Nhân viên quán nhậu xuống đường bắt khách

Tại TPHCM các quán nhậu mọc lên khắp nơi, cạnh tranh quyết liệt. Không chỉ chiếm dụng vỉa hè làm nơi đặt bàn ghế và để xe máy cho khách, nhiều quán nhậu, nhà hàng còn đưa một nhóm người xuống đường níu kéo khách vào quán. Việc này vừa gây mất trật tự đô thị, vừa gây cản trở giao thông.
Nhân viên quán nhậu xuống đường bắt khách

Tại TPHCM các quán nhậu mọc lên khắp nơi, cạnh tranh quyết liệt. Không chỉ chiếm dụng vỉa hè làm nơi đặt bàn ghế và để xe máy cho khách, nhiều quán nhậu, nhà hàng còn đưa một nhóm người xuống đường níu kéo khách vào quán. Việc này vừa gây mất trật tự đô thị, vừa gây cản trở giao thông.

  • Bực mình khi qua quán nhậu

Mỗi chiều, từ 17 giờ, hàng chục quán nhậu trên đường Thành Thái nối dài (phường 14, quận 10) đã bắt đầu hoạt động, sắp bàn ghế ra vỉa hè, mở nhạc xập xình, bật đèn laser chiếu xanh chiếu đỏ. Để tranh giành khách, mỗi quán tổ chức hẳn một nhóm thanh niên từ 6 - 8 người, gọi là “lính đứng đường”, vì họ được giao nhiệm vụ xuống lòng đường bắt khách, tay không ngừng vẫy, miệng la to: “Mời vào! Mời vào! Ghé đi anh! Ghé đi anh!...”.

Hùng hậu nhất là đội quân của các quán ốc Nga Bà Lâm, 68 và ốc Tre Một, mỗi quán có khoảng 12 “lính đứng đường”. Vào giờ cao điểm (19 - 21 giờ) các quán này còn điều cả nhân viên bảo vệ, tay cầm dùi cui lăm lăm xuống đường dàn hàng ngang hàng dọc giữa đường, khiến giao thông trên đường Thành Thái nối dài bị rối loạn, ùn tắc. Không ít trường hợp người đi xe máy qua đây bị “lính đứng đường” của các quán nhậu níu kéo, dẫn đến va quẹt té ngã.

Từng là nạn nhân của “lính đứng đường”, anh Trương Minh Hùng, nhà ở đường Bắc Hải (phường 15, quận 10), bức xúc kể: “Tối 25-12-2012, tôi từ công ty về nhà. Đang chạy xe trên đường Thành Thái, bất ngờ có một nhân viên bảo vệ trong quán ốc Tre Một lao ra giữa đường, tay cầm cây gậy điều khiển giao thông vẫy vẫy quẹt vào tay tôi, làm tôi té ngã xuống đường, đầu xe bị vỡ vụn. Gây ra tai nạn nhưng bảo vệ quán không một lời xin lỗi, lại còn lớn tiếng văng tục, chửi thề. Nhiều bảo vệ khác của quán thấy vậy còn chạy đến “múa tay múa chân”, dọa xử người bị nạn. Khi tôi gọi điện báo vụ việc, công an phường trả lời sẽ đến giải quyết nhưng nửa giờ sau vẫn chưa thấy”.

Còn chị Tạ Thúy Lan, nhân viên Trung tâm Dịch vụ viễn thông khu vực 2 (số 224 Thành Thái, quận 10), than phiền: “Từ chỗ làm về nhà tôi trên đường Nguyễn Tri Phương, nếu đi đường Thành Thái nối dài chỉ mất 10 phút. Tuy nhiên, vì phải tránh bị phiền toái và ùn tắc giao thông do người của các quán xuống đường chèo kéo, tôi phải đi vòng sang Lý Thường Kiệt thêm một đoạn đường dài, tốn thời gian”.

Nhân viên các quán nhậu trên đường Thành Thái nối dài (quận 10) đứng dưới đường chèo kéo khách.

Nhân viên các quán nhậu trên đường Thành Thái nối dài (quận 10) đứng dưới đường chèo kéo khách.

Tình trạng quán nhậu tung nhân viên xuống đường níu kéo bắt khách còn diễn ra trên nhiều tuyến đường khác như: Cống Quỳnh (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1), Bông Sao (phường 5, quận 8), Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp), Hồ Thị Kỷ (phường 1, quận 10)… Chỉ khoảng 60m đường Dương Tử Giang (phường 14, quận 5) nhưng có đến 5 quán nhậu. Vào giờ cao điểm, luôn có hơn 20 nam thanh niên dàn hàng giữa lộ chào mời, níu kéo bắt khách. Người lưu thông trên đường dù không muốn vào quán nhưng khi qua đây cũng phải giảm ga, chống chân xuống đường, mất một hồi từ chối mới thoát khỏi sự bao vây của đám thanh niên chèo kéo.

  • Khó xử lý?

Đến gặp lãnh đạo một số phường để đặt câu hỏi vì sao không giải quyết được việc xuống đường bắt khách, PV Báo SGGP đều nhận được câu trả lời khó hiểu: Khó xử lý! Chủ tịch UBND phường 15, quận 10 Tô Trung Kiệt xác nhận tình trạng nhân viên các quán nhậu trên đường Thành Thái nối dài xuống đường chèo kéo người đi xe máy ngang qua đã tồn tại nhiều năm nay. Công an, thanh tra xây dựng phường thường xuyên tuần tra, nhắc nhở các chủ quán nhậu nghiêm túc thực hiện các quy định về kinh doanh đảm bảo trật tự lòng lề đường, đồng thời yêu cầu chủ quán viết cam kết không tái phạm.

Ông Kiệt phân trần: “Để xử lý triệt để tình trạng này không đơn giản. Khi phát hiện nhân viên quán xuống đường níu kéo khách, gây cản trở giao thông, công an phường mời nhân viên đó và chủ quán về trụ sở công an phường làm việc nhưng chủ quán lại không nhận nhân viên là người làm của quán, còn nhân viên lại nói là ra đường vẫy tay để… đón taxi, chứ không chèo kéo người đi đường! Do vậy rất khó xử phạt. Đã thế, lực lượng của phường rất mỏng, phải bố trí tuần tra tại các điểm nóng buôn bán hàng rong, lấn chiếm lòng đường. Sắp tới, phường sẽ cho lắp đặt một số chốt dân phòng trên đường Thành Thái nối dài, tăng cường lực lượng túc trực để đảm bảo giao thông cho tuyến đường này trong thời gian cao điểm Tết Nguyên đán”.

Về thực trạng trên đường Bông Sao, Phó Chủ tịch UBND phường 5, quận 8 Nguyễn Văn Cường nói: “Phường có bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý, nhưng khi lực lượng kiểm tra đi khỏi, các quán ăn lại vi phạm trở lại. Tới đây, chúng tôi sẽ làm quyết liệt. Nếu quán nào tái phạm, phường sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền rút giấy phép kinh doanh”. Thiết nghĩ, chuyện ngăn chặn, bắt quả tang và xử lý hành vi xuống đường bắt khách không có gì là khó, vấn đề là chính quyền các phường có quan tâm ngăn chặn một cách có trách nhiệm. 

TUẤN VŨ - ANH TUẤN

Tin cùng chuyên mục