Chiều 14-4, Cục Xuất bản và Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức cuộc gặp gỡ nhà văn, nhà báo Hellmut Kapfenberger, tác giả người Đức đầu tiên xuất bản cuốn sách nghiên cứu sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tên gọi “Hồ Chí Minh - Một biên niên sử”.
Là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Đức, ông Hellmut Kapfenberger, 77 tuổi, là một trong những người xuống đường những năm 1965-1970 để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Ông từng công tác ở Việt Nam với tư cách là phóng viên Hãng thông tấn CHDC Đức và một số báo khác. Ông cùng vợ là những người Đức đầu tiên bước qua sông Bến Hải trên cây cầu Hiền Lương vào năm 1973.
Kỷ niệm và tình yêu đất nước, con người Việt Nam là động lực thôi thúc ông tiếp tục nghiên cứu viết về Việt Nam cho đến nay mà cuốn “Hồ Chí Minh - Một biên niên sử” là một trong những công trình đó. Với nguồn tư liệu tham khảo phong phú gồm 25 chương và một biên niên sử tóm tắt về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả đã tái tạo lại tiểu sử của một nhân vật phi thường nhưng rất đỗi giản dị.
Thành công của tác giả trong cuốn sách này là lối viết đậm chất trí tuệ, hiểu biết sâu sắc về lịch sử hiện đại của Việt Nam và thế giới, tình cảm yêu mến và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tình cảm hữu nghị dành cho đất nước và con người Việt Nam.
Hellmut Kapfenberger cho biết, ông đã mất gần 2 năm để hoàn thành cuốn sách mang tâm nguyện cả đời của mình. “Ngay từ những ngày đầu tiên đến Việt Nam những năm 1970, tôi đã tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về thân thế, sự nghiệp của Người và rất tiếc là tôi đã không có cơ hội để được gặp gỡ một người có nhân cách vĩ đại như Hồ Chí Minh”, ông nói.
Hellmut Kapfenberger cũng khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống cuộc đời hết sức khiêm tốn, giản dị. Tới cuối đời mình, Người vẫn từ chối nói về mình. Ngay cả những người bạn cùng chiến đấu và những đồng chí của Người cũng không biết nhiều về cuộc sống cá nhân của Người. Đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã rất hạnh phúc khi có một con người như vậy”. Năm 2008, khi một nhà xuất bản ở Berlin đề nghị ông viết về Hồ Chí Minh, Hellmut Kapfenberger đã nhận lời.
Trở lại Việt Nam sau nhiều năm xa cách, những ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam trong ông vẫn nguyên vẹn. Hellmut Kapfenberger tâm sự, nếu trước đây, thông tin về Việt Nam đã trở thành câu chuyện bàn luận mỗi sáng của người dân Đức thì nay, những tin tức về Việt Nam rất ít và chủ yếu là những thông tin về du lịch. Vì thế, với trách nhiệm để thế hệ kế tiếp biết nhiều hơn về Việt Nam, con người Việt Nam, ông Hellmut Kapfenberger cho biết sẽ tiếp tục viết tiếp hai cuốn sách bằng tiếng Đức với tên gọi “Mối quan hệ Đức - Việt” và “Đường mòn Hồ Chí Minh”.
Trong chuyến sang thăm và làm việc tại Việt Nam lần này ông sẽ thực hiện hành trình trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử và gặp gỡ các nhân chứng đã gắn liền với sự ra đời và tồn tại của tuyến đường huyết mạch này.
Hellmut Kapfenberger tâm sự, năm 1984 ông có cơ hội trò chuyện với tướng Võ Bẩm, Đoàn 559, người được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao quyết định mở đường mòn Hồ Chí Minh. “Rất tiếc, vị tướng ấy không còn nữa, nhưng tôi đã được gặp nhiều người khác như tướng Đồng Sĩ Nguyên và đã được cung cấp nhiều tư liệu quý báu”, Hellmut Kapfenberger cho biết.
Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhà báo Hellmut Kapfenberger đã thay mặt Gerhard Romel, một nhà điêu khắc người Đức, trao bức phù điêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng tặng bảo tàng.
VĨNH XUÂN
- Thông tin liên quan:
>> Tác giả cuốn sách “Hồ Chí Minh - Một biên niên sử” tới Việt Nam