
Dù tuổi đã ngoài tám mươi, nhưng khi nhắc về những kỷ niệm thời tham gia Cách mạng Tháng Tám, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn không giấu được vẻ hứng khởi.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu
Năm 1945, chàng thanh niên tuổi đôi mươi cùng với bạn bè trường Chấn Thanh (Đà Nẵng) hưởng ứng lời kêu gọi của non sông tham gia cách mạng, dù ý thức về “đấu tranh”, về “giai cấp” chưa thật rõ ràng.
Buổi ấy, những người trong đội Thanh niên xung phong như Phan Huỳnh Điểu đều được cấp một ngôi sao bằng thiếc sơn vàng, chia nhau đi khắp các địa phương thuộc Quảng Nam làm công tác tuyên truyền, dân vận, nay Tiên Phước, mai Quế Sơn. Một đoàn chỉ có 2, 3 người, vừa hô bài chòi, vừa đóng kịch, vừa làm triển lãm… tuy cực nhưng rất vui vì bà con ai cũng im lặng lắng nghe. Mọi người xem nhau như anh em ruột thịt, “củ khoai hạt gạo cũng bẻ làm đôi”, tình cảm rất thắm thiết.
Cũng vào thơiø gian này, bằng cây đàn mandolin, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã sáng tác những nhạc phẩm cách mạng nổi tiếng: bài hát “Giải phóng quân”, và sau đó là “Tuyên truyền xung phong” được chọn làm bài ca cho đội Thanh niên xung phong. Gặp chúng tôi, ông khẽ ngân nga mấy câu hát: “Người giải phóng quân một lần ra đi. Nào có sá chi đâu ngày trở về…”.
HẰNG VANG