7 năm sau, Cường trở về và bắt đầu gầy dựng thương hiệu thời trang mang tên mình. Cường nói, 10 năm không ngắn không dài, nhưng nhắc thì chợt giật mình. Mọi thứ ngỡ mới hôm qua…
The Muse 2 của Đỗ Mạnh Cường ngập tràn sắc đỏ. Từ trang phục khách mời, trang phục trình diễn cho đến sàn diễn ngập sắc hoa đỏ thắm. 30 cây hoa đào được dựng chi tiết và sống động như thật trên sàn diễn 1.700m² với hơn 100.000 cành. The Muse 2 không chỉ gợi nhắc những dấu ấn trên hành trình 10 năm làm nghệ thuật của Đỗ Mạnh Cường mà còn là sự hòa trộn giữa tinh thần phương Đông và sự phóng khoáng trong tinh thần nữ quyền - xu hướng chủ đạo của thời trang thế giới 2018. Tất cả yếu tố trên sàn diễn, từ âm thanh, ánh sáng (màu sắc ánh sáng, ánh sáng tự nhiên hay nhân tạo) đến cách trang điểm cho người mẫu, phụ kiện đi kèm (giày, túi xách, trang sức), bố trí ghế ngồi cho khách mời… đều trở thành một tổng thể hài hòa với bộ sưu tập và tinh thần thương hiệu.
Đỗ Mạnh Cường và người mẫu trong đêm diễn The Muse 2. Ảnh: KIẾNG CẬN
Sự chân thật của sàn diễn còn được chuyển tải từ những đầu tư, chăm chút rất nhỏ. Đất và cỏ dưới gốc cây đều là thật, điểm xuyến hoa rơi. 20 cây đèn spacelight 6.000W chuyên dùng quay đại cảnh ngoài trời đã trải ra trước mắt người xem khu vườn dịu dàng dưới nắng mai, lảnh lót tiếng chim. Là người chịu khó đầu tư phong cách cá nhân, Đỗ Mạnh Cường liên tục biến ảo trong những không gian trình diễn khác nhau, mang đến bất ngờ liên tục. Nếu tại show Countryside, Cường không ngại huy động 40 tấn rơm trải đều 62m sàn catwalk, tạo khung cảnh làng quê yên ả, tương ứng với chủ đề của bộ sưu tập thì đến show Thu Đông 2016, anh dùng sàn gỗ kết hợp với những khối cầu kim loại và thanh sắt uốn lượn, ánh sáng xanh huyền ảo làm nổi bật các trang phục trình diễn. Cường là nhà thiết kế đầu tiên thay đổi và mang lại góc nhìn mới cho không gian trình diễn, đưa sàn diễn thời trang Việt đến gần hơn các sàn diễn thời trang thế giới.
Nhắc đến Đỗ Mạnh Cường, người ta nhớ đến những ồn ào không đáng từ phát ngôn, những lùm xùm về ý tưởng, nhưng cũng cần nhắc đến những đóng góp của Cường cho thời trang Việt. Thời trang là sự thể hiện cá tính, cái tôi của người sáng tạo. Cái tôi của Cường quá mạnh, dễ khiến người khác bị dội ngược. Nhưng thẳng thắn mà nói, những gì Cường đã làm xuất phát từ tình yêu mãnh liệt, từ khát vọng được làm một cái gì đó bứt phá khỏi xung quanh. Nó có cả gian nan, những giọt nước mắt và những lần rã rời.
“Tôi không yêu nghề này ngay từ lúc đầu, nhưng càng làm càng gắn bó. Và một khi đã kết dính thì tôi luôn bị thôi thúc phải làm cái gì đó thật mới mẻ, thật khác biệt, chưa ai nghĩ tới” - Đỗ Mạnh Cường
Thuở nhỏ, giấc mơ của Cường là trở thành người viết báo, phản biện những vấn đề xã hội. Nhưng thi 3 lần vẫn không đậu, chán nản, anh thi vào trường mỹ thuật để học về thiết kế thời trang. Học đến năm thứ 2 mà vẫn nuối tiếc vì giấc mơ không thực hiện được. Gia đình lúc nào cũng lo lắng, không biết tương lai Cường sẽ làm cái gì để sống. Duy nhất mẹ anh tin tưởng vào con trai, động viên anh sang Pháp học.
Trở về, Cường chân ướt chân ráo vào nghề, cũng là thời điểm Đẹp Fashion Show tạo thành chuỗi hiệu ứng vang dội trong làng thời trang Việt. Ao ước “một ngày nào đấy thiết kế của mình sẽ được xuất hiện” trên sàn diễn Đẹp của Cường được thỏa nguyện. Tiếp nối là Elle Fashion Show. Giai đoạn đó, Đỗ Mạnh Cường là cái tên ai cũng muốn mời xuất hiện trong sự kiện. Thành công quá lớn của một cá nhân thường lấn át cá nhân khác, thậm chí gây khó chịu cho những người xuất hiện cùng. Huống chi, Cường lúc nào cũng tự tin quá mức và tỏ vẻ bất cần, lại chẳng khéo léo trong giao tiếp.
Một đơn vị từng hợp tác bày tỏ rằng, nếu không có họ thì không có Cường. Lòng tổn thương khi công sức bị phủi sạch trơn và sự tự ái của tuổi trẻ thôi thúc, Cường vét hết tiền dành dụm làm show đầu tay mang tên The Muse (Nàng thơ). Đó là năm 2012.
Nhắc lại những kỷ niệm này, Cường cười: “Nghĩ hồi đó mình liều quá trời! Trình diễn xong, bụng bảo dạ, một lần duy nhất không làm show nữa. Cũng không biết xong show này sẽ sống sao vì bao nhiêu tiền để dành đổ hết vào đó. Trời thương sao khách hàng đón nhận tích cực, tôi không chỉ thu hồi được vốn mà còn có thêm động lực làm những show tiếp theo”. Cứ thế, mỗi năm hai mùa, Cường đều đặn trình làng bộ sưu tập mới. Mỗi mùa mỗi xu hướng, đầu tư cẩn trọng và rất “chịu chơi”.
Càng đi, càng trưởng thành. Cường tâm sự: “Chính thị trường và khách hàng đã dạy cho tôi nhiều bài học đáng quý. Với tôi bây giờ, khái niệm đẹp - xấu không còn ảnh hưởng nữa, bởi nó vô hình và mỗi người có những tiêu chuẩn riêng cho mình. Điều quan trọng nhất là làm sao khách hàng khoác lên người thiết kế của tôi, họ thấy thoải mái, được tôn vinh từng đường nét trên cơ thể. Hiệu quả kinh tế là câu trả lời xác đáng nhất khiến tôi quan tâm”.