Nhận thức và hành xử đúng trong mùa lễ hội

Trong tháng Giêng có nhiều lễ hội, thu hút đông người tham gia. Đây là dịp duy trì các tập tục truyền thống của dân tộc, địa phương để gắn kết cộng đồng và cũng là dịp phát triển du lịch.

Tuy nhiên cũng có nhiều lễ hội diễn ra bát nháo, thiếu nét đẹp văn hóa dân tộc. Bạn đọc Báo SGGP đã nêu nhiều ý kiến về việc cần nhận thức và hành xử đúng trong mùa lễ hội.

Chú tâm hành thiện

Đầu năm mới, nhiều người tham dự các lễ hội, hành hương, dâng cúng tại các đền miếu. Nhưng có nhiều người không đi với lòng thành hành thiện mà chỉ để cầu lợi nên thi nhau cúng bái mâm cao cỗ đầy. Có nhiều người thực dụng, chen lấn cướp ấn, tranh lộc, để mong được ban phát điều tốt lành.

Thật ra Trời Phật, thánh thần không ban phúc hay giáng họa cho ai. Và chắc chắn không thể có chuyện kẻ chuyên làm điều xấu, điều ác, lười lao động mà chỉ cần cúng bái cầu xin là được chứng nghiệm phước lộc, may mắn. Thật nhẹ dạ khi tin vào thầy bói, thầy cúng, cô đồng…, họ cũng là kẻ phàm tục như mình, đâu có quyền năng gì để cải sửa được cuộc đời của ai. Hãy sống có tâm từ bi, có lòng bác ái và hành xử nhân nghĩa, thì ắt có thiện báo. Nếu sống lành mạnh, không vi phạm pháp luật, có đạo đức, nhân ái, vị tha, không tham lam, không gây hại cho người khác, không phá hoại môi trường, biết cùng cộng đồng tạo dựng môi sinh trong lành, ăn uống điều độ, vệ sinh… là đã nêu gương tốt, tạo được nghiệp lành, giáo dục tốt cho con cháu, thì ắt hẳn sẽ nhận được thiện quả, gia đình sẽ có được cuộc sống bình yên, khỏe mạnh và sung túc thôi.

Nhận thức và hành xử đúng trong mùa lễ hội ảnh 1 Người dân viếng Phật tại chùa Vĩnh Nghiêm (TPHCM) trong không khí thành kính, trang nghiêm, trật tự. Ảnh: MINH THANH
Tham gia lễ hội đầu xuân là để được sống vui, sống khỏe, nên cần phải chú tâm hành thiện, hướng đến những điều tốt lành cho mình và cho cả người khác. Vì thế hãy chọn những nơi cảnh sắc tươi đẹp, thanh tịnh, an lành để đến thưởng ngoạn vui chơi cho an toàn, tránh những nơi xô bồ nhiều sát khí, nhiều chuyện thị phi, như nơi chém lợn, đâm trâu, tranh phết, cướp ấn, hái lộc…

                      NGUYỄN VĂN THƯỚC (Liên hiệp Hội KH-KT Cà Mau)

Xây dựng môi trường lễ hội lành mạnh

Sau Tết Nguyên đán, nhiều lễ hội được tổ chức, tuy nhiên, ý thức của người tham gia chưa được tốt. Tệ hại nhất là việc chen lấn, xô đẩy, rải tiền lễ, đánh nhau để cướp phẩm vật (được cho là lộc) trong các lễ hội. Mạnh ai nấy tranh thủ chen chân xô lấn để đến được nơi thờ tự, cướp được những gì được cho là may mắn, lộc trời. Một thực trạng vốn tồn tại nhiều năm nay tại các lễ hội, vẫn tái diễn là tình trạng đặt lễ tùy tiện khắp mọi nơi mặc dù ban tổ chức đã bố trí các điểm đặt lễ nhưng nhiều người vẫn đặt tiền lẻ, mâm ngũ quả bất cứ chỗ nào có thể.

Đặc biệt, nhiều bạn trẻ đi lễ hội nhưng ăn mặc lố lăng, ăn nói, cư xử không nghiêm túc. Tình trạng xả rác không đúng nơi quy định tạo ra cảnh hết sức nhếch nhác sau khi lễ hội vừa kết thúc.

Để có được một môi trường lễ hội lành mạnh, ngoài việc các ngành chức năng không ngừng kiểm tra, xử lý loại bỏ những hành vi, hủ tục lạc hậu, khắc phục ô nhiễm môi trường… còn cần phải nhắc nhở nâng cao ý thức cho người đi dự lễ hội. Mỗi người nên ý thức khi đến với lễ hội không phải để cầu tài, cầu lộc, mà để tìm hiểu, tôn vinh các truyền thống văn hóa tốt đẹp, khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, hướng về cội nguồn.

                                 VĂN THI HOÀNG (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam)

Nâng cao tinh thần nhân văn của lễ hội

Qua một số lễ hội vừa diễn ra, có thể ghi nhận có tiến bộ, lành mạnh, trật tự hơn. Ngành văn hóa và công an đã vào cuộc với tinh thần khẩn trương lẫn kiên trì. Các hủ tục đã từng bước bị loại bỏ dần. Ngành chủ quản và địa phương đã có sự phối hợp khá chặt chẽ, nhuần nhuyễn để điều chỉnh sao cho lễ hội vừa bảo tồn được truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc vừa phù hợp với tiến bộ văn minh, văn hóa nhân loại. Những tập tục mang tính bạo lực, dã man, phi văn hóa, đã dần bị loại bớt. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để chấm dứt những mặt tiêu cực.

Trong thực tế không ít người đi lễ hội để cầu tài, cầu lộc, cầu quan. Niềm tin bị chệch hướng là do họ mang thói ích kỷ cá nhân, coi trọng giá trị vật chất và đặt niềm tin vào một thế lực ảo, siêu nhiên, mê tín dị đoan, phải bấu víu vào quyền lực siêu nhiên hay theo thói a dua “ai làm sao ta làm vậy” để vui, mà không kiểm soát hành vi mình, không hiểu ý nghĩa việc mình làm, làm xấu đi tinh thần nhân văn vốn có của truyền thống lễ hội. Lễ hội truyền thống tự thân không có lỗi, chỉ có con người làm xấu đi tinh thần nhân văn của lễ hội mới đáng trách.

                                   TÚ NGUYÊN (huyện Cần Đước, tỉnh Long An)

Tin cùng chuyên mục