Nhân rộng mô hình trường học xanh

Nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động tiết kiệm năng lượng, tái chế và phân loại rác tại nguồn…, từ năm 2018, Sở TN-MT phối hợp Sở GD-ĐT TPHCM triển khai mô hình “Trường học xanh”. Đến nay, chương trình đã lan tỏa khắp từ trường mầm non, tiểu học, THCS đến THPT. 

Từ nhận thức sang hành động 

Theo Sở TN-MT TPHCM, trong năm học 2018-2019, với chương trình xây dựng “Trường học xanh”, các trường đã hưởng ứng rất nhiệt tình với nhiều mô hình và cách làm hay. Sở TN-MT và Sở GD-ĐT đã tổ chức đánh giá, quyết định khen thưởng 28 trường đạt kết quả xuất sắc trong xây dựng “Trường học xanh” năm 2018... Đồng thời đề xuất UBND TPHCM trao tặng Giải thưởng Môi trường TPHCM cho 4 tập thể và 5 cá nhân của ngành giáo dục có thành tích xuất sắc trong năm 2018. Trong năm học 2019-2020, sở cũng đã tổ chức thi trực tuyến về BVMT cho học sinh. Có 46.000 thí sinh của 63 trường tham gia.

Cũng trong năm học này, TPHCM đã khuyến khích các trường đưa ra những giải pháp sáng kiến hay trong công tác BVMT: bên cạnh lồng ghép nội dung BVMT trong các môn học chính khóa, cần chủ động tổ chức các hoạt động đa dạng khác như cuộc thi vẽ tranh về BVMT, thiết kế thời trang BVMT, tìm hiểu quy định pháp luật về môi trường… để chuyển từ nhận thức của học sinh sang những hành động cụ thể. 

Nhân rộng mô hình trường học xanh ảnh 1 Mảng xanh tại Trường Mầm non Măng Non II,  quận 10, TPHCM
Chia sẻ về chương trình này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết chương trình nhằm đẩy mạnh và định hướng công tác BVMT, giáo dục và truyền thông về BVMT trong trường học phù hợp với các yêu cầu chung về BVMT của TPHCM.

Nhóm tiêu chí BVMT tại trường bao gồm nhiều yếu tố về mặt công trình và phi công trình nhằm đảm bảo các yêu cầu về giữ gìn vệ sinh môi trường, quản lý chất thải rắn, phát triển mảng xanh và tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước với các giải pháp từ phân loại rác, làm đồ dùng dạy học từ vật liệu phế thải, hạn chế sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần đến các giải pháp thông thoáng tự nhiên, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.

Trong khi đó, về công tác giáo dục truyền thông, bộ tiêu chí nhấn mạnh đến các giải pháp nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về các vấn đề BVMT; tạo cho các em thay đổi thói quen, hành vi sinh hoạt của bản thân, để từ đó có những hành động đúng, mang lại lợi ích cho môi trường, cộng đồng. Có tích hợp, lồng ghép nội dung BVMT vào các môn học, tham gia các hoạt động BVMT ở địa phương.

Đồng thời có các quy định, chỉ dẫn cụ thể thực hiện tiết kiệm điện, nước, tài nguyên và được phổ biến tới giáo viên và học sinh. Sau khi đạt được chứng nhận “Trường học xanh”, các trường sẽ có cơ hội tham gia xét tặng Giải thưởng Môi trường TPHCM (được tổ chức 2 năm/lần) và Giải thưởng “Môi trường Việt Nam”. 

Xây dựng “Trường học xanh” không chỉ tạo được môi trường sạch và an toàn mà còn góp phần giáo dục ý thức cho học sinh về tình yêu thiên nhiên, ý thức BVMT, nhất là giáo dục kỹ năng sống cho các em. 

Ươm mầm xanh cho tương lai

Có thể thấy rằng, giá trị quan trọng khi các trường triển khai, xây dựng mô hình “Trường học xanh” chính là việc nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên và học sinh của trường thông qua các mô hình giáo dục gia tăng nhận thức. Trong các cấp học, tiểu học là bậc học nền tảng quan trọng đối với sự hình thành những hành vi, thái độ của con người. Khi các em được giáo dục, trang bị những kiến thức về lĩnh vực môi trường thì chính các em là lực lượng nòng cốt đi đầu trong việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình cũng như trường học.

Hơn nữa, nội dung về BVMT cũng đã được giới thiệu tích hợp vào chương trình giáo dục các cấp của Bộ GD-ĐT. Vì vậy, mô hình “Trường học xanh” được thực hiện nhằm giúp học sinh có điều kiện tiếp cận những thiết bị, mô hình trực quan sinh động để việc giáo dục gia tăng nhận thức cho các em được dễ dàng và hiệu quả hơn, góp phần làm tăng hiệu quả tuyên truyền về BVMT trong khối trường học nói riêng và toàn thành phố nói chung. Việc ươm mầm cho các em những tư tưởng, lối sống thân thiện với môi trường ngay từ khi còn nhỏ sẽ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về BVMT sau này. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cũng cho biết thêm, với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ gìn vệ sinh và BVMT được triển khai đồng loạt trên toàn thành phố, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các sở ngành, chính quyền các cấp, tổ chức đoàn thể và nhất là các tầng lớp xã hội, góp phần tạo chuyển biến tích cực về vệ sinh môi trường, giảm đáng kể các điểm ô nhiễm do rác thải. Đây là một điều đáng mừng, song cũng đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa. Đặc biệt là các trường học cần đi đầu trong triển khai các hoạt động, sáng kiến về xây dựng, phát triển trường học xanh.

Song song đó là đẩy mạnh công tác giáo dục và truyền thông; hình thành ý thức, thói quen BVMT cho học sinh thành phố. Được định hướng một cách đúng đắn, các em không chỉ là những hạt nhân BVMT mà còn đóng vai trò những tuyên truyền viên tích cực, tác động đến các thành viên khác trong gia đình, bạn bè và cộng đồng xung quanh.

Tin cùng chuyên mục