Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10: “Ra quân” với tâm thế chiến thắng

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10: “Ra quân” với tâm thế chiến thắng

Năm 2015 được xem là năm bản lề cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam: Cơ bản tự do hóa hoàn toàn thuế quan, hướng đến hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng hàng loạt các hiệp định khác đã được ký kết… Trong bối cảnh đó, Báo SGGP đã gặp gỡ các doanh nhân để ghi lại những suy nghĩ và trăn trở của họ trước vận hội mới.

Ông VĂN ĐỨC MƯỜI, Tổng Giám đốc Công ty Vissan: Chất lượng cải cách quan trọng hơn thu gọn giấy tờ

Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 năm nay trùng với ngày TPHCM họp phiên trù bị Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X, tôi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình trong nhiệm kỳ tới, đó là TPHCM sẽ tận dụng tốt nhất các cơ chế, chính sách mà Chính phủ đã trao để lãnh đạo, đưa kinh tế thành phố tiếp tục là một đầu cầu vững chắc của cả nước. Nói cách khác, TPHCM phải trở thành một đầu kéo kinh tế tốt hơn nữa của vùng trọng điểm phía Nam.

Bước vào giai đoạn mới, giai đoạn hội nhập sâu rộng với các hiệp định song phương và đa phương, với một cộng đồng kinh tế ASEAN rộng lớn, hơn lúc nào hết, chúng ta phải xác định nâng tầm sức cạnh tranh và đi sâu vào sự thay đổi về thể chế kinh tế một cách rõ nét. Vấn đề này, tôi ghi nhận Chính phủ rất quyết tâm nhưng các cấp quản lý vẫn chưa đổi mới hoàn toàn để điều hành đất nước. Họ vẫn dùng cơ sở hạ tầng cũ của thể chế kinh tế là nền kinh tế kế hoạch tập trung trong cách nghĩ và làm để triển khai các cơ chế chính sách, nên không thể hiện được hết bản thể mới khi chúng ta hội nhập. Chỉ khi nào các cơ chế, chính sách mới được nghiên cứu và thực thi đồng bộ, thể chế kinh tế được mở tối đa nhưng chúng ta vẫn giữ được bản sắc riêng, mới có thể huy động tối đa nguồn lực để phát triển kinh tế. Chúng ta cứ nói mãi đến tái cấu trúc nền kinh tế nhưng không tái cấu trúc đồng bộ, sẽ khó mang lại hiệu quả cao. Tôi nghĩ, nếu bây giờ Chính phủ quyết tâm cải tổ mạnh, nhanh các thể chế, chắc chắn sẽ có những kết quả sớm trong thời gian tới.

Một nền kinh tế mạnh, không thể thiếu các doanh nghiệp (DN) lớn. Nhưng để có được đội ngũ DN lớn mạnh thì nhà nước cần có các công cụ hỗ trợ DN tốt hơn. Đó là nhà nước nên tạo điều kiện thông qua cơ chế, chính sách cho DN hơn là đưa ra các điều kiện và buộc họ phải đi theo. Cải cách hành chính cũng là vấn đề lớn, ta đang bị chậm trong cải cách hành chính. Trong vấn đề này, theo tôi nên xét đến chất lượng cải cách hành chính đã mang lại lợi ích gì cho người dân, DN, thay vì thống kê chúng ta đã thu gọn được bao nhiêu giấy tờ!

Vissan cũng như các DN khác đang hoạt động trong một biên giới mềm, nên buộc phải có sức cạnh tranh thực sự. Đối với thương mại, phải thay đổi và tái cấu trúc lại các kênh phân phối để đưa tư duy và cách làm mới vào. Chúng tôi quan niệm kinh doanh có yếu tố quyết định đến sản xuất, do vậy làm thế nào để tổ chức tốt mạng lưới phân phối, chế biến sẽ điều phối lại ngành chăn nuôi, đây là những trục đi chính của Vissan trong tương lai.

Ông TRẦN QUỐC MẠNH, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sadaco: Nhà nước nên đóng vai trò như một doanh nghiệp

2015 là một năm rất đặc biệt đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nhân. Liệu chúng ta có đạt được các mục tiêu đặt ra cho hội nhập hay không? Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay vẫn là yếu tố con người, đặc biệt là bộ máy lãnh đạo đòi hỏi phải tinh và gọn hơn. Hội nhập cũng đặt áp lực lên vai DN, sẽ không còn đường lùi nữa mà chỉ có thể tiến lên, nếu không muốn mình bị loại ra khỏi cuộc chơi. Tuy nhiên, để làm được việc này, tôi mong muốn trong giai đoạn mới, cụm từ “nhà nước song hành cùng doanh nghiệp” sẽ không còn dùng đến nữa, thay vào đó nhà nước phải đóng vai trò giống như một DN. Ở đó, Chính phủ phải như một HĐQT và các doanh nhân như một tổng giám đốc. Chính phủ bằng đường lối ngoại giao, đặc biệt phải chú trọng đến ngoại giao về kinh tế để mang cơ hội, điều tốt đẹp đến cho DN và phải hạn chế tối đa các rào cản cho DN khi ra nước ngoài.

Nhà nước phải làm tốt hơn việc trang bị kiến thức cho DN. Chẳng hạn, với TPP, DN sẽ không có đủ thời gian để đọc hết những quy định, nhưng DN có thể biết, trong hiệp định này, ngành nào sẽ mang lại điểm lợi và không có lợi. Nếu chúng ta làm được việc này cho DN, chắc chắn họ sẽ thắng trong sân chơi hội nhập. Cũng cần phải nói thêm, nhiều tập đoàn trên thế giới có quy mô lớn và bề dày hoạt động lên tới hàng trăm năm nhưng tại Việt Nam, tuổi đời của DN còn khá trẻ, năng lực quản lý, tài chính… đều yếu nhưng vẫn phải đối mặt. Để rút ngắn khoảng cách, không còn cách nào khác phải có cách đi khôn ngoan hơn, nhà nước và DN phải cùng nhau làm. DN Việt muốn thành công từ năm 2015 trở đi, dứt khoát phải thay đổi tư duy, cách làm, bằng chính kiến thức, sự học hỏi, kinh nghiệm và bản lĩnh của mình.

Riêng với Sadaco, năm 2015 cũng đánh dấu một bước ngoặt mới, đó là chấm dứt hoạt động theo mô hình cổ phần nhà nước, năm 2016 sẽ chuyển sang 100% công ty cổ phần tư nhân. Việc chuyển đổi này buộc Sadaco phải đổi mới toàn diện để phát triển. Sadaco hiện đang xuất khẩu đồ gỗ vào rất nhiều thị trường từ Anh, Nhật, Úc, đặc biệt xuất khẩu vào Mỹ chiếm hơn 50% thị phần. Công ty cũng đã làm việc với các đối tác của Nga để tranh thủ nguồn nguyên liệu có chất lượng tốt, sản xuất hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường có sự ưu đãi về thuế quan từ các FTA mang lại.

Ông NGUYỄN TRÍ KIÊN, Tổng Giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến (Miti): Tận tâm, tận lực để “chiến đấu”

Nhiều năm qua, những doanh nhân như tôi luôn tận tâm, tận lực để “chiến đấu” trên mặt trận kinh tế. Trong 5 năm tới, Miti phấn đấu đưa tăng trưởng doanh thu bình quân đạt hơn 30%/năm. Sản phẩm của Miti cũng sẽ có sức cạnh tranh tốt hơn nữa trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Trên thực tế, chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2015 nhưng diễn tiến của nền kinh tế từ đầu năm đến nay vẫn chưa thực sự tốt lên, sức mua còn chậm. Mặc dù lãi suất giảm nhưng nhiều DN vẫn chưa mạnh dạn vay vốn để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Ở góc độ vĩ mô, các cơ chế hỗ trợ cho DN còn chưa cụ thể, những bất cập về thể chế chưa được giải quyết rốt ráo. Năm 2015, DN đứng trước những cơ hội mới như là TPP, cộng đồng AEC… nhưng tôi vẫn băn khoăn, nhà nước chưa có những hành động quyết liệt để trợ giúp DN. Chẳng hạn, DN muốn tận dụng tốt ưu đãi từ TPP hoặc AEC để tăng lượng hàng xuất khẩu thì một trong những yếu tố quan trọng là phải chứng minh sản phẩm đó sử dụng nguyên liệu từ đâu… Trong lĩnh vực may túi xách, đến nay gần như chúng ta vẫn đang bỏ trống thị trường nguyên phụ liệu, phải đi nhập khẩu từ nhiều nước. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại.

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, tôi mong muốn Chính phủ hãy tiếp tục thổi nhiệt huyết tất cả vì một đất nước Việt Nam giàu mạnh đến các thế hệ DN. Hơn lúc nào, các DN đang rất cần một niềm tin từ Chính phủ. Chính niềm tin đó là động lực giúp họ đột phá, có thể là chấp nhận mạo hiểm hơn và chấp nhận đầu tư dài hạn trong bối cảnh Việt Nam có nhiều cơ hội, nhưng thách thức cũng không ít. Một vấn đề DN quan tâm trong giai đoạn hiện nay là hệ thống pháp luật để xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo vệ DN trong nước còn rất yếu. Việc này không thể tự các DN làm được, mà phải là từ phía Chính phủ. Đây là công cụ tối quan trọng để bảo vệ và giúp DN hạn chế những rủi ro thấp nhất trong nền kinh tế hội nhập.

Ông NGUYỄN VĂN ĐỰC, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Đất Lành: Sẽ là cú hích cho thị trường bất động sản khu công nghiệp

TPP đem lại nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam vì tiếp cận được với 40% nền kinh tế của thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, sẽ kéo theo sự phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) mà trước tiên sẽ tạo ra một cú hích vào thị trường BĐS tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, vì nhu cầu thuê đất làm nhà xưởng sẽ tăng cao. Sự xuất hiện của đội ngũ chuyên gia trong các dự án FDI cũng đòi hỏi nhu cầu những khu nhà ở cho chuyên gia, cùng với đó là sự phát triển của những khu vui chơi giải trí kèm theo… Đó là những yếu tố sẽ tác động đến thị trường BĐS thời gian tới.

Ngoài ra, khi mở rộng cửa, nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp cận các DN BĐS đang gặp khó khăn, tạo cơ hội cho thị trường BĐS Việt Nam phát triển. Thực tế hiện nay, một số DN BĐS đã được các nhà đầu tư nước ngoài mua lại và cũng đã chuyển lãnh đạo người nước ngoài vào thay thế. Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy DN Việt có nhiều cơ hội nhưng cũng sẽ chịu không ít áp lực. Bởi lẽ, khi bước vào “sân chơi” lớn, DN Việt phải nâng cao năng lực quản lý, quản trị, nâng cao năng lực về kỹ thuật… để chống chọi được với thị trường, nếu không sẽ bị đào thải.

THÚY HẢI - HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục