Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư hạ tầng cấp bách của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Văn phòng Chính phủ vừa phát thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh minh họa
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh minh họa

Theo đó, Thủ tướng đề nghị Vùng KTTĐ phía Nam tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa với vai trò là một cực tăng trưởng, đầu tàu phát triển của cả nước, đóng góp vào sự phát triển chung vì mục tiêu tạo nên một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Các tỉnh, thành phố trong vùng phát huy tiềm năng, lợi thế, năng lực cạnh tranh với phương châm hành động cụ thể, hiệu quả để vùng đi đầu trong phát triển các mô hình kinh tế hiện đại gắn với chính quyền điện tử, đô thị thông minh, trở thành vùng siêu đô thị có quy mô hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong tương lai gần. Vùng KTTĐ phía Nam cần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Tập trung mọi điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế cũng như cơ hội thu hút sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư thế giới. Chủ động, sáng tạo và quyết tâm hành động cao nhất để vùng sớm hình thành các chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút các tập đoàn lớn về công nghệ trên thế giới, trở thành trung tâm công nghệ, công xưởng chế tạo của khu vực và cả nước.

Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT nghiên cứu xây dựng đề án về cơ chế đặc thù vùng, bao gồm cả vấn đề ngân sách cho Vùng KTTĐ, trong đó có Vùng KTTĐ phía Nam, đảm bảo tính toàn diện, phù hợp đặc trưng của Vùng KTTĐ, tạo điều kiện cho Vùng KTTĐ phía Nam tăng tốc, phát triển bền vững. Bộ KH-ĐT chủ trì nghiên cứu, khẩn trương xây dựng đề án hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương để đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng, cấp bách của Vùng KTTĐ phía Nam; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, của vùng, của quốc gia nhằm đón nhận làn sóng đầu tư mới. Thủ tướng cũng giao Tổ công tác của Chính phủ về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài khẩn trương triển khai hoạt động, tăng cường cơ chế phối hợp, xử lý công việc; đảm bảo mọi điều kiện để kịp thời thu hút hiệu quả xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ có giá trị gia tăng cao.

Tin cùng chuyên mục