
Chỗ đứng ở đây chính là vị trí của nhạc trẻ trong lòng khán giả. Khán giả đã tiếp nhận nhạc trẻ như thế nào?
Thực trạng: Những tồn đọng...

Ca sĩ trẻ Phương Trinh cùng tốp múa phụ họa. Ảnh: AN DUNG
Trên thị trường âm nhạc hiện nay, nhiều nhạc sĩ trẻ giỏi cả về sáng tác lẫn hòa âm, phối khí… nhưng tỷ lệ người giỏi với những tác phẩm có sức sống với thời gian vẫn còn hết sức khiêm tốn. Phần nhiều tác giả vẫn chạy đua theo dòng nhạc thị trường với những ca khúc “mì ăn liền”, nên bị đào thải rất nhanh.
Ban kiểm tra của Hội Âm nhạc TPHCM cũng từng hòa giải nhiều vụ tác phẩm mới của nhạc sĩ này “có vẻ giống” tác phẩm của một tác giả khác. Sự nhái khéo, làm lại, hay “vô tình” giống các tác phẩm đã có trước đó từ trong nước đến Hồng Công - Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu hay châu Mỹ... đã làm cho dòng nhạc trẻ thiếu vắng sự sáng tạo chân chính.
Cũng trong xu thế mới, các công ty đào tạo ca sĩ đua nhau ra đời phục vụ nhu cầu “người người làm ca sĩ, nhà nhà làm ca sĩ”. Từ đây, nhiều gương mặt ca sĩ trẻ xuất hiện, được đầu tư trang bị từ A đến Z nhưng vấn đề thiết yếu nhất là chất giọng, lại non yếu.
Khán giả cũng là một nhân tố cùng các nhạc sĩ, ca sĩ tạo nên một dòng nhạc trẻ. Tại buổi tọa đàm “Văn hóa nghe nhìn trong công chúng TPHCM đối với các chương trình ca nhạc” do Viện Nghiên cứu xã hội TPHCM tổ chức, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến đã đặt ra một câu hỏi thú vị: “Hãy xem lại khán giả của nhạc trẻ là ai?”. Họ là người trẻ tuổi, xuất thân từ nhiều tầng lớp, đến từ nhiều tỉnh thành, năng động, nhạy bén, dễ tiếp cận và dễ bị ảnh hưởng bởi các loại hình nghệ thuật, nhất là âm nhạc.
Rất dễ nhận thấy chỉ có khán giả trẻ mới chịu bỏ hàng giờ để sưu tầm, thưởng thức các chương trình ca nhạc, băng đĩa nhạc. Nhưng, không phải ai mê nhạc đều có thể cảm nhận sâu sắc các thể loại nhạc.
Muốn cảm thụ tốt âm nhạc cần phải có thẩm âm tốt và trải qua quá trình được giáo dục, đào tạo âm nhạc từ nhỏ. Trong khi đó, vấn đề đào tạo âm nhạc tại Việt Nam đối với các học sinh phổ thông vẫn chưa được xem là một trong những môn học quan trọng. Vì thế, trong khán giả trẻ xuất hiện những lỗ hổng kiến thức âm nhạc, dẫn đến việc họ cảm nhận âm nhạc bằng sự hiểu biết có chừng mực.
Giải pháp nào để nâng chất?

Nhạc sĩ trẻ Võ Thiện Thanh (bìa phải) nhận giải Cống hiến Âm nhạc 2007 tại TPHCM. Ảnh: A.DUNG
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ TPHCM, chia sẻ: “Nhạc sĩ trẻ ngày nay có nhiều người chưa học qua trường lớp nhưng có thể chơi nhiều loại nhạc cụ, giỏi về công nghệ thông tin, tiếng Anh, nắm bắt nhanh nhạy các trào lưu âm nhạc trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, muốn đi theo con đường âm nhạc thì cần học trường lớp bài bản. Tuổi trẻ hôm nay mạnh bạo, thoải mái hơn trong cuộc sống nên trong các sáng tác cũng xuất hiện ca từ quá tự nhiên chủ nghĩa thậm chí dễ dãi, dung tục”.
Với tác phẩm thiếu chất lượng, sẽ làm lệch lạc thẩm mỹ, tư duy khán giả thì trách nhiệm trước hết là ở chính nhạc sĩ. Chính những sáng tác của họ thể hiện những tri thức văn hóa và tính thẩm mỹ của họ. Vì vậy, mỗi tác giả phải tự khắt khe và không ngừng học hỏi để nâng cao chất lượng sáng tác. Hội Âm nhạc TPHCM thỉnh thoảng vẫn tổ chức các buổi tọa đàm để tạo điều kiện cho các nhạc sĩ trao đổi nghiệp vụ nhưng nhạc sĩ trẻ tham gia rất ít.
Bên cạnh đó, việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc trong trường phổ thông nên được coi trọng hơn nữa vì đó là nền tảng mang tính chất lâu dài và cơ bản nhất của mọi dân tộc trong việc nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của công chúng.
Một số nét mới của dòng nhạc trẻ hiện nay là sự xuất hiện hàng chục ban nhạc rock trẻ biểu diễn trong nhiều chương trình như: Festival các ban nhạc nhẹ toàn quốc Superband 2007, Đại tiệc Rock Tiger Unite 08, Đêm Sài Gòn rock 1, 2… đã thu hút hàng chục ngàn khán giả. Các chương trình giới thiệu các ca khúc mới như Album vàng, Bài hát Việt được tổ chức định kỳ đã giới thiệu rộng rãi đến công chúng yêu nhạc hàng trăm tác phẩm mới của tác giả trẻ.
Dù những chương trình này chưa thật sự giới thiệu được những tác phẩm âm nhạc ấn tượng và độc đáo để có thể tạo điểm nhấn, đại diện cho một dòng nhạc thế hệ trẻ ngày nay, nhưng các chương trình trên cũng phần nào thể hiện được vai trò là nhịp cầu nối giữa tác phẩm – ca sĩ – khán giả. Ít nhiều góp phần định hướng thị hiếu nghe nhạc cho công chúng trẻ.
Thúy Bình
Chúng tôi đã thử thực hiện một cuộc trắc nghiệm nhỏ với 100 bạn trẻ 17 – 30 tuổi, gồm diễn viên Đoàn nghệ thuật Múa rối TPHCM, học sinh Trường THPT Hùng Vương, công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, thợ sửa xe gắn máy, thợ uốn tóc ở quận 10, cùng một số sinh viên, công nhân viên chức… và được kết quả: có 82% thích nhạc trẻ, số còn lại chọn dòng nhạc dân ca, nhạc tiền chiến, nhạc trữ tình và nhạc cách mạng để giải trí. |