
Là nhà thơ nổi tiếng, từng là Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam khóa VII, Vũ Quần Phương (ảnh) còn là nhà lý luận phê bình văn học sắc sảo.
Đầu năm 2015, tập phê bình - tiểu luận Bóng mát dọc đường xa của ông đã được Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương trao giải A. Đây là một bức tranh mang tính khái quát về thơ đương đại, khi ông bình tĩnh nhìn lại, phát hiện và phản biện nhiều tác giả và tác phẩm đã và đang định hình trong đời sống văn học. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông.

Phóng viên: Đâu là thế mạnh của nhà thơ khi viết phê bình, thưa ông?
Nhà thơ VŨ QUẦN PHƯƠNG: Người làm thơ viết phê bình thơ có cái lợi như ông đầu bếp nếm món ăn, nhận ra cái ngon, bổ của món, biết chỗ tinh tế, chỗ sáng tạo của cách nấu và tài năng chọn lựa nguyên liệu của người nấu. Nấu ăn hay làm thơ, làm nhạc... đôi khi có hiện tượng ăn thấy ngon, đọc thấy thích, nghe thấy hay mà thật ra công chế biến, sáng tạo và giá trị nguyên liệu lại không nhiều. Ngược lại có khi chưa hợp khẩu vị số đông mà công chế biến lại rất sáng tạo, nguyên liệu lại quý hiếm. Người phê bình có sáng tác thường biết được các chỗ bếp núc ấy nên dễ chia sẻ với đồng nghiệp và bạn đọc.
Vốn là nhà thơ sớm thành danh, ông khởi đầu viết phê bình văn học từ bao giờ và với tác phẩm nào?
Tôi bắt đầu viết phê bình vào khoảng đầu thập niên 70 thế kỷ trước. Anh Vương Trí Nhàn, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân Đội đặt và động viên tôi viết một bài về tập thơ Xuân Sách. Bài in ra, được các bạn viết và mấy bậc đàn anh khuyên nên viết tiếp. Có lần tôi viết bài về Xuân Diệu, anh Xuân Diệu đạp xe tới nhà tôi, bảo: Anh không tính chuyện chú khen chê, nhưng những chỗ “lắt lẻo cánh gà” chú hiểu và viết được. Rồi anh động viên tôi từ kinh nghiệm của anh. Anh kể: “Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du (1965), mình có tham luận. Được nhiều anh chị, kể cả giới phê bình, lưu tâm và khuyên viết tiếp. Thế là mình dọn thêm ngôi hàng phụ là phê bình. Khách đến đặt bài đông hơn ở ngôi hàng chính là thơ. Có điều làm phê bình là cái anh đi che lọng cho thiên hạ. Mình không ngại nhưng cũng phải chọn mặt mà che. Thế là mình “gặm dần” các cụ cổ điển”.
Sau đó, tôi chuyển công tác từ Bộ Y tế sang Đài Tiếng nói Việt Nam, buổi “Tiếng thơ” thì cũng phải đụng vào phê bình trong mục “Nói chuyện thơ”. Thế là công việc nó tạo nên mình.
Tập phê bình và tiểu luận “Bóng mát dọc đường xa” là một hiện tượng độc đáo trong đời sống lý luận phê bình văn học thời gian qua. Bằng cái nhìn chủ quan của tác giả, ông thấy tác phẩm của mình có những điểm khác biệt nào so với những cuốn sách cùng thể loại hiện nay?
Tập phê bình Bóng mát dọc đường xa tập hợp một số bài viết gần đây. Có bài về nhiều tác giả nổi tiếng hoặc đã quen biết với độc giả, cũng có bài về các tác giả từ phong trào. Tập này ít được giới cầm bút chú ý vì nó in và phát hành như sách giáo khoa, nhưng được viết khá công phu vì toàn là các tác giả tiêu biểu. Tôi chắc cuốn ấy sẽ giúp ích được với các bạn nhà giáo và học sinh, sinh viên.
Với tôi, đây cũng là một cuộc nếm văn chương. Nếm cho ra vị ở từng tác phẩm và tác giả rồi nói ra rõ ràng mạch lạc những gì mình thấy để bạn đọc kiểm chứng và chấp nhận, cùng cảm cùng nghĩ với mình, tin mình. Tôi hay đi nói chuyện thơ trực tiếp với bạn đọc nên cũng có dịp phán đoán các tác động nhận định của mình. Mạch lạc rõ ràng cả khen lẫn chê, nếu vui nữa dễ được bạn đọc, bạn nghe hưởng ứng. Còn chỉ ra nhược điểm của tác phẩm thì bao giờ cũng cần, chí ít nó tạo nên niềm tin ở bạn đọc. Việc ấy dễ mà khó. Dễ vì nhìn ra chỗ chưa đạt, tôi chắc nhiều người đều nhìn thấy, nhưng nói ra thế nào để tác giả không buồn, không bực là khó lắm. Tôi khắc phục bằng sự đồng cảm của tác giả. Cuộc đời có những chỗ khó thấy, thấy rồi cũng khó viết, viết ra cũng khó được tiếp nhận. Xuân Diệu khi dùng thành ngữ “lắt lẻo cánh gà” có lẽ muốn nói đến ý đó. Tôi quan niệm làm phê bình chủ yếu là nói cái hay, để bạn đọc hưởng thụ, như mời người ta ăn món ngon. Chỗ dở có nói cũng để tôn vinh chỗ hay và tri kỷ với tác giả, phát hiện ra cái hay, nhất là ở những người viết chưa tiếng tăm. Cảm nhận thơ vốn rất cảm tính, chính vì vậy cần khoa học và lòng thương tài.
Tôi cố tránh cách khen chê đại ngôn, chung chung nên phải đọc kỹ. Tôi viết chậm cũng vì vậy. Tôi có cảm giác, nếu không phải thì xin các bạn thứ lỗi, là thơ hôm nay in nhiều nhưng ít được đọc kỹ, ngay cả thơ của các nhà thơ với nhau.
Trong tập sách có bài “Đọc lại Tố Hữu 2010” rất đặc biệt. Đặc biệt hơn, ngoài những giá trị cũ mà ông có cách nhìn mới thì ông còn phản biện một số vấn đề “nhạy cảm” trong thơ Tố Hữu?
Khi tôi nói tới sáu câu thơ đầu bài Tiếng hát sông Hương là con thuyền và cái bóng của nó in trên dòng sông yên tĩnh. Sông yên tĩnh mà đời người trên sông đầy bão gió. Anh Tố Hữu hồn nhiên thích thú: Mình giỏi hí, thế mà mình không nhận ra. Khi tôi nói về anh bộ đội khi xa mẹ mà nói “Xa bầm con lại có bao nhiêu bầm” dễ làm bà mẹ tủi thân (nói với vợ thế thì toi). Đây là Tố Hữu nói để cổ vũ tình quân dân và đặt vào miệng anh bộ đội xa nhà.
Hiểu quan niệm thơ của Tố Hữu như vậy nên tôi cứ viết những cái hay và chưa hay của ông rất tự nhiên. Cũng có người bắt bẻ: Cả nước thích Tố Hữu sao anh lại chê (!). Tôi chả biết thưa lại thế nào, đành im. Mà tôi đâu có chê Tố Hữu, chỉ chê phần nào đó trong thơ ông.
Đó cũng là bản lĩnh cần có của một nhà phê bình. Ông vừa làm thơ vừa viết phê bình văn học, trải nghiệm từ Á sang Âu, Mỹ. Một cuộc đời tài hoa và sôi động. Nhìn lại sự nghiệp trước tác của mình, ông tự đánh giá ra sao?
Tuổi tôi nay đã lớn. Đã được sống qua nhiều thời cuộc, chiêm nghiệm thăng trầm thời thế và thân phận con người. Có điều trong việc văn chương mỗi ngày lại thấy rõ hơn điều mình cần nói, chỗ mình cần hoàn thiện. Càng dài tuổi đời, bài thơ như càng ngắn lại và điều mình gửi gắm cũng sâu hơn, rõ hơn. Tôi hay nhận được thư bạn đọc nhận xét về thơ tôi. Nhiều ý sâu sắc lắm. Khen nhiều nhưng cũng có lời chê thẳng thắn và sửa giúp tôi nữa. Trước hết xin đa tạ tấm lòng bạn đọc. Tôi bây giờ vẫn ham viết. Thấy có thể đụng vào nhiều thứ: thơ, tản văn, hồi ký, phê bình, bình thơ và muốn lắm làm tuyển tập thơ thế kỷ 20, tập hợp được tất cả các tác giả Việt có tình cảm Việt, nỗi lòng Việt.
HÙNG PHAN (thực hiện)