Nhạc kịch và chủ đề bạo lực, khủng bố

Nhạc kịch và chủ đề bạo lực, khủng bố

Có ý kiến cho rằng thật điên rồ khi kết hợp thơ ca với bạo lực. Nhưng thơ ca và bạo lực thực tế không đối đầu mà còn kết duyên với nhau. Nếu ai đã đọc Homer hay Ramayana sẽ thấy rõ điều này. Một minh chứng mới trong cuộc sống hiện đại là ý tưởng kết hợp giữa… đánh bom liều chết với opera đã tạo ra một tác phẩm có giá trị.

Diễn viên Omar Ebrahim trong vai Babur.

Diễn viên Omar Ebrahim trong vai Babur.

"Tên tôi là Mo (viết tắt của Mohammed), là thế hệ nhập cư thứ 2, 28 tuổi, bị tước quyền công dân và được giáo dục tốt. Mẹ tôi là người Ấn trắng nhưng tôi là người Pakistan. Cha tôi có một cửa hàng nhỏ và tôi làm việc cho ông. Tôi nợ Umma (từ chỉ cộng đồng Hồi giáo) lòng trung thành của mình. Quốc gia của tôi là Cộng hòa Hồi giáo”.

Đó là tiếng hát của Mo, một trong 4 kẻ đánh bom liều chết trong vở nhạc kịch Babur. Lời ca của Mo là sự đột phá táo bạo trong opera: mượn lời nhạc kịch để bàn về chủ nghĩa khủng bố hiện đại cũng như là những di sản của lịch sử Ấn Độ cổ đại. Vở nhạc kịch được đặt tên Babur, một chiến binh đã sáng lập ra đế chế Mughal ở Ấn Độ vào thế kỷ 16, một lãnh chúa nổi tiếng tàn bạo và cũng là một nhà thơ thiên tài.

Vở diễn này ra mắt lần đầu tiên ở Zurich, Thụy Sĩ, hồi đầu năm nay. Nó kể về cuộc sống của 4 phần tử cực đoan mang dòng máu Anh - châu Á sống ở ngoại ô London là Mo, Faiz, Nafisa và Saira. Họ đã gặp hồn ma của Babur và cùng ông tranh luận về Jihad (thánh chiến), chiến tranh, thế giới bên kia, luật cấm uống rượu của Hồi giáo và cuối cùng là hành động đánh bom liều chết. Năm nhân vật chính mặc trang phục truyền thống của đạo Hồi và quấn hijab (khăn đội đầu), còn các nhân vật phụ mặc đồ Tây. Khung cảnh sân khấu được bày trí hỗn loạn, vương vãi những mảnh vỡ khắp nơi.

Người đưa ra ý tưởng dàn dựng vở nhạc kịch là Jeet Thayil, một nhà thơ và nhạc sĩ Ấn Độ. Thayil đã dành nhiều năm đọc kịch bản các vở nhạc kịch viết về lịch sử, đồng thời nghiên cứu kinh Koran, ban đầu ông cố gắng hấp thu phần thơ trong đó, sau đó hệ thống lại các ý tưởng có thể đưa vào nhạc kịch.

Cao trào của vở nhạc kịch là phần tranh luận của những thanh niên có ý định đánh bom liều chết với Babur. Trong khi 4 người trẻ kể về kế hoạch đánh bom thì Babur lập luận để khuyên họ từ bỏ. “Thượng đế không giết người vô tội. Những chiến binh Jihad hiện đại đã hiểu sai sách Thánh. Tự tử là một tội lỗi và giết người là một tội lỗi. Trong mắt Thượng đế, các bạn là tội nhân” (lời đoạn nhạc của Babur).

Đội ngũ sản xuất đã nhận thức tính nhạy cảm và chính trị cũng như có thể vở kịch bị xem là giật gân câu khách nên phải mất một thời gian khá dài thảo luận với các học giả Hồi giáo và chuyên gia chống khủng bố, họ mới bắt đầu soạn nội dung và diễn tập. Trước những ý kiến cho rằng việc công diễn có thể khơi lại nỗi đau của thân nhân 52 nạn nhân của cuộc đánh bom ở London năm 2005, đạo diễn vở Babur, ông Fulljames phản bác đây là một chủ đề hợp pháp có thể đưa vào opera. Ông Fulljames nói: “Có thể chủ đề này có tính giật gân nhưng trong lần biểu diễn ở Thụy Sĩ, khán giả đã đón nhận tác phẩm như một sản phẩm nghệ thuật đẹp, ý nghĩa và tinh tế, chứng minh chúng tôi không hề thương mại chủ đề “nóng” để câu khách”.

Trước đây, đội ngũ sản xuất này cũng từng đưa nhiều vấn đề thời sự lên sân khấu opera, như vấn đề biến đổi khí hậu trong vở Seven Angels (2011) hay tình cảm và thể chất của bệnh nhân Alzheimer trong vở Lion’s Face (2010). Ông Fulljames nhận xét, opera dù là thể loại hàn lâm nhưng cũng là một phần của thế giới đương đại, vì thế, opera phải mang hơi thở hiện đại.

Thanh Hải

Tin cùng chuyên mục