngọc làm chủ hộ), 1 giấy chồng tiền đất (mua miếng đất trên 2.000m2 của bà Nhung) và 1 giấy chia đất (viết tay) cho ông Nguyễn Văn Chiêu (cha ruột ông Ngọc) và bà Nguyễn Thị Mười.
24 ngày sau khi ông Ngọc chết, sổ hộ khẩu do ông Ngọc làm chủ hộ “tự dưng” được chuyển cho Nguyễn Kha Luân làm chủ hộ. Chưa hết, gần một tháng sau miếng đất trên 2.000m2 ông Ngọc mua của bà Nhung cũng được làm giấy chứng nhận QSDĐ, nhưng do Luân và Bảo đứng tên! Thậm chí miếng đất trên 1.000m2 ngay tại căn nhà bị đập phá đang tranh chấp quyền thừa kế giữa bà Hương, Bảo, Luân với bà Duy Thị Tám cũng được chuyển tên từ ông Ngọc sang cho bà Hương, dù ông Ngọc không có để lại tờ di chúc nào.
Qua xác minh, cho thấy trình tự, thủ tục mà các cơ quan chức năng có liên quan đã làm những giấy tờ chuyển tài sản của ông Ngọc sang cho Luân, Bảo, bà Hương là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Ở đây, có cái “lạ” là nhà đất đang có tranh chấp mà UBND xã Hướng Thọ Phú vẫn ký xác nhận là nhà, đất không có tranh chấp, khiếu nại; Phòng Công chứng số 1 vẫn công chứng để tạo điều kiện cho bà Hương nhận quyền thừa kế miếng đất do ông Ngọc để lại!?
Điều đáng nói nhất là sự bất nhất của UBND xã Hướng Thọ Phú. Trong lúc bà Tám làm đơn khiếu nại lên tòa án thị xã Tân An về “quyền được thừa kế di sản của ông Ngọc để lại” theo hướng dẫn của ông chủ tịch UBND xã Hướng Thọ Phú, ngày 26-12-2007, ông chủ tịch xã lại chứng thực là tài sản trên không có tranh chấp, khiếu nại. Từ đây, miếng đất như đã nói ở trên được chuyển “hợp pháp” quyền sử dụng đất từ ông Ngọc sang cho bà Hương dựa trên “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế” của bà Hương với Luân và Bảo dưới sự bảo chứng của Phòng Công chứng số 1.
Vì sao Phòng Công chứng số 1 lại công chứng xác nhận cho “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế”? Bà Phạm Thị Hiên, Phó Trưởng phòng Công chứng số 1, cho biết: “Công chứng viên không biết hồ sơ này có tranh chấp, nếu biết thì có biện pháp xử lý khác. Với lại hồ sơ niêm yết công khai tại xã, nếu 30 ngày sau niêm yết mà không có ai khiếu nại, tranh chấp gì thì tôi cho công chứng. Ngay xã cũng không có ý kiến gì về chuyện có tranh chấp ở đây”.
Riêng bà Duy Thị Tám cho biết, bà hoàn toàn không biết gì về chuyện Phòng Công chứng số 1 cho niêm yết thông báo này.
Dư luận bất bình
Lão nông Bùi Văn Đực, người cùng xóm với bà Tám ở ấp 2, xã Hướng Thọ Phú, cho biết: “Tui sống ở đây mấy chục năm nay. Năm 2004, thấy chú Ngọc (Nguyễn Văn Ngọc) đến đây mua nhà đất của ông Hai Quyền (đã về TPHCM sinh sống), sau đó chú đưa vợ là thím Tám (bà Duy Thị Tám) với hai đứa con đến đây ở. Mãi đến khi chú Ngọc chết, tui mới thấy có người nhảy vô tranh giành nhà đất với thím Tám… Nhưng nói gì thì nói, đập phá nhà của người ta, nhất là người mới mất thì không được, cần phải xử thật nặng mới được”.
Anh Nguyễn Văn Tám, 49 tuổi, là hàng xóm với ông Ngọc, ngần ngại nói: “Bữa tui thấy ông Long (Nguyễn Văn Long - anh ruột ông Ngọc) kéo người đến phá nhà, tui cũng bất bình lắm nhưng không dám can thiệp. Có lẽ thấy ông Ngọc mất rồi, bà Tám còn lại một thân một mình nên họ ăn hiếp”.
Anh Ngô Minh Đức, Phó Trưởng ấp 2, công an viên xã Hướng Thọ Phú, bức xúc: “Ngày 20-1-2008, phía gia đình bà Mười huy động lực lượng hơn hai mươi người kéo sang đây phá nhà bà Tám - ông Ngọc. Ngay khi nhận được tin báo, tôi lập tức đến hiện trường, thấy ông Long đang chỉ huy đập phá… Họ đã ký vào biên bản cam kết không tháo dỡ căn nhà nữa nhưng ngay sau đó họ lại tiếp tục đập phá”.
Còn anh Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng Công an xã Hướng Thọ Phú, cho biết : “Khi phía gia đình bà Mười đề nghị tháo dỡ căn nhà, công an đã tham mưu cho UBND xã là không đồng ý. Ngay khi họ thực hiện hành vi đập phá, công an cũng đã tiến hành lập biên bản, buộc ngừng. Tuy nhiên, họ đã bất chấp”.
Riêng ông Lâm Khôi, Trưởng ban pháp chế HĐND tỉnh Long An, rất bất ngờ và trăn trở khi biết về sự việc đáng tiếc trên đã xảy ra. Ông khẳng định : “ Ngang nhiên xâm hại nơi cư trú, hủy hoại tài sản của người khác là vi phạm pháp luật. Nhất là tài sản này đang có tranh chấp quyền thừa kế. Nghiêm trọng hơn, khi họ đập phá, hủy hoại căn nhà, cơ quan chức năng đến lập biên bản bảo ngưng nhưng họ đã bất chấp, tiếp tục đập phá, như vậy có thể nói họ đã có hành vi chống người thi hành công vụ”.
Cũng theo ông Lâm Khôi, “các cơ quan chức năng nên nhanh chóng xử lý vụ này, nếu để kéo dài sẽ tạo dư luận không hay. Phải xử lý thật nghiêm, thật nặng những người tham gia vụ án này, nhất là vai trò của người cầm đầu”.
Sáng ngày 1-4, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Tân An đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và đọc lệnh bắt tạm giam (60 ngày) đối với bà Đinh Thị Hương (sinh 1958, cư trú tại ấp 2, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) và Nguyễn Kha Luân (sinh 1984, cư trú tại ấp 2, xã Hướng Thọ Phú, thị xã Tân An) về tội “Xâm phạm chỗ ở công dân”. Riêng bị can Nguyễn Ngọc Quốc Bảo (sinh 1988, cư trú tại ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, thị xã Tân An), cũng bị khởi tố với tội danh trên nhưng được cho tại ngoại. |
Đăng Nguyên