
Một con người không có “hiếu nghĩa” trong gia đình thì nhất thiết không thể là một công dân tốt ngoài xã hội bởi bản chất của hiếu thảo là lòng nhân. “Anh” không có lòng nhân với người đã sinh ra và nuôi nấng “anh” thì làm sao có thể sống tốt với người xa lạ!
1. Đã hơn 2 năm kể từ ngày trở thành một trong 10 tấm gương hiếu thảo toàn quốc, Lê Văn Cường vẫn đi lại trên cái chân giả làm bằng đoạn ống nhựa PVC mà cha em đã làm cho. Tập tễnh leo con dốc Sơn Thọ (xã Thọ Sơn, Bù Đăng, Bình Phước) dài gần 2km để đến trường, Cường cắn răng để khỏi bật ra tiếng than vì đau đớn. Để giảm nhẹ trọng lượng đè nặng lên đôi chân ống nhựa, Cường còn được cha làm cho đôi nạng gỗ. Em kể: “Nhìn cảnh cha phải cõng em hàng ngày, em đau lòng lắm nên quyết tâm tập đi bằng chân giả. Cũng vì biết cha mẹ nghèo nên em đâu dám than thở khi bị ống nhựa cứa vào chân, bởi nếu kêu, cha mẹ em nghèo biết tìm đâu ra tiền để mua chân giả “xịn” ngoài tiệm…!”.

Một tấm gương hiếu thảo ở xã Nhị Mỹ, Cai Lậy, Tiền Giang: Nguyễn Thanh Phong (giữa) phải nghỉ học do mẹ bệnh tim, cha tai biến. Ngoài làm thuê nuôi cha mẹ, Phong còn lo ông bà và các em nhỏ. Ảnh: TỬ DUY
Quá khứ như trở lại trong đôi mắt thơ ngây của Cường. Em kể: “Năm học lớp 1, em bị tai nạn giao thông phải cưa hẳn hai chân nên gia đình khánh kiệt bán hết nhà cửa để chữa trị. Đến năm 9 tuổi, em lại bị xe bò cán gãy tiếp phần chân trái còn lại… Cha mẹ em khổ tâm lắm. Em ước mong sau này em trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho cha mẹ và cho nhiều người không may mắn”.
Và để khẳng định quyết tâm trả hiếu cho cha mẹ, suốt nhiều năm liền, Cường luôn là học sinh giỏi. “Em còn phụ mẹ nấu cơm, nhổ cỏ rẫy và chẻ củi phụ cha nữa… Em muốn cha mẹ yên tâm đi làm kiếm tiền và đỡ lo nghĩ về em. Em muốn tự vươn lên cho cha mẹ vui dù em không còn đôi chân” - Cường nói.
2. Nhiều người không thể nào quên buổi giao lưu trong liên hoan “Con cháu hiếu thảo toàn quốc” lần thứ tư. Hôm ấy, thầy giáo Bùi Quang Tuấn (xã Bình Hòa, Châu Thành, An Giang) đã khóc như một đứa trẻ khi kể về mẹ mình: “Mẹ tôi bị chứng tâm thần cách đây 18 năm, lúc đó tôi còn là một chàng trai mới lớn nên rất khỏe. Mỗi ngày, tôi phải chở mẹ đi chơi bằng xe đạp 4-5km để mẹ vui, bởi nếu không, mẹ sẽ… tự bỏ đi. Hôm nay lên TPHCM giao lưu, không biết ở nhà ai chơi với mẹ tôi nữa”.
Thầy Tuấn kể khi mẹ mình vui, muốn tập chạy xe đạp, thầy phải… chạy bộ theo phía sau để giữ thăng bằng cho xe khỏi ngã. Thầy chỉ mong cho mẹ có niềm vui và giảm bớt phần nào cơn bạo bệnh. Có khi ban đêm, mẹ… xuống sông tắm, thầy cũng không dám can ngăn vì sợ bệnh mẹ tái phát, đành phải lội theo mẹ xuống nước.
Mùa Vu Lan năm nay, điện thoại cho thầy Tuấn, tôi vẫn nghe cái giọng buồn nghẹn trong cổ họng như đã 19 năm không một ngày ngơi nghỉ, thầy đều đặn thay cha (đã mất) chăm sóc mẹ từng miếng cơm, giấc ngủ. Hàng đêm khi mẹ đã vào nằm yên trên chiếc giường gỗ ọp ẹp, thầy mới an tâm chong đèn soạn giáo án môn đạo đức.
Tôi thầm nghĩ nếu các học sinh biết về sự hiếu thảo của thầy, có lẽ đấy là một bài học về đạo đức làm người rất căn bản, rất cần cho cuộc sống hiện đại. Là giáo viên dạy môn đạo đức, nhưng chính sự hiếu thảo của thầy mới là bài học đạo đức sinh động nhất cho học sinh noi theo!
3. Đạo hiếu không chỉ xuất hiện ở những nhân vật có học hành, có kiến thức. Nó còn thể hiện từ trái tim của người nữ nông dân nghèo nàn sống ven Rạch Tra (Q12, TPHCM) đã trên 50 tuổi: chị Trần Thị Hương. Mỗi ngày, chị phải đi bộ 10km để hái hoa lài mướn, nhổ cỏ mướn kiếm 15.000 đồng nuôi mẹ già 90 tuổi và cô em gái bệnh tật. Thương mẹ thương em, chị Hương không đành lòng lập gia đình mà ở vậy đến khi tuổi đã về chiều.
Chị kể trong nước mắt hạnh phúc vì mẹ còn sống: “Có lần thấy tui khổ quá, má định quyên sinh bằng thuốc trừ sâu. Má nói với tui rằng: “Má già rồi, má sống chỉ làm khổ con, má có mất thì con gởi em vô trại mồ côi rồi đi tìm hạnh phúc cho mình”. Rồi hai mẹ con tui ôm nhau khóc. Tui nói: “Má ơi, đối với con niềm hạnh phúc là má còn sống. Tuy má cho con ít chữ nghĩa, tuy má nghèo nhưng má là má của con. Má sống để ngày Vu Lan, con đi chùa, được cắm bông hồng lên áo”. Và kể từ đó, mỗi mùa Vu Lan, chị Hương đều có bông hồng. Tất tả đi chùa xong, chị để nguyên cả bông hồng trên ngực, lao vào công việc cắt cỏ thuê. Bạn bè làm chung hỏi chuyện, chị cười khoe: “Tui còn mẹ!”.
4. Không “may mắn” còn mẹ, em Nguyễn Đình Lộc (Hoài Đức, Hà Tây) còn phải lo cho bố bị thần kinh, khi mẹ mất cách đây 8 năm. Hiếm có khi nào tỉnh táo và thường hay la hét, đi lang thang, thậm chí đánh đập Lộc nhưng bố của Lộc vẫn khóc mỗi khi tỉnh ra và nhìn thấy những vết thương tím bầm trên tay của con trai do chính ông gây nên. Sau những giờ đi học, Lộc tất tả đạp xe đạp từ trường về nhà, đưa bố đi tắm, rửa mặt và dọn cơm cho bố ăn trước, còn em chỉ ăn phần thừa của bố chừa lại. Ấy vậy mà dù ốm yếu như một chú bé lên 10 (Lộc năm nay 17 tuổi) nhưng 8 năm liền liên tục, Lộc đều là học sinh giỏi.
Khi chúng tôi hỏi “sợ gì nhất”, Lộc bảo: “Sợ đến khi không còn bố nữa, ai sẽ la, sẽ đánh em đây?”.
HƯƠNG LY