
Trong tour biểu diễn lần đầu tiên ở Việt Nam, 9 nghệ sĩ trong dàn nhạc thính phòng Hafnia phối hợp với 8 nghệ sĩ trẻ tài năng của Dàn nhạc thính phòng Nhạc viện Hà Nội, trong đó có 7 nghệ sĩ đàn dây và nghệ sĩ flute nổi tiếng Lê Thư Hương để làm nên những đêm nhạc sang trọng.
Dàn nhạc thính phòng Hafnia (Đan Mạch) được thành lập vào mùa hè năm 2005. Ý tưởng ban đầu của những người sáng lập chính là cống hiến cho thủ đô Đan Mạch một dàn nhạc dây, là sự kết hợp kinh nghiệm của các nhạc công trẻ từ các dàn nhạc chuyên nghiệp quốc tế với các sinh viên đầy tài năng trong tất cả các lớp Solist của Nhạc viện Hoàng gia Đan Mạch. Dàn nhạc gồm 16 thành viên, chủ yếu biểu diễn các tác phẩm dành cho dàn nhạc dây từ cổ điển cho đến đương đại.

Nhạc trưởng Simon Casali-Krzen-towski trong chương trình “Gặp gỡ Đông – Tây” tại Nhạc viện TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
3 buổi hòa nhạc của chương trình “Gặp gỡ Đông - Tây” tại Hà Nội (13-12), Huế (16-12) và TPHCM (18-12), các nghệ sĩ đã cống hiến cho công chúng Việt Nam những tác phẩm kinh điển của Wolfgang Amadeus Mozart (1765-1791), Johann Sebastian Bach (1683-1750), Peter Ilich Tchaikovsky (1840-1893), Carl Nielsen (1865-1931).
Trong niềm hân hoan với thành công của chuyến lưu diễn thú vị, anh Simon Casali-Krzentowski - Nhạc trưởng kiêm Giám đốc Nghệ thuật Dàn nhạc thính phòng Hafnia - đã trò chuyện với chúng tôi.
- Xin chúc mừng anh và dàn nhạc đã có chuyến lưu diễn chiếm được nhiều cảm tình của công chúng Việt Nam! Xin anh cho biết, ý tưởng của chương trình “Gặp gỡ Đông – Tây” xuất phát như thế nào?
- Tôi và nghệ sĩ flute Lê Thư Hương có may mắn được học chung với nhau ở Nhạc viện Hoàng gia Đan Mạch từ năm 2001-2005. Trong thời gian đó, chúng tôi đã biểu diễn cùng nhau, gặp nhau ở nhiều điểm tương đồng nên trở thành bạn thân. Giữa năm 2007, Hương xin được tài trợ của Quỹ hỗ trợ phát triển Đan Mạch – Việt Nam. Nghe chị báo tin, chúng tôi ngay lập tức nảy sinh ý tưởng tổ chức những đêm nhạc hòa hợp Đông - Tây, giữa các nghệ sĩ của Dàn nhạc thính phòng Hafnia và Dàn nhạc thính phòng Nhạc viện Hà Nội.
* Qua những buổi tập và diễn, anh đánh giá thế nào về các cộng sự Việt Nam?
- Nghệ sĩ trẻ Việt Nam đầy nhiệt huyết và có phong cách làm việc chuyên nghiệp nên chúng tôi nhanh chóng tìm được tiếng nói chung. Những buổi tập của chúng tôi diễn ra trong không khí rất vui vẻ, thân tình. Và chúng tôi đã có ba đêm diễn thành công. Đặc biệt khán phòng của Nhà hát Lớn Hà Nội đầy ắp công chúng đến thưởng thức.
* Ở Huế, người dân còn rất xa lạ với nhạc thính phòng. Các anh có “liều lĩnh” không khi tổ chức hòa nhạc giao hưởng ở Huế?
- (Cười) Khi biết ý định tổ chức đêm hòa nhạc ở Huế, rất nhiều người đã cảnh báo chúng tôi về thất bại của chương trình: khán phòng không đạt tiêu chuẩn, người dân không thích nghe nhạc cổ điển v.v... nhưng không thử thì làm sao biết được, vậy nên chúng tôi vẫn quyết định mạo hiểm. Vào Huế, chúng tôi in tới 300 poster mang đi dán ở khắp các cổng trường đại học, khu công cộng và quyết định không bán vé. Thật tuyệt, có tới gần 400 khán giả đến thưởng thức đêm nhạc.
Nhiều người mới đi nghe nhạc giao hưởng lần đầu nên rất hồn nhiên vừa nghe nhạc vừa cắn hạt hướng dương, nhai kẹo cao su v.v... nhưng họ cũng rất tôn trọng lao động của nghệ sĩ và ngồi say sưa thưởng thức hết chương trình. Đấy là thành công ngoài sức tưởng tượng của cả đoàn.
*Cảm nhận của anh về đời sống âm nhạc ở Việt Nam?
- Tôi rất bất ngờ bởi khi ngồi trên taxi, trong quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, tôi được nghe hầu hết là nhạc pop, rock, ấy vậy nhưng khi đến Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện TPHCM, tôi cảm nhận như cả không gian ngập tràn nhạc cổ điển. Những đồng nghiệp mà tôi gặp, ai cũng say mê luyện tập và biểu diễn với tất cả niềm hứng khởi và tâm huyết dù tôi biết, thu nhập của mọi người đều rất khiêm tốn.
Ở Đan Mạch, dù giá cả đắt đỏ nhưng những nghệ sĩ của dòng nhạc thính phòng đều có cuộc sống khá giả. Như tôi, mỗi năm chỉ huy trung bình 20 buổi hòa nhạc là đủ sống phong lưu để toàn tâm toàn ý cho âm nhạc. Tôi tin không bao lâu nữa, các đồng nghiệp của chúng tôi ở Việt Nam cũng được như vậy.
- Trong tương lai, Dàn nhạc giao hưởng Hafnia sẽ có những hoạt động gì ở Việt Nam, thưa anh?
- Thành công của chương trình “Gặp gỡ Đông – Tây” lần này đã giúp chúng tôi tự tin dấn bước trong những dự án âm nhạc sắp tới tại đất nước tươi đẹp của các bạn. Chúng tôi sẽ sang biểu diễn với các nghệ sĩ Việt Nam nhiều hơn, và cũng sẽ mời họ tham dự những hoạt động của Dàn nhạc giao hưởng Hafnia ở Đan Mạch và nhiều nơi trên thế giới. Và chắc chắn, trong các chương trình biểu diễn sắp tới, chúng tôi sẽ khám phá nhiều tác phẩm của các nhà soạn nhạc Việt Nam.
- Xin chân thành cảm ơn anh.
Nhạc trưởng Simon Casali-Krzentowski sinh năm 1979, tốt nghiệp xuất sắc tại Nhạc viện Hoàng gia Hague (Hà Lan), sau đó, anh tiếp tục theo học tại Nhạc viện Hoàng gia Đan Mạch, Học viện Sibelius, Helsinki (Phần Lan). |
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG