Đã bước sang mùa thứ tư, hòa nhạc Luala mang âm nhạc cổ điển ra diễn ở vỉa hè phục vụ miễn phí công chúng. Tại vỉa hè trước cửa Luala Milano (số 61, phố Lý Thái Tổ, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), năm nay chương trình sẽ diễn ra từ ngày 15-11 đến 13-12 với buổi diễn vào chiều chủ nhật hàng tuần, từ 15 đến 17 giờ.
Trong mùa thu đông này, hòa nhạc Luala đưa khán giả trở về không gian âm nhạc cổ điển quen thuộc với sự xuất hiện của các nghệ sĩ dàn dây và dàn kèn. Chương trình năm nay được đầu tư đặc biệt về chất lượng với các tác phẩm được lựa chọn kỹ càng, bài bản, một số tác phẩm lần đầu tiên được trình diễn trước công chúng. Các nghệ sĩ đã tập luyện hăng say suốt 2 tháng qua để chờ ngày khai diễn.
Hòa nhạc Luala mang âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng.
Năm nay, hòa nhạc Luala sử dụng rất nhiều nghệ sĩ trẻ, có người đang là sinh viên nhưng rất tài năng và đoạt nhiều giải thưởng quốc tế như Ngô Phương Vi. Lần đầu tiên tham gia hòa nhạc Luala, nghệ sĩ piano Ngô Phương Vi tâm sự rằng chị rất hứng khởi vì “được chơi nhạc trong không gian thoáng, mở để mang âm nhạc cổ điển đến với công chúng nhiều hơn, nhất là với giới trẻ”.
Trong những chuyến đi châu Âu công tác, ông Đỗ Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn DX, nhà tổ chức chương trình - rất thích dạo bước ở những quảng trường vào chiều cuối tuần. Ở đó thường xuyên có những nhóm người chơi nhạc cổ điển, những nhạc công đường phố sống bằng nghề chính là đánh đàn dạo, có những sinh viên đi thực tập, có người chơi cho vui. Những dàn nhạc danh tiếng như dàn nhạc giao hưởng Paris (Pháp) cũng thường xuyên có những buổi hòa nhạc ngoài trời trong không gian mở. Lúc mang ý tưởng trình bày với mọi người, ông Minh gặp đủ cung bậc lắc đầu. Người lo thời tiết mưa nắng thất thường, kẻ dè bỉu mang nhạc bác học quăng giữa chốn khói bụi xô bồ là hạ giá nhạc cổ điển, người mỉa mai đến vào nhà hát mà khán giả Việt Nam vẫn còn nói chuyện oang oang, để điện thoại di động réo inh ỏi thì mong gì… Nhưng không làm thì chẳng bao giờ biết. Thế là ông Minh quyết định làm.
Hòa nhạc Luala ra mắt đúng ngày kỷ niệm 100 năm khánh thành Nhà hát Lớn Hà Nội (11-11-2011). Nhạc mục của chương trình là những tác phẩm kinh điển nhưng lại rất dễ nghe với các giai điệu đẹp, phù hợp với đại chúng. Và chỉ trong hai tuần, những khán giả của hòa nhạc Luala đã biết về chương trình, đến từ rất sớm, lấy chỗ và trong suốt chương trình họ thưởng thức rất nghiêm túc. Nghệ sĩ cello Trần Thị Mơ nhớ lại: “Lần đầu tiên xách đàn ra hè phố, tôi cũng rất ái ngại bởi lo mình sẽ bị chi phối bởi tiếng còi ô tô, xe máy, tiếng nói cười huyên náo của người đi lại... Nhưng rồi cứ thử và khi tiếng nhạc cất lên thì mình quên hết”. Những đồng nghiệp cùng tham gia hòa nhạc Luala với chị Mơ cũng vậy. Lúc nhạc trỗi lên thường thì chưa có ai, rồi sau một, hai bản, người qua đường dần tụ lại. Các nghệ sĩ bảo đây cũng là một bài tập hay. Người chơi phải trổ hết tài, hết sự cuốn hút mà mình có để níu chân người lại qua. Và khi nghệ sĩ thích chơi, khán giả thích xem, hòa nhạc Luala trở thành một chương trình thường niên được trông đợi.
Đương nhiên nghe nhạc cổ điển ở môi trường chuyên là tốt nhất khi không có âm thanh tạp. Tất cả đều đồng đẳng về trình độ thưởng thức. Xung quanh là những người ăn mặc lịch sự, tác phong lịch lãm… Nhưng không phải ai cũng có điều kiện làm việc ấy. Người bình thường bao giờ cũng đông hơn và ta hoàn toàn có thể làm gì đó để họ có thể tiếp cận nhạc cổ điển sống. Ai cũng có cơ hội nghe nhạc cổ điển do những nhạc công chuyên nghiệp chơi. Biết vậy nên hòa nhạc Luala đã kéo thứ âm nhạc bác học vốn kén người nghe và thường được diễn trong không gian trang trọng ấy xuống phố để tới gần công chúng.
TUẤN HOÀNG