
Sau hàng loạt vụ tai nạn chết người do các nhà thầu thi công thiếu các biện pháp an toàn, UBND TPHCM đã ra văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp bảo vệ an toàn tuyệt đối. Thế nhưng, ghi nhận của PV Báo SGGP 12 Giờ, trên địa bàn TPHCM vẫn còn nhiều công trình thi công chưa an toàn, rất dễ xảy ra tai nạn.
Phóng xe đạp… xuống ao

Tại công trình thi công nhánh 1, dự án nâng cấp mở rộng đường Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình), đơn vị thi công đã đào đường để lắp đặt công thoát nước nhưng không có một biển cảnh báo hay rào chắn. Nhất là tại con hẻm gần bờ kênh Hy Vọng, đơn vị thi công đã đào một hố sâu gần 2m ngay ngã ba đường hẻm – đường Phạm Văn Bạch mà không có một biển cảnh báo nào. Đây là khu vực ánh sáng đèn đường yếu nên người dân đã sử dụng nhánh cây, vật dụng hỏng để cảnh báo cho người đi đường. Chưa hết, dọc theo bờ kè kênh Hy Vọng, công trình đang thi công nhưng không có rào chắn, nhiều trẻ em chơi đùa trong khu vực công trường rất nguy hiểm vì đá có thể lăn xuống bất cứ lúc nào.
Cách đây hơn 1 tuần Báo SGGP 12 Giờ đã phản ánh tình trạng thi công thiếu an toàn tại các công trường dọc theo bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã khiến cho người đi đường lọt cả người và xe xuống giếng. Thế nhưng, đến thời điểm này, trở lại các công trình này vẫn thấy các công trường được rào chắn rất sơ sài, một số rào chắn (đoạn đi qua quận 3 và quận Tân Bình), bị đổ nghiêng ngả nhưng đơn vị thi công vẫn không có biện pháp khắc phục.
Tại công trình thi công cầu vượt qua quốc lộ 1A (quận Bình Tân) đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, đất cát từ công trường thường xuyên vương vãi một lớp dày, kéo dài hàng trăm mét chiếm hết phần đường dành cho xe 2 bánh. Người dân nơi đây cho biết, đã có rất nhiều vụ xe máy trượt cát ngã. Nguy hiểm hơn, nhiều em nhỏ vào trong công trường để chơi và tắm trong những ao sâu đầy nước. Nhiều em nhỏ còn phóng xe đạp từ trên cao xuống ao nhào lộn như… xiếc.
Cần biện pháp mạnh
Theo thanh tra Sở GTVT TPHCM, hiện nay tình trạng các nhà thầu thi công rào chắn không an toàn đã trở nên phổ biến. Mặc dù đơn vị này thường xuyên kiểm tra xử phạt nhưng vẫn chưa cải thiện được tình hình. Đơn cử, 2 công trình đào đường trên đường Đinh Tiên Hoàng và Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) liên tục vi phạm và bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn không khắc phục.
Theo một cán bộ thanh tra phụ trách địa bàn, hiện nay phía thanh tra đã đề xuất đình chỉ thi công 2 công trình này cho đến khi khắc phục xong. Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Trần Hồng Nam cho biết, các nhà thầu thường xuyên vi phạm là Công ty liên danh xây dựng VIC, Liên danh xây dựng Dreco-Cienco 5, Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng Công ty xây dựng số 1… Các đơn vị trên, vi phạm các lỗi như: Thi công không an toàn, rào chắn ngã đổ, không đầy đủ biển báo, bảng công bố thông tin, không tái lập mặt đường theo quy định…
Chánh văn phòng Sở GTVT TPHCM, Đặng Thế Trung cho biết, hiện sở đang xây dựng lại các quy chế, quy định khi thi công các công trình chiếm dụng mặt đường. Tuy nhiên, chưa biết đến thời điểm nào thì ban hành. Đại biểu HĐNDTP Đặng Văn Khoa bức xúc, không phải bây giờ dư luận mới lên tiếng về việc công trình thi công thiếu an toàn gây chết người và việc chấn chỉnh không phải là quá khó vì nằm trong tầm tay của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và nhà thầu. Thế nhưng, họ cứ chần chừ, cho đến khi có tai nạn chết người mới chấn chỉnh. Ông Khoa cho rằng, cơ quan chức năng nên nhanh chóng bổ sung các quy định về thi công an toàn đối với các nhà thầu. Theo ông Khoa, nếu để xảy ra tai nạn chết người tại các công trường thi công không đảm bảo an toàn thì có thể xử lý hình sự.
Được biết, mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở - ban - ngành thành phố, Chủ tịch UBND các quận - huyện và giám đốc các Ban Quản lý dự án phải thường xuyên kiểm tra các công trường thi công do mình quản lý; yêu cầu các nhà thầu tăng cường các biện pháp phòng tránh, không để tai nạn, sự cố xảy ra; nghiên cứu xây dựng bổ sung các quy chế trong quản lý, các điều khoản trong hợp đồng về phân định trách nhiệm của các ban quản lý dự án, của nhà thầu và các đơn vị có liên quan trong việc bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động, an toàn giao thông tại các công trường. Đồng thời, chính quyền sở tại phải có trách nhiệm thông báo và thường xuyên nhắc nhở nhân dân phòng tránh tai nạn có thể xảy ra. Đơn vị nào để xảy ra sự cố gây tai nạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.
Theo thanh tra Sở GTVT TPHCM, tính đến 8-8, trên địa bàn thành phố có 204 công trình (thuộc 12 dự án) đang thi công trên 62 tuyến đường. Từ 2 đến 8-8, Thanh tra đã xử phạt 57 trường hợp với số tiền gần 150 triệu đồng. Đồng thời, Thanh tra cũng đã lập biên bản nhắc nhở 1.174 trường hợp, trong đó có 445 trường hợp không có người hướng dẫn khi thi công trong đường hẹp; 319 trường hợp không vệ sinh môi trường; 280 trường hợp vi phạm về rào chắn và biển báo… |
Hồ Thu
Thông tin liên quan:
>> Sau hàng loạt vụ chết người từ các công trình : Tai nạn vẫn rình rập
>> Từ các vụ tai nạn ở những công trình sai phạm: Cảnh báo vẫn chưa đủ
>> Thi công tại nơi công cộng không đảm bảo an toàn: Chết người vẫn chưa thành án?