Và từ thành công của mô hình VSIP, TCT Becamex đang triển khai xây dựng các Khu Liên hiệp Công nghiệp và Đô thị tại Bình Phước (Becamex Bình Phước), Bình Định và sắp tới là Long An, để qua đó phát huy nội lực của các địa phương, tạo sức bật mới cho liên kết vùng Đông Nam bộ.
Đón làn sóng đầu tư mới
Cuối tháng 12 vừa qua, tại Becamex Bình Phước (tọa lạc tại huyện Chơn Thành), tỉnh Bình Phước đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương cùng đông đảo nhà đầu tư. Tại sự kiện, UBND tỉnh Bình Phước đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 35 nhà đầu tư với 46 dự án, có tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD, gấp 2 lần so với lần tổ chức hội nghị năm 2018. Dịp này, Tập đoàn CP Thái Lan đã tổ chức khành thành tổ hợp nhà máy CPV Food Việt Nam có tổng vốn đầu tư 230 triệu USD.
Đây là tổ hợp các nhà máy và trang trại chăn nuôi theo mô hình chuỗi khép kín hoàn chỉnh, gồm nhà máy thức ăn chăn nuôi, trang trại gà giống bố mẹ, nhà máy ấp trứng, trang trại gà thịt, nhà máy giết mổ và chế biến cùng hệ thống xử lý phế phẩm, công suất 50 triệu con/năm trong giai đoạn 1 và 100 triệu con/năm trong giai đoạn 2 vào năm 2023. Lãnh đạo Chính phủ cùng các đại biểu đã bấm nút thông quan lô hàng đầu tiên xuất qua Hồng Công (Trung Quốc), mở ra cơ hội xuất khẩu cho ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.
Theo lãnh đạo Tập đoàn CP Thái Lan, tổ hợp nhà máy chế biến CPV Việt Nam tại Becamex Bình Phước có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, ứng dụng nhiều công nghệ mới lần đầu tiên được áp dụng tại Bình Phước. Trong đó có ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá cả hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khắt khe ở châu Á, châu Âu. Theo tính toán trong giai đoạn 1, tổ hợp nhà máy sẽ đóng góp mỗi năm 100 triệu USD vào giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Phước.
Tính đến nay, sau 2 năm đi vào hoạt động, Becamex Bình Phước đã thu hút được 49 dự án với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD, nổi bật là dự án của tập đoàn CPV Thái Lan và Tập đoàn Hayat - Thổ Nhĩ Kỳ với tổng số vốn đầu tư 250 triệu USD. Nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước triển khai dự án tại địa phương, Becamex Bình Phước đã ký cam kết tài trợ vốn với các tổ chức tài chính, ngân hàng như Ngân hàng Quân đội (MB bank), Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam.
Ông Murat Cetin, Tổng Giám đốc Hayat, cho biết: “Hạ tầng sẵn sàng là một điểm cộng trong thu hút đầu tư - đó là lý do tập đoàn Hayat đầu tư vào đây và chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của Becamex Bình Phước lẫn chính quyền địa phương về giải quyết các vấn đề phát sinh, trong đó có giấy phép lao động, hỗ trợ chỗ ở…”. Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, chia sẻ: “Định hướng của tỉnh là thu hút các dự án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; qua đó nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Hợp tác để tương trợ
Tỉnh Bình Dương đã có bước bứt phá ngoạn mục, từ xuất phát điểm của một tỉnh thuần nông trở thành tỉnh có hạ tầng giao thông phát triển cùng nhiều KCN - đô thị hiện đại, nằm trong tốp 5 các địa phương có đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia. Và nay kinh nghiệm trong phát triển hạ tầng, phát triển các KCN, Khu Liên hiệp Công nghiệp và Đô thị dưới cái tên Becamex IDC đang được tỉnh Bình Phước học hỏi, liên kết - hợp tác với tỉnh Bình Dương để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội dựa trên ưu thế về hạ tầng, vị trí thuận thời khi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Cùng với Bình Phước, tỉnh Bình Định cũng đã hợp tác với Becamex IDC đầu tư xây dựng Khu Liên hiệp Công nghiệp và Đô thị tại Khu kinh tế Nhơn Hội mở rộng thuộc xã Canh Vinh, huyện Vân Canh.
Đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cho biết, xuất phát từ mô hình của VSIP trong xây dựng các Khu Liên hiệp Công nghiệp và Đô thị (đã hình thành các khu VSIP I, VSIP II, VSIP III tại tỉnh Bình Dương và các dự án VSIP Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Nghệ An), tỉnh Bình Dương đã rút ra những bài học kinh nghiệm để xây dựng mô hình theo cách của Becamex IDC. Cụ thể là vẫn mô hình ấy, nhưng được tỉnh vận dụng nhuần nhuyễn trong điều hành, quản trị dựa vào năng lực - nguồn nhân lực của Becamex lẫn các địa phương nhằm tận dụng lợi thế. Becamex có tiềm lực tài chính, quản trị, con người điều hành, còn các địa phương có đất, có nguồn lao động phối hợp lại tương trợ lẫn nhau; ngoài vấn đề lợi nhuận thì chúng ta còn tính đến các vấn đề xã hội. Và sự thành công của những Becamex Bình Phước hay Long An sẽ góp phần tăng tính kết nối, tạo hiệu ứng lan tỏa trong vùng Đông Nam bộ và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. |