Ông Anders Krystad đến từ Na Uy, hiện là Giám đốc Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam (FFAV), đã tạo sân bóng đá vui cho trẻ khuyết tật Việt Nam. Ở sân chơi này, hàng vạn cầu thủ nhí từ 6 - 15 tuổi, nhất là nhóm trẻ nghèo, khuyết tật đã nồng nhiệt chơi bóng trên sân cỏ với tinh thần “Đếm nụ cười, không đếm bàn thắng”…
“Ở Na Uy, hoạt động bóng đá phong trào của trẻ nhỏ đều do cha mẹ tình nguyện đứng ra tổ chức. Nhưng tại Việt Nam, việc áp dụng mô hình này quả thật rất khó, khi phần lớn phụ huynh sống ở vùng nông thôn đều là nông dân, ngư dân nghèo, phải lao động quần quật suốt ngày. Đó là lý do đầu tiên khiến Liên đoàn Bóng đá Na Uy (NFF) muốn hỗ trợ về phương thức phát triển bóng đá phong trào tại Việt Nam vào năm 2001. Với sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Ngoại giao Na Uy, dự án FFAV được NFF khởi xướng cách đây hơn 10 năm tại Huế. Điều kỳ diệu là giờ đây đã có gần 16.000 trẻ em ở độ tuổi từ 6 - 15 tham gia chơi bóng, một nửa trong số đó là nữ. Mô hình FFAV đã được nhân rộng từ Huế đến TPHCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn… và các Làng SOS tại Việt Nam. Đã có 599 huấn luyện viên được FFAV đào tạo, trong đó có 101 nữ”, ông Anders Krystad hào hứng nói về dự án FFAV.
Trẻ mồ côi và khuyết tật chơi bóng tại sân cỏ Trung tâm Giáo dục văn thể mỹ Huế
Những lần tổ chức Cúp FFAV hoặc “Ngày hội bóng đá vui” diễn ra ở các trường học tại Huế, người xem xúc động trước sự thi đấu hào hứng của học sinh - nhất là các em khiếm thị, trẻ thiểu năng trí tuệ - với những pha tranh bóng. Chính từ sân chơi lành mạnh và bổ ích này, nhiều trẻ bất hạnh đã tự vượt qua chính mình, xóa dần mặc cảm, gặt hái những thành công đầu đời. Điển hình như Ngô Hữu Kỳ Phong (24 tuổi, ở Huế), năm 2008, tham gia Câu lạc bộ Thể thao và bóng đá trẻ khuyết tật tại Trung tâm Giáo dục văn thể mỹ Huế thuộc dự án của FFAV. Điều đáng ghi nhớ năm 2011, khi tham gia Thế vận hội Olympic đặc biệt của người thiểu năng trí tuệ tại Athens (Hy Lạp), Phong đoạt huy chương vàng ở môn chạy 50m. Đây là kỳ tích của một người khuyết tật.
Ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhìn nhận: “Dự án FFAV bắt đầu từ con số 0, đến nay, một môi trường bóng đá phát triển mạnh mẽ được xây dựng dựa trên mối quan hệ hợp tác giữa bóng đá và trường học. Thành công sau hơn 10 năm triển khai dự án tại Thừa Thiên - Huế, mô hình Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam đã được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lựa chọn để nhân rộng ra 15 - 20 tỉnh, thành và đã có văn bản thỏa thuận với Bộ GD-ĐT để tiếp tục nhân rộng mô hình này trong các trường học trên cả nước”. Đó là sự lan tỏa từ những nỗ lực không ngừng của những người thực hiện dự án. Trong đó, Anders Krystad là người khai sinh dự án và chủ động tìm những nguồn tài trợ ở Na Uy và Việt Nam để duy trì và mở rộng dự án, đưa các nhà lãnh đạo cấp cao của Liên đoàn Bóng đá thế giới và châu Âu, các Liên đoàn Bóng đá Na Uy và Việt Nam… đến với dự án của FFAV. Ông Anders Krystad còn thuyết phục và mời được hàng chục lượt chuyên gia Na Uy về giáo dục, bóng đá, là sinh viên, tình nguyện viên… đến Huế làm việc cho dự án.
“Từ lâu, tôi đã xem Việt Nam là quê hương thứ hai nên rất khát khao và mong muốn bóng đá nơi đây khởi sắc, vững mạnh, có thể tham gia thi đấu ở những giải đấu lớn, những giải đấu đỉnh cao… Trước mắt, điều tôi và các đồng nghiệp mong muốn là số gương mặt trẻ thơ hồn nhiên, vui đùa rạng rỡ trên sân cỏ chứ không phải số bàn thắng các em ghi”, Giám đốc dự án FFAV Anders Krystad nồng nhiệt tự hào nói về sự lớn mạnh của phong trào.
BÙI THẢO