Nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều hãng phim đã làm phim về vua Lý Công Uẩn. Ngay từ khi các đơn vị bắt tay vào sản xuất đã có nhiều ý kiến khen - chê xung quanh việc làm phim. Chưa bao giờ việc làm phim lịch sử tại Việt Nam lại bước vào cuộc đua quyết liệt, được quan tâm chú ý và mổ xẻ một cách đặc biệt như bây giờ. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc (ảnh) về việc làm phim lịch sử hiện nay.
° Phóng viên: Nếu không có dịp chào mừng đại lễ, chắc chưa có nhà sản xuất phim nào (cả nhà nước lẫn tư nhân) chịu đầu tư làm phim lịch sử, một phần do kinh phí hạn hẹp, phần khác rất quan trọng là tư liệu lịch sử của ta về các triều đại vua chúa rất hiếm. Dưới góc độ một nhà sử học, ông nhận xét gì về điều này?
° Ông DƯƠNG TRUNG QUỐC: Cần nói thêm một lý do nữa là Nhà nước đã phó mặc cho người làm phim phục vụ cho một chủ trương lớn, sau khi đã bất lực không tổ chức nổi việc làm phim về chủ đề kỷ niệm, mà phải nhờ cậy vào “xã hội hóa”. Cho nên trước hết phải cảm ơn những người đã bỏ sức, bỏ tiền ra làm những bộ phim này trước khi phán xét nó có đủ chất lượng để chiếu hay không?
Làm phim lịch sử tốn kém trước hết vì mọi cái đều phải đầu tư từ đầu, chẳng kế thừa được người đi trước hay những người có chuyên môn bổ trợ, trong đó có giới sử học hay giới bảo tàng chúng tôi. Quả là tư liệu hay những tri thức lịch sử, những hiện vật bảo tàng rất nghèo nàn. Không phải do lịch sử ta nghèo mà trước hết là vì ta chưa quan tâm đầu tư cho việc nghiên cứu hay sưu tầm những chất liệu lịch sử mà người làm phim cần đến (bối cảnh đời sống, trang phục, cảnh quan, sinh hoạt đời thường...). Một thời gian dài, giới làm sử chúng tôi chỉ mải tập trung vào lịch sử chính trị, lịch sử chiến tranh (thường là lý thuyết hơn là cụ thể).
Ta thấy, những nước làm phim lịch sử hay thường là những nước có một di sản lịch sử (vật thể và phi vật thể) rất phong phú và cùng thời gian nó lại tích lũy được không chỉ kinh nghiệm mà những công cụ (dịch vụ) rất chuyên nghiệp. Trong điều kiện hiện tại, nếu ai trong giới, đồng nghiệp với tôi đứng ra nhận làm “cố vấn lịch sử” thì tôi cho là... liều lĩnh và dễ làm hỏng chuyện hơn là giúp cho bộ phim hay hơn.
° Hiện nay, có 3 bộ phim truyện đang làm về vua Lý Công Uẩn, trong đó có 2 phim truyền hình và một phim nhựa. Điều mọi người lo lắng là tư liệu lịch sử ít nên hầu hết các nhà làm phim đều tự do “sáng tác” về trang phục, bối cảnh… nhưng đa phần đều phải nhờ đến bàn tay của các chuyên gia Trung Quốc nên bị ảnh hưởng nhiều phim lịch sử của Trung Quốc. Ông có ý kiến gì về việc này?
° Tôi thấy lạ là các phim còn đang trong giai đoạn các cơ quan xét duyệt theo quy định của pháp luật thì những thông tin và cả hình ảnh đã được đăng lên báo để khen chê. Mà tôi thấy nhiều lời chê rất cảm tính. Vả lại theo tôi hiểu, trong lịch sử do địa dư nước ta ở kề cạnh Trung Hoa, một nền văn minh đầy sức bành trướng, thêm nữa là luôn âm mưu đồng hóa thiên hạ... thì để tỏ rõ ý chí tự chủ các cụ nhà ta có 2 cách ứng xử, hoặc là khẳng định ta không giống phương Bắc (cương vực đã được phân chia, phong tục Bắc-Nam cũng khác...); hoặc là phương Bắc có gì ta cũng có... (Nam quốc sơn hà Nam đế cư, phương Bắc có hoàng đế thì phương Nam cũng có hoàng đế).
Thử nghĩ Lý Công Uẩn lên ngôi khi nền tự chủ của dân tộc ta, nếu tính từ Ngô Vương Quyền lập nhà Ngô sau chiến thắng Bạch Đằng (938) mới có 71 năm, vậy mà Lý Công Uẩn khoác lên mình phẩm phục như hoàng đế nhà Tống thì đấy cũng là một cách thể hiện, một bản lĩnh tự tin vào nền tự chủ của một quốc gia vừa thoát ra khỏi ách đô hộ hơn 1.000 năm bị coi chỉ là quận huyện của phương Bắc mà thôi.
Chúng ta còn biết rằng, Lý Công Uẩn lên ngôi rồi, triều đình phương Bắc còn tiếp tục răn đe chỉ chịu phong cho người đứng đầu nước Nam là “Giao Chỉ quận Tiết độ sứ”. Như thế việc dựng hình ảnh Lý Công Uẩn trong phim mặc phẩm phục thiên tử cũng có thể hiểu như một thông điệp về ý chí tự chủ chứ sao chỉ lo cụ “giống Tàu”? Giá trị của lịch sử ngoài tính chân thực còn mang cả tính ngụ ngôn nữa, nên cứ để các nghệ sĩ khai thác hơn là để các nhà sử học hay nhà báo bắt bẻ (mà chưa chắc đã đúng!). Xem kỹ mấy tấm hình thì thấy các nhà thiết kế cũng cố gắng đưa những họa tiết Việt trong trang trí phẩm phục của vua Nam chứ không đến nỗi mặc y nguyên áo của vua phương Bắc.
Nói như vậy nhưng chúng ta vẫn mong muốn sau này qua trải nghiệm, các nhà làm phim Việt Nam có thể tìm ra những giải pháp hay hơn, nhưng vào cái thời “khởi đầu nan” này, xin mọi người hãy cởi mở, khoan hòa hơn, cũng là bớt chủ quan hơn.
° Với lý do ta chưa đủ trình độ làm phim lịch sử nên có nhà sản xuất phải hoàn toàn trông cậy vào ê kíp thực hiện là người Trung Quốc. Theo ông, bộ phim liệu có mang được hồn sắc dân tộc Việt?
° Tôi nhắc lại ý ở trên, không chỉ vì trình độ chúng ta còn non kém mà còn vì nhà nước chưa quan tâm (bao nhiêu năm rồi mà không có nổi một phim trường, một sự đầu tư cho việc đào tạo nhân lực hay tích lũy tri thức...) nên theo tôi, việc học hỏi những nền điện ảnh có kinh nghiệm và có điều kiện là cần thiết, nhất là biết kết hợp với đào tạo. Trung Quốc trên lĩnh vực này là một nước có nhiều kinh nghiệm, điều kiện và gần với những vấn đề văn hóa và lịch sử Việt Nam, nếu biết khai thác sẽ rất thuận lợi. Họ có nhiều người tài trên lĩnh vực này, học được là điều đáng quý. Còn có “bị ảnh hưởng” hay không là do chính mình. Có mang được “hồn sắc dân tộc” hay không cũng do chính mình.
Vì chưa được xem phim nên chưa biết phim ta bị ảnh hưởng đến đâu, có những ảnh hưởng tốt mà cũng có ảnh hưởng không tốt, thậm chí ảnh hưởng xấu thì cứ xem rồi mới biết, đừng nên quá ồn ào khiến sau này chẳng ai dám làm thì biết bao giờ ta có phim của ta tự làm như mong muốn.
° Vậy các nhà sử học giữ vai trò như thế nào với một bộ phim lịch sử, thưa ông?
° Các nhà sử học nên khiêm nhường và riêng tôi nếu cần chỉ xin tư vấn cho những người làm phim những gì mình hiểu thực đích xác. Ai tự tin đứng ra viết kịch bản rồi, cũng xin tư vấn của những nhà biên kịch giỏi, như thế sẽ hiểu được cái khó của việc làm phim và sự chia sẻ sẽ hiệu quả hơn. Người làm sử có thể góp phần tốt hơn nếu quan tâm và bỏ công khảo cứu những vấn đề còn bỏ ngỏ mà người làm phim cần đến. Đương nhiên, cũng cần đến sự hợp tác và đầu tư của những nhà làm phim có ý định khai thác lâu dài thể tài này.
Nhà nước nên quan tâm nhiều hơn đến loại hình phim ảnh đáp ứng nguyên lý Cụ Hồ đã dặn: “Dân ta phải biết sử ta” một cách thiết thực và mạnh mẽ, hơn là chỉ hô hào “xã hội hóa”. Người xem nên cởi mở, rộng lượng đón nhận những nỗ lực “đầu tay” của những nhà “đầu tư mạo hiểm” khi bỏ tiền của và công sức vào thể tài khó nhưng rất có thể là màu mỡ nếu nghĩ đến việc lâu dài.
° Cảm ơn ông
NHƯ HOA (thực hiện)