Dù là những tác phẩm cũ được làm mới hay những sáng tác lần đầu được trình làng, nhiều ca khúc nhạc phim thời gian gần đây sau khi ra mắt đã tạo được hiệu ứng và nhiều phản hồi tích cực từ công chúng. Nhạc phim đã và đang góp phần quan trọng vào thành công của những tác phẩm điện ảnh.
Cơn sốt
Thời gian gần đây, ca khúc Còn tuổi nào cho em - một trong những ca khúc nhạc phim Em là bà nội của anh - thực sự đã trở thành cơn sốt đối với khán giả ái mộ điện ảnh và âm nhạc. Sáng tác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng thành công qua tên tuổi của nhiều giọng ca nổi tiếng nhưng qua phần thể hiện của ca sĩ - diễn viên trẻ Miu Lê được thổi làn gió mới. Em gái của cố nhạc sĩ, cô Trịnh Vĩnh Trinh, chia sẻ: “Miu Lê hát nhạc Trịnh rất hay và đầy tố chất của nhạc Trịnh, đúng phong cách Trịnh Công Sơn - Khánh Ly của thời xa xưa ấy mà gia đình rất trân trọng. Tôi nghĩ anh Sơn cũng rất vui”.
Miu Lê rất thành công với các ca khúc nhạc Trịnh trong Em là bà nội của anh.
Trước đó, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng tạo nên cơn sốt về âm nhạc. Ca khúc chính trong phim Thằng cuội (sáng tác Lê Thương) qua phần thể hiện của ca sĩ Ngọc Hiển được khán giả truyền tai nhau nghe. Vốn là ca khúc cũ nhưng Thằng cuội được hai nhạc sĩ Christopher Wong và Garrett Crosby đảm nhận phần hòa âm, phối khí đã thổi vào đó làn gió mới nhẹ nhàng, như đưa khán giả ngược về ký ức tuổi thơ. Dù không thật sự đình đám nhưng ca khúc cùng tên, sáng tác của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa qua phần thể hiện của Ái Phương với phần ca từ, giai điệu đồng điệu với bộ phim cũng nhận được nhiều lời khen ngợi.
Trong năm 2015, các ca khúc Tám chữ có, Đi qua bóng đêm (phim Cuộc đời của Yến) hay Giấc mơ đã qua (phim Quyên) cũng tạo nhiều hiệu ứng tương tự. Nét mộc mạc, giản dị cùng giọng hát như hơi thở của Lê Cát Trọng Lý dường như là chất xúc tác hoàn hảo góp phần đẩy đưa cảm xúc người xem đắm chìm vào thế giới của bộ phim. Trong khi đó, khi hình ảnh cô gái tên Quyên ngồi trên máy bay nhìn xa xăm về phía bầu trời hiện trên màn ảnh cũng là lúc giọng ca đầy chất tự sự của Trần Thu Hà vang lên khiến khán giả như nghẹn lòng lại.
Nhìn vào thực tế các ca khúc nhạc phim Việt Nam hiện nay, có thể thấy ngoài việc đặt hàng các nhạc sĩ sáng tác riêng những tác phẩm cho bộ phim của mình, nhiều ca khúc cũ có tuổi đời và đã in dấu trong lòng công chúng được sử dụng lại với những bản phối mới mẻ, văn minh. Trường hợp của Thằng cuội hay hàng loạt các ca khúc trong Em là bà nội của anh là ví dụ điển hình. Trong năm 2015, có thể kể tên các ca khúc nhạc phim mới được ra mắt: Hai cô tiên (phim Ngày nảy ngày nay), Có thật không tôi (phim Con ma nhà họ Vương), Trót yêu (phim Trót yêu), Bài tình ca cho anh (phim Cầu vồng không sắc)...
Âm nhạc và điện ảnh cùng thăng hoa
Không phải đến năm 2015 mà cách đây vài chục năm, đã có hàng loạt những ca khúc nhạc phim đi sâu vào lòng công chúng như: Giã từ dĩ vãng, Những nẻo đường phù sa, Chị tôi, Bài ca đất phương Nam, Mong ước kỷ niệm xưa... Những năm gần đây phải kể đến: Chờ người nơi ấy (phim Mỹ nhân kế), Lặng thầm một tình yêu (phim Để mai tính), Chắc ai đó sẽ về (phim Chàng trai năm ấy)... Sau thành công vang dội với doanh thu hơn 90 tỷ đồng, Em là bà nội của anh cũng ra mắt album bao gồm tất cả các ca khúc trong phim và nhạc nền của bộ phim. Trần Thu Hà cũng cho ra mắt MV với bối cảnh căn nhà tuyết trắng trong Quyên. Sự cộng hưởng này khiến cả ca khúc trong phim và bộ phim đều được hưởng lợi.
Không ít khán giả đến rạp chiếu ngoài nội dung bộ phim còn chờ đợi được nghe những ca khúc ấy vang lên trên màn ảnh rộng bởi lúc đó âm nhạc và điện ảnh cùng đồng điệu và thăng hoa. Từ điện ảnh, nhiều ca khúc đã có đời sống riêng mà không hề lệ thuộc hay hễ nhắc đến nó là phải nhắc đến tên bộ phim. Ca sĩ Phương Thanh với Giã từ dĩ vãng cho đến bây giờ vẫn được xem như cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp ca hát của chị. Không chỉ phim điện ảnh, mà nhiều bộ phim truyền hình, các album nhạc phim dù được phát hành từ rất lâu nhưng đến nay vẫn được khán giả yêu thích: Bỗng dưng muốn khóc, Ngôi nhà hạnh phúc...
Một thực tế, điện ảnh Việt hiện chưa có giải thưởng nào dành sự tôn vinh xứng đáng cho các ca khúc nhạc phim xuất sắc. Giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh - Cánh diều chỉ có hai hạng mục Âm thanh xuất sắc và Âm nhạc xuất sắc chứ chưa có giải Ca khúc trong phim hay nhất. Liên hoan phim Việt Nam - giải Bông sen vàng hay hàng loạt các giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ khác hiện cũng trống hạng mục này. Trong khi đó, những giải thưởng lớn trên thế giới: Oscar, Quả cầu vàng, BAFTA... ca khúc nhạc phim luôn có vị trí trang trọng tại mỗi lễ trao giải. Giới phê bình, mộ điệu âm nhạc và điện ảnh luôn có những phân tích, bình luận dự đoán về hạng mục này rất sôi nổi. Việc được các giải thưởng lớn tôn vinh cũng là bệ đỡ lý tưởng để các ca khúc, album nhạc phim này trở thành ăn khách. Album nhạc phim Let It Go (phim Frozen) từng bán ra hàng triệu bản và nhận giải đĩa bạch kim tại Mỹ.
Việc tôn vinh các ca khúc trong phim Việt là điều rất cần thiết như một sự công nhận đối với thành quả lao động của các nghệ sĩ đồng thời cho thấy, điện ảnh và âm nhạc luôn song hành.
VĂN TUẤN